Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi
(Baonghean.vn) - Xuất phát từ thực tiễn, các đại biểu đã đề xuất lên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh 18 ý kiến góp ý thiết thực nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi.
Sáng 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, lãnh đạo các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đồng chủ trì hội nghị.
Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (sau đây gọi là Luật Công đoàn).
Luật Công đoàn năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, giúp Công đoàn Việt Nam phát triển liên tục trong những năm qua. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi Luật Công đoàn cần phải được tiếp tục hoàn thiện.
Phương án Luật Công đoàn sửa đổi nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới, phù hợp với thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tình hình hội nhập quốc tế.
Hội nghị đã ghi nhận 18 ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Một trong những nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm của các đại biểu là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Theo đó, hầu hết các đại biểu nhất trí cao với việc cho phép người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
Tài chính công đoàn cũng là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều ý kiến tâm huyết được ghi nhận nhằm tăng hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị, góp ý thêm về những vấn đề liên quan đến quyền và vai trò của tổ chức công đoàn trong thanh tra, giám sát, giải quyết những vấn đề liên quan đến người lao động; Bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách; Phụ cấp trách nhiệm của cán bộ công đoàn; Phát triển đoàn viên…
Đánh giá cao chất lượng hội nghị và cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, ông Trần Nhật Minh khẳng định sẽ nghiên cứu những ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng thời, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội mong muốn các đại biểu sẽ tiếp tục đồng hành với đoàn trong quá trình xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi)./.