Đô Lương: Khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống

27/05/2013 18:55

(Baonghean) - Mấy năm nay, đứng trước nguy cơ làng nghề và làng có nghề mai một, huyện đô lương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để vực dậy, tiếp tục “giữ lửa” các làng nghề truyền thống nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Những ngày này, làng nghề ươm tơ kéo sợi (UTKS) Xuân Như ở xóm 3, xã Đặng Sơn nhộn nhịp vào mùa. Sau thời gian khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, vùng trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn 9 xã ven sông vẫn được nhiều hộ bà con kiên trì phát huy, giữ được trên 300 ha (trước đây 500 ha). Các cơ sở thu mua kén và sản xuất tơ phấn khởi vì vụ đầu mùa năm nay kén bán chạy, giá cao, không ế hàng như mọi năm.

Qua tìm hiểu tại làng nghề thì vụ này, giá kén cao hơn mọi năm 10 ngàn đồng/kg, được 95 ngàn đồng/kg kén, giá tơ bán ra thị trường tăng lên từ 50-150 ngàn đồng/kg, giá 700 ngàn đồng. Đến thời điểm hiện nay, làng nghề đã sản xuất 14 tấn tơ, thu mua trên 100 tấn kén từ các địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm tại nội huyện, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nam Đàn.



Sản phẩm của Làng nghề ươm tơ kéo sợi Xuân Như hiện có giá bán cao.

Ông Trần Văn Ngà - Chủ nhiệm HTX Làng nghề, cho hay: “Bước vào vụ sản xuất, làng chúng tôi được tỉnh và huyện quan tâm đầu tư đường bê tông, chiều dài trên 5 km, có mương thoát nước thải. Bên cạnh đó, 9 hộ sản xuất chính đã đầu tư kinh phí xây dựng nồi hơi trị giá 6-7 triệu đồng/lò/hộ, thay thế công nghệ đốt than trước đây sang đốt củi, tiết kiệm được chi phí, hiệu suất kinh tế tăng từ 1 kg tơ/yến kén lên 1,4 kg tơ/yến kén. Bà con làng nghề rất vui vẻ, phấn khởi để tiếp tục ổn định sản xuất lâu dài”.

Nghề mộc Tĩnh Gia ở Thái Sơn có lịch sử từ lâu đời với nhiều sản phẩm mộc cao cấp và dân dụng trên thị trường trong và ngoại tỉnh. Năm 2012, được UBND tỉnh công nhận làng nghề, tình hình sản xuất của bà con nơi đây như có thêm khí thế mới.

Ông Nguyễn Văn Chất - cán bộ địa chính - xây dựng - UBND xã Thái Sơn, cho biết: Ngoài cây lúa thì nghề mộc được xác định là hướng đi thoát nghèo bền vững. Nhiều năm qua, sản phẩm mộc của bà con đã chiếm lĩnh được thị trường. Hiện nay cả làng nghề có 67 hộ tham gia làm nghề, 17 cơ sở sản xuất tập trung đã đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất trên dưới 200 triệu đồng/cơ sở để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Theo tính toán của bà con, mỗi hộ lao động có điều kiện thu nhập gần 60 triệu đồng/năm. Từ một địa phương thuần nông, sản xuất mộc đơn lẻ, manh mún, đến nay bà con gắn bó với nghề mộc đã và đang vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.

Nhiệm kỳ 2005 - 2010, huyện Đô Lương tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, khôi phục các làng nghề truyền thống, tổ chức đào tạo, du nhập các nghề mới để tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch CCLĐ. Trên tinh thần đó, một số nghề được huyện quan tâm duy trì và củng cố phát triển như mộc dân dụng, mộc cao cấp Thái Sơn, Tràng Sơn; bún bánh, miến Tân Sơn, Tràng Sơn; bánh đa - kẹo lạc ở Thị Trấn; nghề mây tre đan tại Lưu Sơn, Trung Sơn, Lạc Sơn, Văn Sơn; nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đặng Sơn, Lưu Sơn, Bắc Sơn... tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề, đó là Làng nghề UTKS Xuân Như (Đặng Sơn), Làng nghề đan lát Đà Lam (Đà Sơn), Làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức (Thị trấn) và Làng nghề mộc dân dụng Tĩnh Gia (Thái Sơn).

Thực hiện mục tiêu đề ra trong đề án “Phát triển CN-TTCN, xây dựng làng nghề huyện Đô Lương giai đoạn 2011-2015”, năm 2012, UBND huyện đã ban hành Quyết định 08 về việc hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng hạ tầng làng nghề (được UBND tỉnh công nhận) bao gồm đường giao thông, mương thoát nước trong khu sản xuất tập trung làng nghề. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình như đường nhựa đường làng nghề đan lát Đà Lam, kinh phí trên 2 tỷ đồng, đường bê tông, mương thoát nước Làng nghề UTKS Xuân Như, kinh phí trên 5 tỷ đồng, Khu tập trung trao đổi, mua bán nguyên liệu, sản phẩm Làng nghề bánh đa kẹo lạc Vĩnh Đức…

Tuy nhiên, cũng qua trao đổi với ông Kiều - Phó phòng Công thương huyện Đô Lương thì, hiện nay khó khăn nhất đặt ra đối với việc sản xuất các nghề TTCN, làng nghề trên địa bàn đó là yêu cầu kỹ thuật và thu nhập của người lao động. Trên thực tế, lao động tại các làng nghề phần đa làm theo kinh nghiệm, trình độ nắm bắt, vận dụng và ứng dụng các tiến bộ KHCN còn yếu. Đặc biệt, do chất lượng và mẫu mã còn nhiều hạn chế nên đầu ra thị trường cho sản phẩm còn bị động đẩy đến giá thành chưa cao, phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

Được biết, trong thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên phát triển làng nghề, trích 2-3% ngân sách địa phương để xây dựng quỹ khuyến công, khuyến thương xúc tiến đầu tư hỗ trợ hàng xuất khẩu, hỗ trợ cho vay ưu đãi để xây dựng làng nghề, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời hỗ trợ làng nghề phát triển bền vững, xây dựng, khâu nối với các tổ chức, doanh nghiệp đủ mạnh để cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm nghề cho bà con. Huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp các phòng ban có liên quan, các trường, trung tâm dạy nghề trong tỉnh để bồi dưỡng, đào tạo kỹ thuật và tay nghề cho công nhân và lao động dài hạn.


Lương Mai

Mới nhất
x
Đô Lương: Khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO