Doanh nghiệp xuất khẩu của Nghệ An: Bức tranh toàn cảnh với khó khăn 'khó gỡ'?

Thu Huyền 28/02/2023 15:04

(Baonghean.vn) - Chi phí đầu vào phục vụ sản xuất như điện, nước, nhiên liệu... đều tăng, nhưng giá bán hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường, là những vấn đề nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.

Nhiều thách thức đối với hoạt động xuất khẩu

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát diễn ra ở nhiều nước, nhưng hoạt động xuất khẩu của tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng. Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2,54 tỷ USD, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành trên cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ.

Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với năm 2021, như dệt may, linh kiện điện thoại, dăm gỗ, bột đá vôi trắng siêu mịn, đá ốp lát, viên nén gỗ,... Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu qua chế biến tiếp tục tăng, nhất là hàng lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, thủy sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như chè khô, nước hoa quả.

Tình hình thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Nghệ An năm 2022. Đồ hoạ: Hữu Quân

Năm 2022, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa cho trên 133 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đại diện Công ty cổ phần Nhựa bao bì Vinh - đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và cung ứng các sản phẩm bao bì xi măng, bao bì PP, bao Jumbo, Sling cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; năm 2022, doanh thu đạt 998 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 35 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.000 lao động. Nhận thấy thị trường nội địa ngày càng cạnh tranh và thay đổi, những năm gần đây công ty tập trung nhiều cho thị trường xuất khẩu. Hiện tại, thị trường xuất khẩu chính của công ty là Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philipines, New Zealand. Ngoài ra, trong năm qua công ty cũng mở rộng thêm thị trường ở một số quốc gia như Papua New Guinea, Nhật Bản, Mỹ, Na Uy.

Năm 2022 đã có trên 360 doanh nghiệp (bao gồm 200 doanh nghiệp nội tỉnh và 160 doanh nghiệp ngoại tỉnh) tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An. Trong đó, có 12 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 30 triệu USD, 22 doanh nghiệp đạt trên 20 triệu USD. Một số doanh nghiệp tiêu biểu có tham gia hoạt động xuất khẩu thường xuyên và đạt kim ngạch khá như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty TNHH Merry&Luxshare Việt Nam và LUXSHARE - ICT (Nghệ An), Công ty CP May Minh Anh Đô Lương, May Minh Anh - Kim Liên, Công ty TNHH Kido Vinh, Công ty TNHH Em Tech Việt Nam Vinh.

Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn và tại Hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu những khó khăn trong hoạt động và kiến nghị có giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” hiện nay.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hầu hết các chi phí phục vụ sản xuất đều tăng, nhưng giá bán hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường với các đơn vị cùng ngành trong nước và nước ngoài. Đặc biệt trong nước, các doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt gây mất cân bằng thị trường và lợi nhuận càng ngày càng thấp. Chi phí điện, nước, nhiên liệu cao kèm theo áp lực thanh toán ngay, khiến cho doanh nghiệp bột đá khó khăn trong khâu khai thác, chế biến.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may bị sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng.

Đối với mặt hàng dệt may, từ nửa cuối năm 2022, lạm phát tăng và việc thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường xuất khẩu quan trọng như Hoa Kỳ, EU khiến sức mua hàng dệt may có xu hướng giảm, nhiều doanh nghiệp dệt may bị sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng. Vấn đề sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới là khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Nghệ An trong năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp khoáng sản phản ánh bất cập trong quy định tiêu chuẩn đá xuất khẩu, vấn đề cấp mỏ... Ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản và Thương mại Trung Hải cho biết: Mặt hàng bột đá vôi trắng xuất khẩu chủ yếu sang các nước như Ấn Độ. Hiện nay, mặt hàng này đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Malaysia do giá từ các nước này rẻ hơn nhiều (Malaysia và Ấn Độ có Hiệp định thương mại riêng, thuế xuất khẩu từ Malaysia là 3% và thuế nhập khẩu vào Ấn Độ là 0%); chi phí cước biển lại đã tăng nhiều lần trong khi giá không đổi khiến lợi nhuận giảm sâu. Các doanh nghiệp trong ngành đều gặp khó khăn nên cạnh tranh lẫn nhau, không có sự liên kết, nên giá sản phẩm xuất khẩu càng bị hạ thấp xuống.

