Đô Lương - nhìn lại để bước tới
(Baonghean) - Đang là huyện có sản lượng lúa đứng thứ nhì của tỉnh, dịch vụ thương mại cũng thuộc hàng khá so với các huyện trung du miền núi, nhưng chừng đó là chưa đủ để Đô Lương tự tin cho mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm phát triển vùng Tây nam của tỉnh...
Đô Lương là vùng đất sớm đô hội và sầm uất với địa danh xứ Lường nổi tiếng. Sau chiến tranh và bước vào thời kỳ đổi mới, khi chưa có đường Hồ Chí Minh như bây giờ, suốt một thời gian dài Đô Lương luôn được coi là cửa ngõ sầm uất của miền Tây Nam rộng lớn gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn và Tân Kỳ.
Mục tiêu lớn của Đô Lương nhiều năm qua là phấn đấu để sớm hội đủ các tiêu chí thành thị xã vào năm 2015. Xét về không gian và các điểm nhấn phát triển, có thể hình dung được lợi thế hiện nay của Đô Lương trong xây dựng tiêu chí lên thị xã: Quy hoạch mở rộng thị trấn huyện quy mô gấp đôi (từ 231 ha lên 450 ha), mà hiện nay đang giai đoạn chờ phê duyệt để thực hiện; tác động tích cực của quy hoạch các cụm công nghiệp tại Thượng Sơn, Lạc Sơn, Giang Sơn Tây, Mỹ Sơn, Thuận Sơn; quy hoạch khu công nghiệp xi măng; Dự án Khu di tích lịch sử Truông Bồn; Dự án khu du lịch suối nước nóng Giang Sơn...; Và nhất là Đô Lương có hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa rất tiềm năng cho phát triển du lịch cũng như xây dựng không gian văn hóa đô thị.
Một góc thị trấn Đô Lương
Hạt nhân để xây dựng tiêu chí thị xã là Thị trấn huyện Đô Lương, ngoài là nơi giao nhau của Quốc lộ 7 và Quốc lộ 15, thì gần đây Nhà nước lại mở thêm đoạn đường 7B từ xã Yên Sơn lên đến xã Lưu Sơn, đi qua phía ngoại vi trung tâm, tạo cho Thị trấn Đô Lương một hệ thống giao thông đường bộ phong phú. Cùng với dòng sông Lam chảy trên địa bàn, Thị trấn Đô Lương có điều kiện rất thuận lợi về cả giao thông thủy – bộ, tạo cho địa phương một vị thế quan trọng trong vùng. Từ xưa, vùng Thị trấn Đô Lương bây giờ đã là phủ lỵ, huyện lỵ; nhân dân thị trấn có truyền thống giao lưu buôn bán, kinh doanh.
Chợ Lường trước đây và Trung tâm Thương mại Đô Lương ngày nay là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa quan trọng trên Quốc lộ 7 và cả vùng Tây Nam của tỉnh. Ngoài ra, thị trấn còn có chợ trâu, bò; chợ Cổng Đá nơi chuyên sản xuất, buôn bán bánh đa, kẹo lạc để phân phối đi khắp huyện và các nơi trong tỉnh. Đó là thế mạnh để thị trấn phấn đấu trở thành một vùng kinh tế năng động, phát triển nhanh trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Hiện tại, ngoài chợ trung tâm thương mại mua bán sầm uất, thì các tuyến phố ở thị trấn cũng sôi động không kém. Thị trấn còn có khu công nghiệp nhỏ, quy hoạch xây dựng được khu đô thị mới khang trang...
Có thể nói, phát triển công nghiệp – TTCN và làng nghề là một hướng phát triển triển vọng cần được quan tâm ở Đô Lương để tạo bước đột phá thực sự trong phát triển kinh tế của huyện. Trong giai đoạn này, đáng chú ý là công nghiệp chế biến nông – lâm sản trên cơ sở các nghề truyền thống xứ Lường xưa, như chế biến bún bánh, giò chả, đậu phụ, nghề làm bánh đa kẹo lạc nổi tiếng ở Làng nghề Vĩnh Đức.
Sản xuất nông nghiệp của Đô Lương có đủ điều kiện để phát triển công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, vừa sử dụng sản phẩm của trồng trọt vừa góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung để đảm bảo nguồn nguyên liệu, nhằm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, số lượng và chất lượng đàn gia súc cho phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm. 9 xã ven bãi sông Lam: (Ngọc – Lam – Bồi – Bắc – Đặng – Đà – Trung – Thuận – Lưu Sơn) có nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ để phát triển công nghiệp dệt may; hướng được đưa ra là tổ chức lại dưới hình thức các hợp tác xã kiểu mới để tạo thành các làng nghề đầu tư các dàn máy ươm tơ hiện đại nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm tơ, khôi phục nghề dệt đũi, tạo mặt hàng truyền thống. Tại dự án khu du lịch nước khoáng nóng Giang Sơn, có thể kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy nước đóng chai sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn...
Những lợi thế ấy, thật đáng tiếc là huyện chưa vận dụng và phát huy tốt, để sớm có tiền đề phát triển nhanh và vững chắc. Có thể nói, nguyên nhân đầu tiên và chủ quan vẫn là ở tư tuy kinh tế còn hạn chế. Đó là thực tế mà đội ngũ lãnh đạo hiện nay của huyện cũng đang trăn trở để khắc phục. Phấn đấu phát triển đủ tiêu chí thị xã là để tạo ra thời kỳ phát triển mới nhanh, mạnh và vững chắc trên cơ sở tự mình tạo ra thời cơ và chớp lấy thời cơ. Điều đó, cũng đòi hỏi sự năng động, quyết đoán lớn ở đội ngũ cán bộ.
Từ các đại hội Đảng bộ huyện trong giai đoạn đầu thực hiện sự nghiệp đổi mới chung từ năm 1989 – 2000, huyện đã sớm tập trung vào 2 chương trình lớn, trong đó chú trọng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ từ huyện đến cơ sở. Cách làm là tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng cán bộ đương chức, nghiên cứu xây dựng quy hoạch kế cận, phát hiện cán bộ dự nguồn và thống nhất kế hoạch đào tạo; trích từ 1- 1,5% ngân sách (cả huyện và xã) làm quỹ hỗ trợ một phần cho số cán bộ được cử đi học; các cán bộ trẻ thuộc diện kế cận hoặc dự nguồn được cử đi học chính quy tập trung tại các ngành học ở các trường đại học và một số trường trung cấp phù hợp nhu cầu các địa phương. Cách làm đó thoạt đầu được đánh giá cao và tạo hiệu ứng tốt. Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng khảo sát, chọn lựa cán bộ để đào tạo thiếu tính chuyên môn, thiếu sự thẩm định cần thiết và chất lượng sau đào tạo không được kiểm tra kịp thời qua thực tiễn.
Như thế, khi nói Đô Lương chưa thực tự tin trong mục tiêu trở thành trung tâm phát triển phía Tây Nam của tỉnh, trước hết là đánh giá ở hiệu quả thực tiễn phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương chưa cao; mà nguyên nhân trước hết là ở công tác cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ chưa theo kịp, và chưa đáp ứng tình hình mới. Đặt ra yêu cầu cần tuyển dụng, bổ sung xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ hóa, không chỉ “tốt về tác phong” mà còn cần nhiều về năng lực trình độ, được bố trí phù hợp mới có “sâu sát, dân chủ và đoàn kết”, đưa phong trào đi lên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đặt ra. Nhìn lại thực tế để đi tới, đó cũng là đòi hỏi đầu tiên đối với đội ngũ cán bộ các cấp ở đây cho giải pháp trước mắt của địa phương.
Bài, ảnh: Đình Sâm