Doanh nghiệp chưa quan tâm thị trường nội địa

18/06/2014 08:37

(Baonghean) - Công nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước trên địa bàn Nghệ An trong những năm gần đây đã bắt đầu tạo ra những thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng, nhà sản xuất trong tỉnh, trong nước biết đến. Đó là sữa TH True Milk, là gạch Granite Trung Đô, Xi măng Hoàng Mai, Dệt kim Hoàng Thị Loan… Tuy nhiên, số lượng thương hiệu như thế xuất hiện chưa nhiều.

Dây chuyền sản xuất  tại Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan.  Ảnh: Phan Văn Toàn
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: Phan Văn Toàn

Trước sự khó khăn về thị trường cho sản phẩm xuất khẩu do sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, hàng rào thuế quan, phi thuế quan, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa là một sự lựa chọn đang được doanh nghiệp hướng tới. Để tăng giá trị của hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước, doanh nghiệp Nghệ An nên tận dụng lợi thế nguồn nhân lực, nguyên liệu tự nhiên sẵn có, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí để có thể cho ra những sản phẩm tốt với giá thành cạnh tranh. Lợi thế về vị trí địa lí, hệ thống giao thông thuận tiện cho việc trao đổi, vận chuyển hàng hóa, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn lao động dồi dào (đang được đào tạo nghề ngày càng chuyên môn và bài bản hơn) chính là cơ sở để các nhà sản xuất ở Nghệ An hướng tới thị trường nội địa với quy mô dân số hơn 90 triệu người, nhu cầu thị trường không “khó tính”.

Tình hình sản xuất công nghiệp trong tỉnh Nghệ An năm 2013 và nửa đầu năm 2014 vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng một số sản phẩm có tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như đường kính, điện sản xuất, sữa tươi... vẫn tăng khá. Trong 5 tháng đầu năm 2014, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ 2013 như: Sữa các loại đạt 46.036 nghìn lít tăng 295,63%; đường kính 126.919 tấn, tăng 19,65%; sợi các loại 5.187 tấn, tăng 11,07%; sản phẩm dệt kim 5,5 triệu chiếc, tăng 55,19%; bao bì 23 triệu bao, tăng 29,48%; gạch xây quy chuẩn 291,5 triệu viên, tăng 63,07%; xi măng 591 ngàn tấn, tăng 25,87%; điện sản xuất 729 triệu kwh, tăng 9,95%. Năng lực mới tăng của ngành công nghiệp có khởi sắc từ khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động như: Thuỷ điện Hủa Na, thuỷ điện Khe Bố, nhà máy may Hanosimex, nhà máy may MLB Tenergy, Nhà máy sữa tươi sạch TH, nhà máy nhựa Tiền Phong...Thế nhưng, hiện đa phần sản phẩm hàng hóa chủ yếu được sản xuất tại Nghệ An là hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, điện, dệt may xuất khẩu còn các nhóm sản phẩm như may mặc, đồ điện tử, gia dụng phục vụ tiêu dùng, sản xuất trong nước còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, trong nước.

Mặc dù thị hiếu, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng trong nước không quá khắt khe, nhưng không có nghĩa là “đường ta rộng thênh thang ta bước”, mà các nhà sản xuất Nghệ An đang gặp phải sự cạnh tranh từ phía các doanh nghiệp trong nước. Xét một cách toàn diện, năng lực sản xuất sản phẩm tiêu dùng của các doanh nghiệp ngoại tỉnh tốt hơn hẳn so với phần lớn doanh nghiệp Nghệ An. Chị Trần Thị Mỹ Linh, P. Hưng Bình, TP. Vinh cho biết: chị thường mua sắm ở siêu thị bởi ở đó hàng hóa có giá tốt, chất lượng đảm bảo, không sợ “mua hớ” như khi mua ở chợ. Hàng hóa ở siêu thị chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao, đặc biệt là đồ nhựa và dệt may. Khi được hỏi về việc mua sản phẩm được sản xuất trong tỉnh, chị cho rằng, hàng hóa của tỉnh ta hầu như vắng mặt tại siêu thị, thậm chí tại các chợ, các đại lý cũng vậy. Nếu có thì chất lượng, mẫu mã không thể bằng các sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước. Đặc biệt là hàng hóa có mẫu mã và bao bì không hấp dẫn, không lôi cuốn sự chú ý của khách hàng.

Điều đáng nói là trong khi các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nghệ An chủ yếu là hàng lâm thủy hải sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, dệt may, sản phẩm gỗ (hầu hết được sơ chế rồi xuất khẩu, hàm lượng công nghệ và chất xám trong sản phẩm còn thấp dẫn đến giá trị gia tăng chưa cao) thì năng lực sản xuất hàng hóa nội địa còn yếu, chưa được đầu tư đúng mức để tận dụng thế mạnh về tài nguyên, lao động của tỉnh. Cụ thể, một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Nghệ An là sản phẩm dệt may. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh đạt 31,7 triệu USD, chiếm 9,2% giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Thế nhưng, hầu hết các nhà máy dệt may trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất gia công để xuất khẩu.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc sẵn trong tỉnh tương đối lớn nhưng chỉ có số ít nhà máy như Nhà máy Dệt kim Hoàng Thị Loan là phục vụ nhu cầu trong nước. Cho nên tình trạng hàng dệt may Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường cũng là điều dễ hiểu. Đối với sản phẩm dăm gỗ, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ keo chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 80 triệu USD, tăng 24,5% so với năm 2012, chiếm 23,2 % giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Dăm gỗ từ cây keo của Nghệ An được nhà nhập khẩu nước ngoài đánh giá cao, nhưng Nghệ An chưa có một nhà máy giấy nào đủ tầm để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào như hiện nay. Cho nên, buộc nhà sản xuất dăm gỗ phải xuất sang thị trường nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Nhưng hiện tại, việc xuất dăm gỗ sang thị trường này đang gặp khó khăn nên giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2014 giảm 23,81%.

Hay đối với hàng mây tre đan, đây là sản phẩm có nhiều ưu thế của Nghệ An nhưng thị trường nội địa lại thiếu vắng sản phẩm này. Theo ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong: Sở dĩ doanh nghiệp Nghệ An ngại đầu tư vào sản xuất hàng tiêu dùng vì hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Nếu muốn “so tài” với các doanh nghiệp khác trong nước thì phải đầu tư một nguồn vốn khá lớn để cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, khảo sát, phát triển thị trường… Mặt khác, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa thực sự đủ sức hạn chế hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái trong sản xuất, kinh doanh. Việc làm giả, làm nhái sản phẩm vẫn tràn lan, khó kiểm soát nên doanh nghiệp rất ngại tập trung vốn lớn vì độ rủi ro cao. Thế nên các doanh nghiệp tại Nghệ An vẫn chọn hướng đi xuất khẩu vì theo họ giá trị xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, độ rủi ro thấp hơn. Cũng theo ông Phong, sản phẩm mây tre đan của DN ông chủ yếu là xuất khẩu vì giá thành sản phẩm quá cao so với chi phí mà người dân sẵn sàng bỏ ra để mua sản phẩm nên chỉ có xuất khẩu DN mới có thể phát triển được.

Ngoài nhu cầu thị trường nội địa, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhà sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa còn được sự hỗ trợ của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án khoảng 228,93 tỷ đồng. Về phía tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 nêu rõ: Từ nay đến năm 2020, Nghệ An cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực, tận dụng, thu hút mọi nguồn lực cả trong, ngoài tỉnh và nước ngoài, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp…Nghị quyết cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu, trong đó có giải pháp: Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với đặc điểm, vị trí của tỉnh.

Thiết nghĩ, để ngành công nghiệp phát triển như mong muốn, ngoài sự định hướng và giải pháp vĩ mô của tỉnh, quốc gia, ngay bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần có chiến lược sản xuất kinh doanh trung hạn, dài hạn với định hướng khai thác tối đa thị trường nội địa.

Lan Hương

(Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nghệ An)

Mới nhất
x
Doanh nghiệp chưa quan tâm thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO