Đoàn kết quốc tế chống Covid-19: Câu chuyện bó đũa
(Baonghean.vn) - Số người tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới vừa chính thức vượt ngưỡng 1 triệu người - con số có lẽ ít người hình dung tới khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi đầu năm.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhận định tình hình dịch bệnh đến lúc này vẫn ngoài tầm kiểm soát, và điều đó một phần xuất phát từ việc thế giới đã không thể tập hợp được sự đoàn kết cần thiết trong ứng phó với Covid-19, giống như bó đũa đã bị tháo rời bởi những tính toán vị kỷ của mỗi quốc gia.
“Khẩu chiến” trên không gian ảo
Hôm nay là ngày kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ bế mạc – khép lại một kỳ đại hội đặc biệt nhất trong lịch sử 75 năm hình thành và phát triển của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Trong hơn 1 tuần diễn ra đại hội, hình ảnh được đăng tải trên khắp các phương tiện truyền thông toàn cầu là một khán phòng vắng vẻ, với đại diện duy nhất của mỗi quốc gia ngồi cách xa nhau hàng mét. Dịch Covid-19 chính là nguyên nhân dẫn đến một kỳ đại hội đặc biệt như vậy, và cũng là nội dung được nguyên thủ các quốc gia tranh luận gay gắt nhất. Dù lãnh đạo các nước chỉ có bài phát biểu trực tuyến, nhưng sự xa cách của không gian ảo không hề làm giảm sức nóng của các cuộc tranh luận, không hề làm giảm sự giận dữ mà đại diện các quốc gia “đổ” vào bài phát biểu của mình.
Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: AP |
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã trở thành diễn đàn cho cuộc “khẩu chiến” nảy lửa giữa Mỹ và Trung Quốc trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “tấn công” Trung Quốc khi kêu gọi các nước buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đã để virus Sars-CoV-2 lây lan ra thế giới, nhắc lại việc Trung Quốc che giấu thông tin về việc virus nguy hiểm này có khả năng lây lan từ người sang người. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bác bỏ các cáo buộc mà Trung Quốc cho là “vô căn cứ” của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc đang tích cực tham gia vào cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19 và đóng góp cho việc duy trì an ninh y tế công cộng toàn cầu, cam kết tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh và ưu tiên hỗ trợ các nước đang phát triển khi sản xuất thành công vaccice Covid-19.
Nhưng tinh thần kiềm chế trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước sự “tấn công” của Mỹ đã không thể duy trì được lâu. Bởi trong bài phát biểu ngay tại hội trường của Liên hợp quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun cáo buộc “ngược” Mỹ “đã gây đủ rắc rối cho thế giới”. Đại diện của Trung Quốc cũng đặt vấn đề Mỹ có hệ thống công nghệ và y tế tiên tiến nhất thế giới, nhưng lại có số tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, và đó là vấn đề của Mỹ chứ không phải của bất kỳ quốc gia nào khác. Trung Quốc cũng lặp lại lời kêu gọi mà chính Mỹ đã dành cho Trung Quốc trước đó, đó là “hành xử như một cường quốc” - cho dù cả Trung Quốc và Mỹ đã “hành xử như một cường quốc” trong đại dịch Covid-19 vẫn còn chưa được xác nhận một cách rõ ràng.
Nước lớn chưa làm hết trách nhiệm, đó cũng là quan điểm mà nhiều nước cáo buộc, làm nóng lên cuộc “khẩu chiến” xoay quanh cuộc chiến với Covid-19 của toàn thế giới. Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ ra “nhiều quốc gia bị bỏ mặc” khi đại dịch bùng phát, Tổng thống Brazil Bolsonaro nhấn mạnh “thảm họa kinh tế” mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt và nguy cơ xảy ra “chiến tranh Lạnh kiểu mới” giữa Mỹ và Trung Quốc trong đại dịch, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin thì lên án các lệnh trừng phạt mà các nước áp đặt với nhiều nước thành viên Liên hợp quốc trong bối cảnh mà thế giới lẽ ra phải hỗ trợ nhau vực dậy nền kinh tế, tạo việc làm sau “cú đánh chí mạng” của Covid-19... Mọi quan điểm được các nhà lãnh đạo chia sẻ cuối cùng cũng làm nổi bật một thực tế rằng, thế giới dường như bất lực trong việc kiềm chế sự lây lan của Covid-19, theo cách nói của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là “sự bất lực tập thể”!
