Đoàn kết, tạo bước đột phá, đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững

30/01/2014 21:35

Hồ Đức Phớc

Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

(Baonghean) - Đảng bộ và nhân dân Nghệ An rất vui mừng, phấn khởi và vinh dự khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Việc ban hành văn kiện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với Nghệ An, bởi đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về một tỉnh, là cơ hội to lớn để tỉnh Nghệ An bứt phá và phát triển. Để thực hiện thành công Nghị quyết 26 - NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà phải đoàn kết một lòng, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực, nỗ lực phấn đấu và vượt qua thách thức, tạo đột phá giành thắng lợi.

Nhận diện tiềm năng, lợi thế từ các nguồn lực

Nghệ An là một tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ có diện tích lớn nhất cả nước với gần 16.500 km2, có đường biên giới giáp Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào dài nhất cả nước (419 km), với 4 cửa khẩu, trong đó Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Cửa khẩu Thanh Thuỷ đang làm thủ tục để trở thành cửa khẩu Quốc tế, 2 cửa khẩu phụ Cao Vều và Thông Thụ kết nối với các tuyến đường xuyên Á từ Myanma, Thái Lan, Lào xuống Cảng Cửa Lò đang tạo ra một khả năng giao thương to lớn để phát triển. Hệ thống hạ tầng tương đối tốt, đồng bộ và hiện đại như hệ thống 6 quốc lộ chạy qua, đường sắt, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường khác đang tạo những thuận lợi cho Nghệ An kết nối với các vùng miền để phát triển.

Hệ thống cảng biển của Nghệ An gồm có Cảng quốc tế Cửa Lò đang được nạo vét để đón tàu 2 vạn tấn vào ra thuận lợi, Cảng nước sâu Cửa Lò đã được quy hoạch công suất 20 triệu tấn/năm, cho phép tàu trên 5 vạn tấn vào ra và phía Bắc xây dựng Cảng vận tải chuyên dùng Đông Hồi tạo ra sự kết nối giữa Nghệ An thông qua đường biển với các vùng trong cả nước và các quốc gia khác. Cảng hàng không Vinh có 6 tuyến bay, trong năm 2013 đã vận chuyển hơn 1 triệu lượt khách đạt mức tăng trưởng 44% - mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống cảng hàng không vận chuyển khách nội địa trong nước, hiện nay đang quy hoạch để trở thành sân bay quốc tế, tạo thuận lợi thúc đẩy thu hút đầu tư và giao thương với các vùng miền và các quốc gia trên thế giới. Hệ thống đô thị của Nghệ An khá phát triển, gồm có Thành phố Vinh là đô thị loại I, đang xây dựng để trở thành Trung tâm khu vực Bắc Trung bộ trên một số lĩnh vực và cùng với Thị xã du lịch Cửa Lò, vùng đô thị công nghiệp Hoàng Mai và đô thị Thái Hòa hợp thành một bộ khung tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Một nguồn lực to lớn, cần được khơi dậy và phát huy hiệu quả, đó là nguồn lực con người. Người Nghệ An có truyền thống cần cù, hiếu học, học giỏi, ý chí phấn đấu cao, tinh thần cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước được kế thừa qua các thế hệ. Điều đó được chứng minh bởi thành tích học sinh giỏi luôn ở vị trí tốp đầu cả nước, đang dần hình thành trung tâm đào tạo khu vực Bắc Trung bộ với 5 trường đại học, 9 trường cao đẳng và hàng trăm trung tâm dạy nghề có khả năng đào tạo 90 vạn sinh viên/năm, cùng với nguồn nhân lực dồi dào hơn 1,8 triệu lao động là nguồn lực con người vô cùng quan trọng để đưa Nghệ An phát triển. Kinh tế Du lịch cũng đang tạo động lực phát triển mạnh mẽ với việc khai thác, sử dụng có hiệu quả lợi thế bãi biển Cửa Lò đẹp, có bề dày 107 năm du lịch, cùng với đảo Mắt, đảo Ngư kết nối với Khu di tích Kim Liên quê Bác và các địa danh lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa khác tạo thành một chuỗi các điểm đến trong hành trình về với Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế mạnh miền Tây cần được phát huy đó là Vườn quốc gia Pù Mát có diện tích 93.523 ha, Pù Huống có diện tích 41.127 ha và Pù Hoạt 34.723 ha trở thành Khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Tài nguyên rừng của Nghệ An lớn với diện tích hơn 883.523 ha, có nhiều loại gỗ quý như lim, sến, đinh hương, dẻ,... và gỗ rừng trồng rộng lớn là nguồn nguyên liệu quý giá để phát triển công nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu, như sản phẩm gỗ thịt xuất khẩu, sản phẩm gỗ MD... Tiềm năng đất đai rộng lớn, thổ nhưỡng tốt đang là một triển vọng tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào giúp cho việc phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và dược liệu. Ngoài ra, với tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng như đá quý, vàng, thiếc, măng gan, đá các loại... đặc biệt là đá trắng và thiếc phát triển nhanh thành ngành công nghiệp chế biến tập trung; trữ lượng đá vôi rất lớn cho phép Nghệ An phát triển ngành xi măng với công suất 12 triệu tấn/năm... Có thể nói, với những tiềm năng hiện có, cơ chế chính sách phù hợp, công nghệ tiên tiến, chiến lược phát triển đúng đắn và đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của toàn tỉnh chắc chắn Nghệ An sẽ phát triển.

Vượt qua thách thức, đón nhận thời cơ

Cách đây hơn 10 năm (6/2003), Bộ Chính trị khoá IX đã có Kết luận số 20, đề ra chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Thực hiện Kết luận, kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đã có bước phát triển, chuyển dịch mạnh mẽ. Nghệ An đã hình thành được 3 vùng kinh tế trọng điểm, 1 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp. Thành phố Vinh phát triển thành đô thị loại 1, Thị xã Cửa Lò đã được công nhận đô thị loại 3, thành lập 2 thị xã: Thái Hoà và Hoàng Mai. Miền Tây Nghệ An có sự chuyển biến rõ nét về kinh tế - xã hội; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, giáo dục phát triển mạnh mẽ. Nhiều lĩnh vực phát triển với tốc độ cao, trong đó có một số lĩnh vực đang trên đà vươn lên trở thành vị trí hàng đầu khu vực như: thương mại - du lịch; tài chính ngân hàng; khoa học công nghệ; y tế - giáo dục; văn hoá thể thao; nông nghiệp công nghệ cao...

Đồng chí Hồ Đức Phớc chúc mừng các nhà đầu tư nước ngoài đến với Nghệ An. Ảnh: Sỹ Minh
Đồng chí Hồ Đức Phớc chúc mừng các nhà đầu tư nước ngoài đến với Nghệ An. Ảnh: Sỹ Minh

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra đối với một tỉnh có vị trí địa lý, chiến lược quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế thì vẫn chưa đạt. Chúng ta đang đối mặt với những thách thức, yếu kém cần phải nỗ lực khắc phục, vượt qua, đó là: tăng trưởng kinh tế thấp, chuyển dịch cơ cấu còn chậm và chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của tỉnh. Một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra như: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 chỉ đạt 9,75%/mục tiêu 12-13%; bình quân 2011-2012 chỉ đạt 8,18%.

Cơ cấu nguồn thu và cân đối thu chi chưa vững chắc, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng chậm; một số mũi trọng điểm, đột phá trong phát triển kinh tế đạt thấp so với mục tiêu, như: xi măng, công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, công nghiệp công nghệ cao... Quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường và hoạt động khoáng sản còn nhiều bất cập; hiệu quả khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản còn thấp. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tuy có nhiều cố gắng nhưng kết quả chưa tương xứng tiềm năng. Thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế; chưa có nhiều dự án lớn mang tính đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Các doanh nghiệp Nghệ An đa số có quy mô nhỏ bé, vốn ít, công nghệ lạc hậu nhưng lại chậm đầu tư đổi mới, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, năng lực quản trị doanh nghiệp yếu, năng lực sản xuất chưa đủ sức cạnh tranh và hàng hoá hầu hết chưa có thương hiệu. Tỷ trọng ngành nông nghiệp còn cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và liên kết vùng chưa chặt chẽ. Kinh tế khu vực miền Tây mặc dù rộng lớn nhưng sức sản xuất còn hạn chế, còn chênh lệch lớn so với miền xuôi (năm 2010 giá trị sản lượng miền núi là 12.543 tỷ đồng, chỉ bằng 30,28 %; trong khi miền xuôi là 28.884 tỷ đồng, tương đương 69,72 %). Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, năm 2012 theo chuẩn hiện hành còn chiếm 15,61%. Giải quyết việc làm cho người lao động còn khó khăn (tỷ lệ thất nghiệp chung năm 2012 chiếm 5,5%).

Đồng chí Hồ Đức Phớc thăm doanh nghiệp thiếc tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Sỹ minh
Đồng chí Hồ Đức Phớc thăm doanh nghiệp thiếc tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Sỹ minh

Trước những thách thức như vậy, Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 30 tháng 7 năm 2013 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với quê hương Bác Hồ kính yêu. Đây là cơ hội, thời cơ với những định hướng chiến lược để Nghệ An nỗ lực, đồng tâm, khơi dậy và phát huy tối đa các nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, xây dựng cơ chế thông thoáng để bứt phá phát triển mạnh mẽ.

