Độc đáo nghề đào 'thần dược' dưới sông ngập mặn ở Nghệ An

Việt Hùng 23/01/2021 11:51

(Baonghean.vn) - Thời điểm này, người dân xã An Hòa (Quỳnh Lưu) đang lùng sục khắp các con sông rừng ngập mặn để săn sâm đất. Chỉ với chiếc cuốc, xẻng làm dụng cụ, người dân có thể kiếm về cả nửa triệu đồng/ngày.

Clip săn sâm đất: Việt Hùng

Là huyện ven biển, Quỳnh Lưu có những khu rừng ngập mặn được bao quanh bởi các con sông. Khi thủy triều xuống, cây bần, cây đước dưới các con sông lộ nguyên bộ rễ, cạn đáy. Đây là thời điểm thích hợp để người dân xã An Hòa đi đào sâm đất (được ví như thần dược hiếm có ở Việt Nam).

Có mặt tại con sông ngập mặn xã Quỳnh Thọ, chị Nguyễn Thị Hoa (xã An Hòa) đang dốc sức để đào bới những con sâm đất ẩn sâu dưới lớp bùn. Trên tay chị cầm một chiếc cuốc, cứ vài ba nhát đào xuống lớp bùn, chị cầm lên từng con sâm đất rồi cho vào can nhựa.

Nghe An: Doc dao nghe dao 'than duoc' duoi song ngap man-hinh-anh-1
Người dân xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu săn bắt sâm đất dưới sông rừng ngập mặn. Ảnh: Việt Hùng

Chị Hoa cho biết: “Ngày cuốc được nhiều cũng khoảng 2-3 kg sâm đất. Có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu. Sâm đất từ lâu được xem là thần dược nên giá bán khá cao, mỗi ngày đi đào sâm đất có thể kiếm từ 400.000 - 500.000 đồng”.

Để đào được sâm đất, chị Hồ Thị Tú chia sẻ: “Con sâm đất sống ẩn dưới lớp bùn giống con lươn, khi nước ở sông cạn sẽ lộ ra các lỗ trú ẩn của sâm đất. Những người có kinh nghiệm mới phát hiện đâu là nơi trú ẩn của sâm đất, không phải ai cũng làm được nghề này. Với chúng tôi chuyên đi đào sâm đất có kinh nghiệm là khi nhìn mặt bùn có ụ lên vài lỗ nhỏ, nếu nhìn kỹ sẽ thấy vòi nhỏ thò ra, sau đó sẽ dùng cuốc đào bắt lên”.

Nghe An: Doc dao nghe dao 'than duoc' duoi song ngap man-hinh-anh-2
Sâm đất sống dưới lớp bùn, người dân dùng cuốc đào bắt, mỗi ngày họ cuốc được khoảng 2 - 3 kg sâm đất. Ảnh: Việt Hùng

Sau hơn 4 giờ đồng hồ đi đào sâm đất, nhóm chị Hoa, chị Tú mỗi người săn được hơn 2 kg sâm đất. Quan sát kỹ, con sâm đất cỡ ngón tay út, thân hình trụ thon dạng ống, dính bùn nên có màu nâu hồng nhạt. Hiện tại, sâm đất được bán với giá 200.000 đồng/kg.

Theo người dân chuyên đi đào sâm đất, thời điểm tìm bắt sâm đất từ tháng 10 - kéo dài đến tháng 2 âm lịch của năm sau, tuy nhiên sâm đất phát triển nhất vẫn là tháng 12 âm lịch. Do vậy thời điểm này, hàng chục người dân xã An Hòa không chỉ đi tìm bắt sâm đất trong huyện mà sang cả huyện Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai và một số tỉnh ven biển khác.

Nghe An: Doc dao nghe dao 'than duoc' duoi song ngap man-hinh-anh-3
Sâm đất được nhiều người xem là "thần dược". Ảnh: Việt Hùng

Sau khi đào về, sâm đất được chế biến ngay vì để lâu con sâm đất sẽ chết, giảm chất lượng. Sâm đất sau khi rửa sạch được cho vào nước vôi. Sau vài giờ, vỏ ngoài con sâm đất sẽ phồng to, lúc này chỉ việc bóc vỏ là có những miếng sâm đất màu nâu bạc. Dùng chiếc đũa luồn vào đầu kín của sâm đất cho thông suốt qua vòi miệng để lộn trái, bỏ nội tạng đất cát rồi rửa sạch. Kỳ công hơn thì tiếp tục ngâm sâm đất đã làm sạch vào nước vôi để tróc lớp vỏ bạc ra. Sau khi sơ chế, “thành phẩm” được bán tươi cho các nhà hàng.

Theo tài liệu dược học cổ truyền, sâm đất vị mặn, tính lạnh, có công dụng bổ dưỡng phần âm và giải nhiệt, làm mát phổi, cải thiện công năng tỳ vị, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nóng bốc ở tầng sâu bên trong hay sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm, ho khạc đờm nhiều do phế hư; tiểu đêm nhiều.

Theo dân gian, sâm đất có công dụng bổ thận, ích tinh, chữa yếu sinh lý, liệt dương. Sâm đất tươi được chế biến thành các món rán, xào, nướng hoặc nấu cháo cho người ốm bồi bổ sức khỏe. Hiện nay, tại các nhà hàng sâm đất là một đặc sản đắt tiền./.

Mới nhất

x
Độc đáo nghề đào 'thần dược' dưới sông ngập mặn ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO