Độc đáo "bảo tàng" đồ cổ
(Baonghean) - Mê đồ cổ đã hơn hai mươi năm, nhưng xây dựng được một không gian đậm chất Việt để trưng bày thì phải đến năm nay ông Đặng Xuân Hoàng mới thực hiện được…
Để thực hiện ấp ủ này, ông Đặng Xuân Hoàng đã về lại Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) nơi quê cha đất tổ, nơi mà bao nhiêu năm trước vì mưu sinh, vì cuộc sống phải rời xa. Cũng ít ai biết, để có một không gian vừa hết sức thuần Việt, lại vừa tinh tế ông đã phải chuẩn bị ròng rã gần 10 năm liền. Trong thời gian đó, vì kinh phí eo hẹp, có năm ông chỉ làm được cánh cửa, có năm thì chỉ mua được một vài cái cột nhà, có năm chỉ chăm chút tìm cho ra được bộ ngói vảy cũ... Có một khoảng thời gian dài, người chủ nhà bỏ hết những chuyến đi xa, những cuộc gặp gỡ để tẩn mẩn, tỉ mỉ ngồi thiết kế ngôi nhà của mình. Ngôi nhà của một người ngoại đạo về thiết kế nhưng lại thừa cảm xúc, thừa tâm huyết nên đẹp, chất phác đến không ngờ. Càng ngạc nhiên hơn khi những đường khắc chạm trổ tinh vi, những bức tranh gỗ cầu kỳ đẹp mắt, những đường cong, đường mè... lại được làm từ bàn tay lành nghề của những người thợ mộc ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) chứ không phải một người thợ Bắc Kỳ nào khác...
Toàn bộ khuôn viên chỉ gói gọn trong khoảng 1.000m2, không có sự khuếch trương, không “tòa ngang dãy dọc” nhưng vẫn tạo được ấn tượng bởi sự chu đáo trong từng chi tiết. Nhà được làm bằng gỗ theo lối cổ với 3 gian 2 chái. Trong và ngoài nhà có nhiều cột bằng gỗ lớn theo đúng kiến trúc nhà cổ Việt Nam. Mái được lợp bằng gói vẩy uốn cong, trên các mái có trang trí hình con rồng đang bay. Toàn bộ sàn nhà được lát bằng gạch nung, tạo không khí vừa ấm cúng vừa dân dã. Trong nhà có nhiều bức hoành phi cổ, khắc nhiều câu đối có ý nghĩa, mang dụng ý, mong muốn của chủ nhà. Giữa các khoảng trống của các chữ, người chủ cũng khéo léo trưng bày những bức tranh cổ theo chủ đề với lối sắp xếp “thiên-địa-nhân”, trên cùng thường là bốn bức tranh về con rồng, giữa là những bức tranh với bốn chủ đề “xuân, hạ, thu, đông”, dưới cùng là hình của các cậu bé, cô bé theo điển tích cũ. Đến trước một bức hoành phi cũ, đọc cho tôi nghe câu đối: “Trung hiếu trì gia viễn/Đức nhân sử thế trường”, chủ nhà Đặng Xuân Hoàng giải thích: Câu này có ngụ ý là “Lấy trung hiếu trì gia bền vững/Dùng đức nhân xử thế lâu dài”. Trong gia đình, nếu muốn vững, muốn bền thì phải lấy chữ trung hiếu, chữ đức làm đầu. Thời đại nào cũng yêu cầu con người phải trung, hiếu, nghĩa, trí, tín…
Là một người chơi đồ cổ lâu năm, nên quan điểm của chủ nhà ảnh hưởng quan điểm của Nho giáo, Phật giáo. Đó cũng là lý do vì sao khi về xây nhà mới ông không chọn Thành phố Vinh hay thị xã, thị trấn nhộn nhịp mà lại chọn Hưng Mỹ để “an cư”, dù hiện tại bốn người con của ông đều đang công tác tại các thành phố lớn. Hỏi ông điều này, ông cười: “Lúc xây nhà tôi chỉ quan điểm muốn xây một tổ ấm cho các thành viên trong gia đình, để những ngày cuối tuần mọi người có dịp sum họp vui đùa. Còn vì sao lại xây theo lối cổ, trước tiên là bởi tôi thích nhà theo phong cách dân dã. Về lâu dài, đây sẽ là nhà thờ tự của gia đình, của chi họ... Anh em trong gia đình đã đóng góp công sức vào đây rất nhiều”.
Tuy không nói ra nhưng một trong những lý do quan trọng khiến ông xây ngôi nhà này là để trưng bày bộ sưu tập đồ cổ mà ông đã mày mò tìm kiếm, lưu giữ nhiều năm nay. Hiện trong nhà ông có hàng trăm món đồ cổ mà ai nhìn vào cũng không khỏi thán phục bởi sự đa dạng, độc đáo và độ quý hiếm. Sự trân trọng của ông với những món đồ còn được thể hiện qua sự sắp đặt, trưng bày, thứ thì theo chủ đề, thứ thì theo các đời, thứ thì theo từng nguyên liệu. Đặng Xuân Hoàng đặc biệt thích đồ cổ của người Việt, thế nên rất nhiều món đồ ông sưu tầm được là các sản phẩm được sản xuất dưới triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, nhiều nhất là gốm sứ đồ Vạn Ninh. Bên cạnh đó là những chiếc bình hoa, những chiếc đĩa, chiếc thố được làm dưới thời Lê Trịnh. Với giới chơi cổ vật sành sỏi, đồ cổ đời Lê Trịnh luôn được xem là vật báu bởi đó đa phần đều là đồ “nội phủ”, thường được đặt riêng cho vua chúa dùng, thế nên từ hoa văn, kiểu dáng tất cả đều độc đáo và được vẽ thủ công, có những đồ thuộc dạng “độc nhất vô nhị”.
Mỗi đồ vật là một câu chuyện đi cùng rất thú vị. Một trong những món đồ đi theo gia đình ông lâu nhất và ông xem như là một phần “mệnh” gắn vào gia đình mình đó là bộ lư hương bằng đồng có chín con lân bám vào thân lư. Ba mặt của chiếc lư là ba chữ “phúc”, mỗi chữ “phúc” được bốn con dơi ngậm vào với ngụ ý “bốn chữ phúc bay vào trong nhà”. Hiện giá trị của chiếc lư hương này không hề nhỏ và cũng không dễ tìm được cái tương tự. Đã có rất nhiều khách hỏi mua nhưng chưa bao giờ ông có ý định bán, bộ lư hương được đặt trang trọng ngay trước bàn thờ gia tiên. “Chơi đồ cổ có những thứ mình phải rất khó khăn mới mua được, lại có những thứ như có duyên với mình, họ gọi là “quý vật tìm cố nhân”, chiếc lư hương này là một trong những thứ như thế. Tôi mua nó của vợ chồng nghèo ở xã Quỳnh Châu từ ngày mới sưu tầm. Từ ngày có nó mọi thứ trong gia đình tôi đều thuận lợi” - ông Hoàng chia sẻ.
Ông Đặng Xuân Hoàng và không gian trưng bày cổ vật của gia đình. |
Ông Hoàng cũng đặc biệt giới thiệu với tôi chiếc đèn được thắp bằng dầu lạc mà ông mới sưu tầm được cách đây không lâu. Về độ hiếm, chắc chắn đây không phải là hiếm vì tuổi đời của nó cũng chỉ vài chục năm. Còn nếu nói là giá trị thì hẳn cũng không phải, bởi nó chỉ là một đồ sinh hoạt bình thường, ngày trước hầu như gia đình nào cũng có. Đèn chỉ có hai bộ phận đơn giản: đĩa đèn để đựng dầu và một sợi dây bông gòn xe săng làm tim đèn nhưng ông nói đó là “tuổi thơ của ông”. Mỗi lần thắp đèn lên ông lại thấy hình bóng của mẹ lọ mọ dưới ánh đèn, lúc thì vá áo cho anh em ông, lúc lại lục cục dậy sớm nấu cơm, quét dọn; ngọn đèn cũng từng soi cho mâm cơm cả nhà trong những đêm giá rét. Đặng Xuân Hoàng cũng là một người hoài cổ và thích sự cầu kỳ, thế nên để đi kèm với một ngôi nhà “kiểu cổ”, mọi vật dụng trong nhà để trang trí ông cũng cố gắng tìm những thứ cổ, có tuổi đời nhiều năm như bộ tràng kỷ, bộ mâm đồng, chiếc sập, chiếc tủ… Chủ nhà cố gắng tạo ra một không gian của gia đình người Việt xưa với những chiếc đèn dầu, những chiếc mâm gỗ mục, những chiếc thạp để áo quần bằng gỗ đỏ... chân chất vô cùng.
Nhìn cách ông Hoàng chơi đồ cổ cũng không thể tin rằng trước đây ông là một người đã tốt nghiệp trường an ninh và có 15 năm công tác trong ngành, con cái ông có hai người tiếp tục theo nghiệp bố. Ông nhớ lại, lúc đó phải bỏ nghề tôi tiếc lắm, nhưng nuôi bốn đứa con vất vả quá, làm hơn chục năm chắt chiu mãi chẳng mua được chiếc xe đạp. Duyên phận đến với đồ cổ của ông cũng bắt đầu từ lúc này. Khi đó, do khó khăn nên nhiều người đem đồ cũ của gia đình đi bán. Bác của ông một lần từ Hà Nội về thấy tiếc nên bảo: “Mua đi, không thì sau này mất hết đó”. Nhưng với hai bàn tay trắng, ông cũng không biết bắt đầu từ đâu và mua cái gì. Thời gian đầu, những thứ “mua qua bán lại” hết sức cỏn con. Rất may thời đó đồ cổ rẻ, trao đổi vài lần ông cũng đã tích lũy được số vốn kha khá, rồi từ đó gắn vào đồ cổ như là “duyên nghiệp” của mình.
Đi nhiều, cọ xát nhiều, ngẫm lại quãng thời gian dài chơi đồ cổ cũng đã đem lại cho ông nhiều kinh nghiệm sống, triết lý sống. Ví như trước đây, khi còn khó khăn ông từng xem đây là một nghề mà nếu “mua đi bán lại” thì cũng có thể kiếm ra tiền, có thể làm giàu. Nhưng sau khi đã chứng kiến rất nhiều cổ vật vì một chút “tư lợi”, vì một chút khó khăn mà phải bán đi ông lại thấy hối tiếc. Chính vì thế, khi đến tuổi không còn phải nặng gánh quá nhiều về con cái, không còn phải lo “cơm áo gạo tiền”, ông ý thức được rằng những gì tinh túy thì phải giữ gìn, không phải cho mình, cho con cháu mà còn vì nền văn hóa của dân tộc. Cũng bởi suy nghĩ đó, nên sau này ông không chỉ sưu tầm những thứ cổ, có giá trị mà ông còn sưu tầm những thứ cũ, đã mất đi và khó có thể tìm lại được.
Thế nên mới hiểu tại sao trong không gian trưng bày của gia đình ông, ngoài những thứ tiền triệu, tiền trăm triệu được giữ gìn cẩn thận trong tủ kính còn có những thứ hết sức dân dã, bình dị cũng được lưu giữ ở nơi đặc biệt trang trọng. Đó là chiếc cối đạp giã gạo bằng đá ông mua được trong một chuyến lên Con Cuông, chiếc cối xay lúa bằng tre ông tìm thấy ở một gia đình tại xã Quỳnh Thanh hay là một chiếc xe đạp pheralit cũ còn nguyên biển số ông mua lại được ở một gia đình trước đây vốn giàu nhất xã Hưng Mỹ. Ông còn có bộ sưu tập hàng chục chiếc đèn măng sông cũ nay được ông cách điệu treo dọc các hiên nhà, bộ sưu tập sách cổ, bộ sưu tập tiền đồng, tiền giấy… Ông cũng không ngại đi hàng trăm cây số, đến tất cả các tỉnh thành miễn là nghe nơi ấy đang còn một món đồ giá trị và bỏ một số tiền lớn ra mua bởi ông quan niệm “ngọc nát hơn ngói lành”. Những thứ ông đang lưu giữ trong căn nhà hiện nay sẽ không bao giờ bán đi, bởi theo ông mục đích chính là để bảo tồn văn hóa của dân tộc. Ngôi nhà cổ ông dựng lên, với tham vọng là nơi trưng bày, là nơi để những người mê đồ cổ tìm đến giao lưu, chia sẻ...
Mỹ Hà