Hàng bột đá chuẩn bị xuất của Công ty cổ phần Khoáng sản và Thương mại Trung Hải. Ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ về vấn đề chính sách xuất khẩu, ông Phạm Văn Tám - Giám đốc Công ty cổ phần Tân Long cho biết: Hiện nay, Nhà nước đang cho xuất khẩu nguyên liệu thô, đá hộc nên khách các nước không mua sản phẩm chế biến của Việt Nam do giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến. Chẳng hạn, giá bán nguyên liệu thô đá hộc xuất khẩu dao động khoảng 16 - 17USD/tấn, tương đương 370.000 đồng/tấn. Nếu chế biến sâu theo chuỗi giá trị hàng hóa, với 8 triệu tấn đá hoa trắng xuất khẩu doanh thu được khoảng 63.986 tỷ đồng, trong khi chúng ta xuất bán nguyên liệu thô đá hoa trắng, đá hộc 8 triệu tấn thì giá trị doanh thu chỉ được 2.944 tỷ đồng. Điều này cho thấy giá trị gia tăng chênh lệch là rất lớn. Như vậy, tỉnh và các sở, ngành, các cấp thẩm quyền nên xem xét dừng xuất bán nguyên liệu thô đá hộc.

Ông Tám cũng nêu kiến nghị xem xét tính giá điện hiện nay: “Doanh nghiệp đang chịu áp giá cao điểm tăng 285% vào thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ 30 và thanh toán tiền điện 1 tháng 3 lần là không hợp lý. Tăng 285% so với giá sản xuất 1.007đồng/kWh làm giá thành phẩm tăng cao, không cạnh tranh được với các nước trong khu vực”.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần BVN Thanh Chương phản ánh, giá nguyên liệu đầu vào không ổn định, hệ thống luồng lạch cảng Cửa Lò chưa được khơi thông, nạo vét bảo đảm độ sâu từ 8 - 9m nên tàu vận tải hàng lớn không thể ra vào, dịch vụ logistics cũng bị “mắc cạn”.

Kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trước những khó khăn đặt ra, doanh nghiệp mong muốn ổn định chính sách, tăng “lực đẩy” từ nhiều phía. Cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics kết nối các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam về với cảng biển; sớm ban hành các chính sách hỗ trợ, thu hút, giảm chi phí kho bãi cho container về cảng. Đầu tư nâng cấp cảng Cửa Lò đáp ứng tiêu chuẩn cảng quốc tế, tăng năng lực bốc dỡ lên 10 triệu tấn, thay vì ở mức 4,1 triệu tấn như hiện nay. Về phía mình, doanh nghiệp đang hướng tới giải pháp mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và cố gắng tận dụng tốt các thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết...

Sản xuất tại Công ty TNHH may mặc Trọng phúc ở Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền

Đại diện Công ty cổ phần Bao bì Vinh đề nghị: Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước dấu hiệu suy thoái, biến động chính trị phức tạp và sức tiêu thụ hàng hoá suy giảm ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp và ngành hàng, Công ty đề nghị có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nước ngoài, kết nối giao thương với các thị trường thông qua đại sứ quán, lãnh sứ quán tại các nước; có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, mở rộng room tín dụng đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Nhà nước có chính sách giữ ổn định tỷ giá USD/VND tránh ảnh hưởng đến giá thành USD bán cho thị trường nước ngoài, giúp doanh nghiệp hạn chế được rủi ro trong chênh lệch tỷ giá và có hoạch định tốt hơn trong sản xuất kinh doanh. Tăng cường phát triển hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh. Nếu có hãng tàu quốc tế cập trực tiếp vào cảng trên địa bàn tỉnh sẽ tiết giảm chi phí logistics của doanh nghiệp, vì hiện nay đang phải kéo container ra cảng Hải Phòng...

Trao đổi với doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An chia sẻ, những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu trong cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay. Mặc dù vậy, ông Phạm Văn Hoá cho rằng, vẫn có nhiều yếu tố tích cực như các Hiệp định thương mại tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư từ các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Nghệ An tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.

Hàng đá trắng, hạt nhựa đóng container xuất qua cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng, đang là chủ trương của lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Nghệ An hiện có 299 sản phẩm OCOP, đây là nguồn hàng để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động. Nhiều hoạt động đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư,... cũng đang tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX. Để đạt mục tiêu trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 2,87 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 2,5 tỷ USD, cần căn cứ định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của cả nước đến năm 2030 và định hướng phát triển thị trường tại Đề án Phát triển xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Mới nhất
x
x
Doanh nghiệp xuất khẩu của Nghệ An: Bức tranh toàn cảnh với khó khăn 'khó gỡ'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO