Độc đáo tục "Chạy Ói"

(Baonghean) - Không phải ai cũng biết rằng, tục "Chạy Ói"trong Lễ hội Đền Cờn lại gắn liền với Lễ hội Đền Quy Lĩnh, và cho đến nay, nó vẫn chưa được khôi phục lại nguyên vẹn đúng với tinh thần của nó...


Xền Quy Lĩnh (xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu) và đền Cờn gắn kết với nhau từ lịch sử đến huyền thoại.


Hai ngôi đền gắn liền với sự kiện vua Trần Anh Tông và Lê Thánh Tông trong lần chinh Nam đã ghé vào cầu đảo, nhờ được thần linh trong đền phù hộ mà giành thắng lợi lớn trở về.

Độc đáo tục "Chạy Ói" ảnh 1

Đền Quy Lĩnh dựng trước Hòn Ói, nơi gặp nhau của 2 đám rước trong tục "Chạy Ói" xưa.


Sau này, cũng theo truyền thuyết, dân làng Phương Cần vì muốn đền Cờn càng linh thiêng hơn nữa, nên chạy vào hòn Ói để cướp bát hương thờ nhà sư ở đền Quy Lĩnh về thờ chung với mẹ con hoàng hậu để "ông về với bà", và cũng là để cảm tạ ơn cứu mạng ngày xưa của nhà sư. Thế nhưng, nhân dân Phú Lương không cho và kiên quyết giữ ông ở lại. Chính vì ông bà ở hai nơi như thế nên hàng năm mới có tục chạy "Ói", tức là từ đền Cờn chạy vào hòn Ói, nơi có đền Quy Lĩnh để rước ông về.


Theo ông Trương Đắc Thành (Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An), người đã có nhiều nghiên cứu về hai ngôi đền thì tục "Chạy Ói" (lễ hội chính thức của đền Cờn) ngày xưa được tổ chức từ ngày 15 - 21 tháng Giêng. Đoàn rước cả bằng đường bộ lẫn đường thủy đến trước đền Quy Lĩnh thì 2 bên "giả vờ" xô xát, tranh giành nhau, một bên cố giữ lại bát hương (lễ khất lưu), còn một bên thì làm lễ xin rước đi. Sau đó, nhân dân Phú Lương sẽ nhường để dân Phương Cần đưa ông về với bà. Ông sẽ ở lại ngoài đền Cờn ít ngày, sau đó ông sẽ... tự quay lại, về đền Quy Lĩnh. Và năm sau lại tiếp tục như thế, người dân làng Phương Cần lại dùng thuyền, kiệu, chạy đền rú Ói để đi rước ông về.


Trong những ngày từ 15 - 19 tháng Giêng là những ngày chuẩn bị. Đêm ngày 20, dân đinh và trai tráng các xóm nhộn nhịp chuẩn bị ở khu đền chính, dân chúng náo nức đứng chật đường làng để xem đám rước kiệu. Khoảng 3 giờ sáng ngày 21, hàng trăm dân đinh của 4 giáp nhất loạt khiêng vác 4 ngai và tàn vàng chạy xuống đền Ói, vừa chạy hát, vừa hò một vài câu ca cổ, sau mỗi câu lại hô vang "Dô phe, trời!" rồi thúc nhau chạy tiếp đến nơi tập kết. Đến mờ sáng thì lại rước ngai và tàn về.


Mờ sáng ngày 21, từ đền trong, các giáp tổ chức đám rước 4 kiệu thần xuống đón ngai và tàn, đi theo hàng lối đã bốc thăm từ trước. Đi đầu đám rước là cờ quạt, nghi trượng, kiệu, hương án rồi đến 4 trống, 4 chiêng và phường bát âm. Tiếp theo là lần lượt các kiệu: kiệu Thánh Mẫu đi đầu, tiếp theo là kiệu vua Đế Bính rồi mới đến kiệu của hai con gái của Mẫu. Đi sau là các vị chức sắc, các vị bô lão, dân làng và du khách... Đến chiều, các giáp tổ chức rước kiệu về làng theo thứ tự như lúc đi xuống. Lúc này đám rước có phần lộng lẫy hơn bởi có đầy đủ 4 kiệu, 4 ngai, 8 tàn vàng, 16 quạt, 16 tàn nỉ, các đồ khí tự,... Đám rước về đền chính, tổ chức tế lễ, rước ngai yên vị như cũ, kết thúc lễ hội.


Có thể nói, trong tục "Chạy Ói" trong Lễ hội Đền Cờn xưa gắn bó mật thiết với Lễ hội Đền Quy Lĩnh, mọi hoạt động đều mang tính linh thiêng, được tổ chức hết sức chặt chẽ, thu hút rất đông người tham gia, tạo được sức cố kết cộng đồng cao với các làng xã khác.


Theo nguyện vọng của người dân, được sự cho phép của cơ quan chức năng, Đảng bộ và chính quyền xã Quỳnh Lương cùng công đức của nhân dân trong và ngoài xã đã tiến hành phục hồi đền Quy Lĩnh. Năm 2010, đền đã được khánh thành, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Lương cũng tiến hành khôi phục lại Lễ hội Đền Quy Lĩnh trước kia với thời gian trùng khớp với Lễ hội Đền Cờn. Tuy nhiên, vẫn chưa khôi phục lại tục "Chạy Ói".


Đám rước với tục "Chạy Ói" thể hiện nhiều nét văn hóa tín ngưỡng khác của người dân vùng biển nên hàng năm vẫn được tổ chức với quy mô hoành tráng. Đám rước vẫn chạy về phía rú Ói nhưng chỉ dừng lại ở phía giao giữa Quỳnh Liên và Quỳnh Bảng, sau đó làm lễ cầu ngư, rồi rước về đền ngoài làm lễ hợp tế. Tiếp đó sẽ quay về đền trong và thực hiện những phần lễ còn lại. Còn việc dựng lại tục "Chạy Ói" bao gồm sự gắn kết giữa đền Cờn với đền Quy Lĩnh trước kia vẫn đang là mong muốn của nhân dân dọc vùng Bãi Ngang từ Quỳnh Phương đến Quỳnh Lương.

Hồ Lài

tin mới

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.