Những giải pháp đột phá

Mục tiêu Nghị quyết số 26 - NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo đà để trở thành một tỉnh công nghiệp đến năm 2020. Xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm tài chính thương mại, du lịch, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao và công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ. Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Xây dựng, củng cố quốc phòng vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Để thực hiện NQ 26 - NQ/TƯ có hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 24 ngày 8/10/2013 gồm 20 chương trình, dự án lớn và đang tổ chức triển khai lãnh đạo thực hiện, trong đó có một số nội dung rất lớn, có tính chất trọng tâm, trọng điểm như: đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020; phát triển Thành phố Vinh thành Trung tâm kinh tế - văn hóa Bắc Trung bộ từ nay đến 2020; xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm và cơ chế chính sách phát triển Khu công nghiệp Hoàng Mai - Đông Hồi như Khu kinh tế Nghi Sơn; phát triển Nghệ An thành Trung tâm công nghệ thông tin vùng Bắc Trung bộ; đề án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu tỉnh Nghệ An đến năm 2020;... và một số đề án quan trọng khác.

Trước tiên trong năm 2014, cần tập trung vào bốn lĩnh vực chính tạo đột phá về kinh tế tạo cơ sở thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển bền vững:

- Huy động mọi nguồn lực đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sự phát triển như: nâng cấp nhà ga sân bay Vinh theo quy hoạch đảm bảo quy mô vận chuyển 3 triệu lượt khách/năm, với việc kéo dài đường băng, xây dựng hạ tầng sân bay và mở thêm một số chuyến bay quốc tế; nạo vét cảng Cửa Lò để tàu 2 vạn tấn vào ra được và xây dựng bến số 5, số 6; triển khai xây dựng cảng Đông Hồi và thu hút đầu tư để triển khai cảng nước sâu; xây dựng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; tập trung mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 15A, Quốc lộ 7A; đường miền Tây Nghệ An; đường Tân Kỳ - cảng nước sâu; đường Thái Hòa - Nghĩa Đàn - Hoàng Mai; đại lộ Vinh - Cửa Lò; đường ven biển; 3 cầu vượt đường sắt cho hệ thống giao thông thông suốt: cầu vượt Quốc lộ 46 tại Cửa Nam, cầu vượt Yên Lý và cầu vượt Quán Bánh; khởi công dự án ODA nâng cấp thủy nông Bắc với tổng nguồn vốn 5.700 tỷ; đẩy nhanh tiến độ dự án ODA nâng cấp đô thị Vinh và một số dự án khác.

- Tập trung thu hút đầu tư vào 7 lĩnh vực mà Nghệ An có lợi thế đã được xác định và 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm Thành phố Vinh và vùng phụ cận; vùng Hoàng Mai - Đông Hồi và vùng Tây Nghệ An. Đặc biệt, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao với những dự án lớn mang tính đột phá làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hướng tới mời gọi các tập đoàn kinh tế mạnh ngoài nước và trong nước tiếp tục vào đầu tư tại Nghệ An như: Tập đoàn Sam sung, Kobeco, LG, Hyundai... và các tập đoàn trong nước như Tập đoàn Becamex, Nguyễn Kim, FPT, Hoa Sen, Mường Thanh, TH true milk, Tập đoàn dầu khí Quốc gia, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng... và các tổ chức tín dụng lớn như Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Ngoại thương, Công thương, Nông nghiệp, HDBank... đảm bảo nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho phát triển và các tập đoàn kinh tế khác.

- Dồn sức thực hiện tốt, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với xóa đói giảm nghèo với nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được nguồn lực xã hội hóa và phát huy dân chủ, đoàn kết trong nhân dân, phấn đấu giảm nghèo xuống còn 8% năm 2014.

- Tập trung cải cách hành chính, xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng và đúng đắn để phát triển; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung xây dựng Đảng vững mạnh, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, những việc cần làm ngay sau kiểm điểm gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03- CT/TƯ “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng, củng cố đoàn kết nhất trí cao, tạo đồng thuận trong nhân dân và giữ vững quốc phòng - an ninh.

Thực hiện Nghị quyết 26 thành công là khát vọng của Đảng bộ, nhân dân Nghệ An. Lãnh đạo và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xác định được trách nhiệm của mình phải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự phát triển của quê hương, quá trình thực hiện quyết tâm chính trị cao đó rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và các địa phương trong cả nước thể hiện tình cảm, trách nhiệm vì quê hương và lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.

Đoàn kết, tạo bước đột phá, đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO