Nhọc nhằn…tìm sâm đất

31/03/2014 20:19

(Baonghean) - Sâm đất là tên gọi người dân ven biển Quỳnh Lưu vẫn thường dùng chỉ loài hải sâm sống dưới lớp cát bùn ở các cửa sông, nơi con nước mặn - ngọt giao nhau. Đây là nguồn thực phẩm tự nhiên, giàu dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để sống được với nghề đào bắt sâm đất, họ phải là những tay “thợ” thiện nghệ...

Tôi tình cờ gặp nhóm phụ nữ đang bán sâm đất tại một chợ xép, trên địa bàn thôn Tân Thắng (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu) vào một buổi chiều cuối tháng Ba. Các chị ai cũng ướt sũng, tay lấm lem bùn đất. Nhìn họ có thể đoán biết sâm đất vừa mới được bắt từ bãi mang lên. Những con sâm nâu đỏ, ánh bạc, ngọ nguậy trong cái thùng thu hút tôi...

Những phụ nữ ở Tân Thắng (An Hòa – Quỳnh Lưu) cần mẫn săn tìm sâm đất.
Những phụ nữ ở Tân Thắng (An Hòa – Quỳnh Lưu) cần mẫn săn tìm sâm đất.

Chị Mai Thị Xuân, 31 tuổi (ngụ tại thôn Tân Thắng – An Hòa) tâm sự: “Rất ít khi tui phải mang sâm ra chợ ngồi bán vì loại ni dừ hiếm, ít người đi cuốc. Thường thì cuốc được bao nhiêu, người ta thu mua bấy nhiêu. Mà ai muốn mua, phải vào tận nhà đặt trước may ra mới có”. Chị Xuân vừa nói dứt lời, một người phụ nữ dừng xe lại bên đường, mua hết nhẵn lượng hàng của chị. Hơn 1kg hải sâm, người phụ nữ này rút ví trả chị 200 ngàn đồng. Cuộc bán mua diễn ra chóng vánh, khách không một lời chê ỏng eo, cũng không một lời mặc cả bớt thêm.

Sau một hồi năn nỉ, tôi cũng được các chị đồng ý cho đi theo bắt sâm đất vào ngay ngày sau đó. 12 giờ kém, chúng tôi xuất phát. Dụng cụ mỗi người mang theo chỉ là một cuốc cán ngắn chừng 50 phân, cùng một vỏ thùng sơn loại 4kg để đựng. Đạp xe khoảng gần 40 phút, đã có mặt tại chân cầu Trường Thọ (nối giữa thôn Thọ Tiến và Thọ Nhân, xã Quỳnh Thọ). Lúc này, con triều đã ròng, từng cồn đất lộ ra. Đặt thùng xuống, quan sát, chọn địa điểm xong, mọi người bắt tay vào đào ngay. Sau chừng 5 nhát, chị Xuân đã lôi lên một con sâm đất hình trụ thon dài. Cho vào thùng một lúc, nó co lại còn một nửa, mình to gần bằng ngón tay cái, màu nâu đỏ lấp lánh. Với hơn 15 năm kinh nghiệm đào bắt sâm đất, không khó để chị Xuân nhận ra dấu hiệu của các hang sâm. Đó là những lỗ nhỏ, có ụ bùn cát đùn lên xung quanh, chị quen gọi là “mà”. “Chỗ mô lắm lỗ, lắm mà thì sâm đất ở dày nhưng con nhỏ, muốn bắt được con to phải chọn chỗ thưa lỗ mà cuốc!”.

Bên này, chị Hồ Thị Lại (SN 1981) cũng đang lấy đà, lưng cúi gập, giáng cuốc đào dồn dập. Bởi theo chị, khi đã xuống nhát cuốc đầu tiên thì những nhát sau phải đào thật nhanh, vì chỉ cần nghe một tiếng động nhỏ, con vật này sẽ chui sâu xuống dưới. Kinh nghiệm đoán biết đường đi của sâm còn tùy thuộc ở mỗi người, nhưng kỵ nhất là cuốc vào chính diện hang sâm vì lưỡi đào sẽ cắt đứt mình nó. Và để bắt được một con sâm đất phải hết sức khéo léo, khi đã nắm được đuôi sâm phải dùng đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ bấm chặt, rồi từ từ lôi ra.

Mỗi nhát cuốc xuyên xuống đất, lấy đi của người đào khá nhiều sức lực. Nhưng tỷ lệ thành công của họ chỉ là 1/20, nghĩa là phải cuốc 20 nhát, may ra họ mới bỏ vào thùng được 1 con sâm đất. Chị Hồ Thị Hoa (SN 1984) dừng cuốc, quệt ngang mồ hôi trên trán, nói: “Sâm đất dừ hiếm rồi!”.

Trên bãi bồi ven sông Quỳnh Thọ chiều hôm ấy, ngoài tôi và các chị ở Tân Thắng (An Hòa), còn có nhiều người nữa cũng vác cuốc đi đào sâm. Có người loay hoay mãi mới chọn được một chỗ, ra sức đào. Nhưng khi đào xuống thì đụng hang ngập nước. Có người vừa thấy đuôi sâm, chưa kịp chụp thì nó lủi mất. Cũng có người chụp được rồi, tưởng đã chắc ăn, nào ngờ gặp phải một “tướng lì”, thế là cứ phải giằng co với nó, cuối cùng đành phải thả ra vì thể nào con vật cũng bị đứt. Thế mới biết, làm nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe, sự kiên trì, nhất là kinh nghiệm!

Hiện nay, tại Quỳnh Lưu, hải sâm vừa đào lên được bán với giá 150.000 đồng/kg. Vì loại đặc sản này hiếm, rất nhiều người tìm mua để thưởng thức và làm quà. Chị Hồ Thị Hoa cho biết, nếu chịu khó vô đến Diễn Châu, mỗi ngày chị có thể kiếm được 500 ngàn đồng từ đào sâm đất. Đây là khoản tiền khá lớn đối với những diêm dân một nắng hai sương.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra nguồn hải sâm tự nhiên ở đây đang cạn. Chị Hồ Thị Quang - một người trong nhóm nhớ lại, cách đây chừng 5 - 7 năm, những người đi đào sâm đất như chị, mỗi buổi nước ròng có thể kiếm được từ 3 đến 5 kg. Khi ấy, giá sâm đất còn rẻ, ít người biết đến, sâm đất đào về chỉ để nấu đông ăn dần. Bây giờ “của khó, người khôn”, cả xã An Hòa kiếm sống bằng nghề này chỉ còn lại khoảng 10 người...

Hải sâm là một loại thân mềm, hình thù khá giống con giun đất nhưng lớn hơn giun đất gấp nhiều lần (tên khoa học gọi là Sipunculus nudus). Loài này sống ở những doi cát ven biển hoặc dưới tán rừng ngập mặn, hải sâm sống cách mặt đất khoảng từ 10 - 30 cm. Đây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời cũng là vị thuốc chữa nhiều bệnh.

Nguyễn Thị Hòe

Mới nhất
x
Nhọc nhằn…tìm sâm đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO