Đọc “Cùng quê hương sống mãi”
(Baonghean) - Đọc cuốn sách lần đầu “Cùng quê hương sống mãi” (Hội đồng hương Quỳnh Thạch – NXB Văn hóa - Thông tin) tôi giật mình. Dù phạm vi đề tài hẹp, chỉ về những liệt sỹ ở một xã nhỏ của huyện Quỳnh Lưu, nhưng đã khiến tôi như bị lạc vào cõi tâm linh sâu thẳm với những tình tiết sống động, như là một mắt xích kết nối cuộc sống của các nhân vật trong cuốn sách với cuộc đời. Mỗi nhân vật, mỗi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau như được sống lại, có hồn.
Chiến tranh xẩy ra, người Việt Nam hầu hết đều nghèo, nhưng trong mỗi con người họ tinh thần yêu nước đều dâng cao độ, tình nguyện xung phong “quyết tử, cho Tổ quốc quyết sinh”. Hơn một trăm người của chỉ một xã nhỏ, nghèo đã nằm lại chiến trường. Điều đó nói lên tinh thần bất khuất của cả dân tộc, “sẵn sàng hy sinh tất cả” vì Tổ Quốc đã ngấm vào xương tủy của mỗi con người, nhất là đang tuổi thanh niên.
Hoàn cảnh của mỗi người khác nhau, nhưng đều chung ý nguyện được ra chiến trường, đặt Tổ Quốc là trên hết! Có người đang là con đầu trụ cột của cả một gia đình như Hồ Sỹ Lĩnh, có người duy nhất là con trai độc đinh Hồ Sỹ Đại, có người cưới vợ đúng 2 ngày đã nhập ngũ như anh Nguyễn Đình Hương, có người đang là học sinh cấp 3 nhưng tha thiết xin vào bộ đội như Nguyễn Bá Hương. Lại có cô Hoàng Thị Xân rất xinh xắn, nhiều anh yêu thầm nhớ trộm, nhưng cũng tình nguyện ra chiến trường “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, ra đi và đã nằm lại chiến trường lúc tròn 18 tuổi...
Bìa cuốn sách
128 nhân vật, hàng trăm mẩu chuyện về những con người đã vào “cõi Phật”, khiến người đọc của ngày hôm nay rưng rưng hồi tưởng, biết rõ giá trị của từng mảnh đất có được hôm nay. Những câu chuyện như đã ngấm sâu vào sự thuần mẫn, ngấm sâu vào tính cách chân chất của người làm sách, khiến người đọc được sống lại thời oanh liệt hào hùng của một dân tộc kiên cường dưới đạn bom, được tự hào là con, là cháu của một đất nước con rồng, cháu tiên.
Chiến tranh chấm dứt gần 30 năm, cuộc sống bộn bề, ý tưởng làm cuốn sách này để tri ân những con người hy sinh vì Tổ Quốc, cũng trải qua nhiều khó khăn. Bằng quyết tâm, tình cảm đồng hương, tình cảm bạn bè, sự giúp đỡ của các tổ chức hảo tâm, mãi tới ngày hôm nay cuốn sách mới có điều kiện ra mắt bạn đọc, đó là nỗ lực không mệt mỏi của những người yêu quê. Ai cầm cuốn sách trên tay, trong lòng cũng đầy cảm xúc, đọc những trang viết về 128 Liệt sĩ, Thương binh, Bà mẹ Việt Nam.
Phải công nhận rằng, người làm sách kiên trì cố gắng bỏ ra nhiều thời gian sưu tầm, nhặt nhạnh những mẩu chuyện về tính cách, hoàn cảnh, điều kiện, phong cách, lối sống... của nhân vật còn lưu lại trong trí nhớ của người thân, bạn bè, làng xóm, khiến người đọc cảm động. Và, phải công nhận rằng, mục đích của người làm sách đã một phần nào đó đã khắc họa được chân dung những con người hy sinh vì Tổ Quốc.
Cuốn sách dày dặn gần 200 trang, giấy trắng, in đẹp với nguồn kinh phí làm sách từ tấm lòng của những người yêu quê. Những người làm sách còn “khéo léo” hòa hợp giữa trí tuệ và thực hành trí tuệ, trên cơ sở những thông tin thu gom được để làm sách, góp phần giúp cho bạn đọc dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm nhận hơn, tự hào về quê hương, đất nước, thấm thía với công lao của những người đi trước. Và cũng từ đó, bản thân mỗi con người, nhất là lứa tuổi thanh niên, cần nhìn rõ hơn về trách nhiệm, nghiêm túc của mình trong cuộc sống của cả cộng đồng về việc bảo vệ Tổ Quốc.
Đàm Quỳnh Ngọc