Tổng thống Mỹ Donald Trump gay gắt chỉ trích Trung Quốc tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AP |
Lời thừa nhận cay đắng
Thế giới dường như bất lực trong việc kiềm chế lây lan của Covid-19 có lẽ không phải lời nói quá nếu nhìn vào tình hình dịch bệnh hiện nay. Cả thế giới hiện đã có hơn 33 triệu người mắc Covid-19, số ca tử vong vừa vượt mốc 1 triệu người vào ngày hôm qua. Đáng chú ý là số người mắc Covid-19 mới mỗi ngày đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu suy giảm khi đều gần chạm mức 300.000 ca/ngày. Tại nhiều quốc gia, kịch bản làn sóng Covid-19 thứ hai đã ngày càng hiện hữu, thậm chí các nhà khoa học còn lo ngại rằng đỉnh dịch trong làn sóng thứ hai sẽ còn khủng khiếp hơn đỉnh dịch trong làn sóng thứ nhất.
Trong hoàn cảnh đó, lời kêu gọi đoàn kết quốc tế để ứng phó với Covid-19 mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần như rơi vào vô vọng. Mặc dù đã cảnh báo rằng, “đoàn kết vì lợi ích của chính mỗi quốc gia, nếu không tất cả đều thua cuộc”, nhưng tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này, ông đã phải thừa nhận một cách cay đắng rằng “Đại dịch là một bài kiểm tra rõ ràng nhất về khả năng hợp tác quốc tế - một bài kiểm tra mà chúng ta về cơ bản đã thất bại”. Ông Guterres đã chỉ ra rằng, nhiều quốc gia đánh mất sự kết nối giữa quyền lực và khả năng dẫn dắt thế giới. Nhận định của ông Guterres có thể nhận thấy rõ qua câu chuyện vaccine - giải pháp được cho là duy nhất để thế giới có thể vượt qua đại dịch.
Hiện “Sáng kiến vaccine” của Tổ chức Y tế thế giới nhằm tạo cơ chế phân phối vaccine Covid-19 cho các nước nghèo đã có 156 nước tham gia. Nhưng trong số đó không có tên của hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc, bất chấp Tổng Giám đốc Tổ chức Thế giới Adhanom Ghegbreyesus đã kêu gọi “Chúng ta hãy cùng nhau bơi hoặc cùng nhau chìm”. Cho đến nay, sáng kiến này còn thiếu 700-800 triệu USD để có thể huy động đủ 2 tỷ liều vaccine Covid-19 và vẫn chưa biết “trông cậy” vào đâu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thừa nhận thất bại trong tập hợp đoàn kết quốc tế chống Covid-19. Ảnh: UN |
Liên hợp quốc đã và đang hứng chịu không ít chỉ trích về việc không thể tập hợp được đoàn kết quốc tế trong chống dịch Covid-19, nhưng nhiều người đã nhận ra rằng những lời chỉ trích đang nhắm vào Liên hợp quốc cũng chính là nhắm vào các thành viên của Liên hợp quốc, bởi mọi nỗ lực của Liên hợp quốc sẽ không thể mang lại hiệu quả khi vấp phải sự cản trở của những thành viên có tiếng nói trọng lượng nhất. Điều đó thể hiện rõ nhất khi Mỹ và Trung Quốc – hai thành viên của quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an liên tục cáo buộc nhau có cách xử lý không thích hợp trong ứng phó dịch bệnh cũng như chính trị hóa đại dịch Covid-19, nhưng lại từ chối tham gia vào nỗ lực chung là “Sáng kiến vaccine”. Tất nhiên, vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một vũ khí đầy lợi hại của các quốc gia nhằm tác động tới các vấn đề quan trọng nhất của nền chính trị thế giới, đồng thời khẳng định vị thế quốc gia. Nhưng chính vũ khí ấy lại mang lại “tác dụng ngược” khi thế giới đang rất cần sự đoàn kết để ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu như đại dịch Covid-19.
Nhìn vào cách thế giới ứng phó với Covid-19 hiện nay, nhiều người liên tưởng tới hình ảnh bó đũa đã bị tháo rời. Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng Liên hợp quốc cần phải có những thay đổi về mặt cấu trúc để củng cố vai trò quan trọng nhất của mình là tập hợp đoàn kết quốc tế để ứng phó với các mối đe dọa mang tính toàn cầu – các mối đe dọa phức tạp hơn nhiều, khó khăn hơn nhiều so với khi tổ chức này ra đời cách đây 75 năm.