Đoàn kinh tế quốc phòng 4 với công tác bầu cử

19/05/2011 18:22

(Baonghean) - Cũng giống như bao cử tri của cả nước, những cử tri ở miền biên viễn tỉnh Nghệ An đang háo hức đón chào ngày hội lớn của đất nước - ngày bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp.

Trọn tháng trước ngày bầu cử, đêm nào cũng thế, Thiếu uý Mùa Bá Đà, nhân viên thuộc đội chế biến miến dong riềng của Đoàn KTQP 4 (Quân khu 4) thường thức rất khuya để đọc, tìm hiểu, nghiên cứu và biên dịch các tài liệu tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp từ tiếng Việt sang tiếng Mông. Mùa Bá Đà tâm sự: “Vì là người bản địa, hiểu rõ phong tục, tập quán và tiếng Mông nên mình phải nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ, thật nhiều các vấn đề liên quan đến công tác bầu cử để tuyên truyền cho đồng bào hiểu rõ, nắm chắc và thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri”.

Bánh xe ô tô của Đoàn hướng về các bản bắt đầu lăn cũng là lúc giọng nói ấm áp của Mùa Bá Đà dội vang khắp núi rừng Khu KTQP Kỳ Sơn. Mặc dù đang là thời điểm đồng bào làm nương rẫy nhưng khi đội tuyên truyền lưu động của Đoàn KTQP 4 có mặt đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bà con nhân dân. Với hình thức ban ngày tuyên truyền lưu động, tối đến chiếu phim phục vụ đồng bào, những người lính Đoàn KTQP 4 đã tranh thủ mọi thời gian để tuyên truyền các Luật về bầu cử, quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri để nhân dân trong vùng dự án nắm chắc, hiểu rõ và thực hiện đầy đủ quyền lợi của mình trong ngày hội của cả nước.


Cán bộ Đoàn KTQP 4 tuyên truyền lưu động về Luật bầu cử tới các cử tri
trước các buổi chiếu phim ở bản Ta Đo (Mường Típ - Kỳ Sơn - Nghệ An).

Cử tri Cụt Phò Dênh (bản Na Mỳ, Mường Ải, Kỳ Sơn) phấn khởi cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được đi bỏ phiếu để bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Nhờ các chú bộ đội tuyên truyền mà em hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc bỏ phiếu”.

Tối hôm tuyên truyền ở bản Phù Khả 2 (Na Ngoi), sau buổi chiếu phim, già làng Mùa Chồng Sử nắm chặt tay cái bộ đội như muốn nói lời cảm ơn. Dưới ánh trăng vằng vặc, đôi mắt của già làng Sử như rực sáng. Già làng chậm rãi: “Dân bản ta, nhiều người chưa hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri hết đâu. Cái cán bộ xã nói làm thế nào thì dân ta làm theo thế. Hôm nay có bộ đội tuyên truyền, giải thích rõ ràng nên dân bản ta ai cũng ưng cái bụng. Nắm được Luật bầu cử, đọc kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để chọn lựa những người đủ đức, đủ tài vào các cơ quan quyền lực của nhà nước”.

Uống thêm ngụm nước, giọng nói già làng Sử trầm xuống: “Mấy hôm trước có một số kẻ lạ mặt vào bản vận động đồng bào Mông đi ra tỉnh Điện Biên. Chúng vẽ một cuộc sống đầy đủ, sung túc nếu đi theo nó. Nào là không phải lao động vẫn được ăn sung, mặc sướng. Nếu đi theo nó, chúng sẽ hỗ trợ ban đầu mỗi người 100.000 đồng. Hay nó vận động, ngày bầu cử ai đi thăm thân ở bên Lào hoặc rời khỏi địa bàn và không tham gia bầu cử nó sẽ cho tiền ?! Lúc đầu trong bản cũng có người định theo nó nhưng ta đã họp dân bản phân tích cho đồng bào hiểu. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến cuộc sống của các dân tộc anh em, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã đưa nhiều chính sách hỗ trợ, giúp bà con xoá đói giảm nghèo. Bản ta giờ đã được sử dụng điện lưới quốc gia thay vì những máy tua bin phát điện nhỏ. Hệ thống giao thông được đầu tư nên đi lại thuận tiện. Sản phẩm của nhân dân làm ra nhờ có cái đường giao thông mà tăng giá trị. Bộ đội Đoàn KTQP 4 hỗ trợ giống, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nên đời sống bà con ngày càng khởi sắc. Và, thay mặt bản, ta tuyên bố, nếu hộ nào đi sẽ không được được quay về mảnh đất này nữa. Thế là dân bản ai cũng một lòng làm theo lời ta nói.”

Trước đợt bầu cử địa biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, 4 xã thuộc Khu KTQP Kỳ Sơn là Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Ải và Mường Típ, nơi có đồng bào các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh sinh sống đối diện với nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của bầu cử. Đại tá Nguyễn Xuân Điều, Chính uỷ Đoàn KTQP 4 cho biết: “Khu KTQP Kỳ Sơn có 4 điểm bầu cử với 44 tổ bầu cử. Những khó khăn, phức tạp nổi lên trong công tác bầu cử ở đây tập trung vào công tác quản lý cử tri, bởi lực lượng này thường đi lao động tự do ở trong rừng, thăm thân bên nước bạn Lào. Hơn nữa tư tưởng dòng họ trong bầu cử HĐND cấp xã vẫn tồn tại. Khi niêm yết danh sách cử tri ở các bản, nhiều bản yêu cầu dòng họ này khoá trước làm rồi, đến khoá này phải đưa dòng họ của họ vào ?!...”.

Trước những khó khăn trên, Đoàn KTQP 4 đã cử các đoàn công tác về các điểm bầu cử để nắm chắc tình hình và kịp thời có phương án tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đến nay, ngoài công tác tuyên truyền lưu động, Đoàn KTQP 4 đã giới thiệu 19 sỹ quan về 19 tổ bầu cử được đánh giá là phức tạp để cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như tham mưu về cách thức, quy trình điều hành bầu cử, tiến hành kiểm phiếu. 19 sỹ quan này sẽ chịu trực tiếp trách nhiệm trước Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn về chất lượng cũng như công tác an toàn bầu cử ở các điểm mình phụ trách. Đồng thời, Đoàn cũng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tạm dừng cấp giấy đi thăm thân cũng như làm ăn xa đối với các cử tri cho đến hết ngày bầu cử. Đặc biệt là có biện pháp theo dõi, kiểm tra chặt chẽ các đối tượng lạ mặt xuất hiện trên địa bàn vào thời điểm này. Đối với các đội sản xuất của Đoàn, ngoài việc tham gia trực tiếp tại các tổ bầu cử còn có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng để bảo vệ bầu cử đảm bảo an toàn.

Khu KTQP Kỳ Sơn là địa bàn biên giới nên cử tri nơi đây sẽ đi bỏ phiếu sớm vào ngày 20/5/2011. Với những nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ nhiệt tình của Đoàn KTQP 4, những cử tri nơi miền biên viễn đang háo hức để được cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân của mình.


Đức Dục - Tiến Dũng

Đoàn kinh tế quốc phòng 4 với công tác bầu cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO