Độc quyền nên vô cảm

12/05/2014 15:08

(Baonghean) - Xăng, dầu là một mặt hàng chiến lược có tầm ảnh hưởng tức thì và sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế cũng như cuộc sống của mỗi một gia đình, một con người.

Chỉ một động thái, tăng hay giảm giá là tác động ngay lập tức đến giá cả, túi tiền và thu nhập của người dân theo chiều hướng tiêu cực hoặc tích cực. Vì thế, Nhà nước vẫn phải nắm quyền kiểm soát thị trường xăng dầu như là một công cụ bảo đảm cho sự bình ổn của nền kinh tế và thông qua đó để ổn định xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường xăng dầu trong nước vẫn bị nhiều người coi là một “ma trận” bởi sự thiếu rõ ràng, minh bạch trong việc xác định giá. Và trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước trong việc góp phần ổn định kinh tế - xã hội của ngành xăng dầu thời gian qua là chưa rõ nét nếu như không muốn nói là không có gì đáng kể. Cho nên, giữa cơ quan chủ quản về lĩnh vực này và ngành xăng dầu với người dân luôn có quan điểm trái ngược nhau về cách điều hành và ấn định giá xăng, dầu.

Còn nhớ, tại buổi họp báo thường kỳ hồi tháng 4, ông Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương đã tỏ ý không đồng tình với ý kiến cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự ý tăng, giảm giá xăng dầu tùy thích. Vị này còn khẳng định: Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất cho nên cần có định chế riêng để kiểm soát kể cả khi trả lại quyền định giá cho doanh nghiệp nhưng mức độ, biên độ, thời gian điều chỉnh giá cần sự giám sát của xã hội đảm bảo công khai minh bạch.

Rồi ông lý giải việc điều chỉnh giá xăng dầu từ đầu năm đến nay được thực hiện theo nguyên tắc bù giá, giảm sốc với giá cả thị trường trong dịp tết bằng các biện pháp đệm dùng quỹ bình ổn giá. Thế nhưng, người nghe và nhất là người dân cũng chẳng mấy ai đồng tình với ý kiến đó vì trên thực tế, hầu như ai cũng thấy ngành xăng dầu luôn “tăng sốc” cho người tiêu dùng mà chẳng mấy khi “giảm sốc”. Và nếu giảm thì cũng hết sức nhẹ nhàng so với lúc tăng.

Trước hết, phải nói ngành xăng dầu tỏ ra hết sức có kinh nghiệm trong việc thực hiện lộ trình tăng giá. Cụ thể là năm 2013, Tập đoàn Xăng dầu luôn kêu khó khăn trong các chính sách, tỷ giá. Và sau mỗi lần kêu là một lần tăng giá và khi tăng thì nói là “điều chỉnh giá”, có khi là hơn nghìn đồng mỗi lít. Nhưng khi giảm thì công bố rất hùng hồn là “giảm giá” rất rõ ràng. Số lần tăng ít hơn lần giảm, nhưng cộng lại thì giá xăng dầu vẫn tăng đều. Kết cục, cả năm 2013, ngành xăng dầu đã có 11 lần điều chỉnh giá xăng, với năm lần điều chỉnh tăng vào các ngày 28/3, 14/6, 28/6, 17/7, 18/12, với mức tăng lần lượt là: 1.400 đồng/lít; 420 đồng/lít; 360 đồng/lít; 460 đồng/lít… Điều đáng nói là sau 5 lần tăng giá đó, cộng lại giá đã tăng lên 3.220 đồng/lít, trong khi cả 6 lần giảm giá gộp lại thì chỉ tương đương có 2.160 đồng/lít.

Đến đầu năm 2014, Petrolimex tiếp tục “diễn lại trò cũ” và trong 4 tháng đầu năm đã 3 lần điều chỉnh tăng giá, tổng mức tăng cũng lên đến 680 đồng/lít. Có người đã cẩn thận theo dõi và thống kê được rằng cứ bình quân 10 ngày diễn biến giá xăng lại được Tập đoàn "âm thầm” báo cáo với Bộ Tài chính để rồi xin điều chỉnh. Trong khi năm 2013, cả nước có gần 61.000 doanh nghiệp phải phá sản, giải thể; ngay cả ngành ngân hàng “nắm hầu bao thiên hạ” mà cũng “lên bờ, xuống ruộng”, không ít nhà băng cùng đường nên phải tính bài sáp nhập; thì Petrolimex lãi. Mà lại lãi rất to với 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế chỉ riêng ở mảng xăng dầu. Và không khó để nhìn nhận ra ngay cách làm duy nhất để Petrolimex đạt được mức lãi “khủng” đó là liên tục tăng giá.

Bất chấp nền kinh tế nước nhà khó khăn đến thế nào, bất chấp túi tiền eo hẹp, bữa cơm đạm bạc của bao người teo tóp dần lại sau mỗi lần tăng giá như vậy. Ngành xăng dầu chưa hề có ý định chia sẻ khó khăn với đồng bào mình khi cùng thời điểm công bố mức lợi nhuận khủng lại tiếp tục "âm thầm" đệ đơn xin tăng giá. Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết là ngày 5/5 vừa qua, bộ đã nhận được văn bản “kêu than” kinh doanh xăng dầu đang thua lỗ của Petrolimex và Công ty TNHH MTV thương mại dầu khí Đồng Tháp. Rất may là đề xuất này đã không được chấp thuận. Không xin được tăng giá, các DN xăng dầu lại xoay sang đòi tăng định mức chi phí kinh doanh, bổ sung chi phí hao hụt nhập khẩu, trượt giá, chênh lệch tỷ giá, lãi suất ngân hàng phải trả cho khoản nộp thuế nhập khẩu ngay khi hàng về cảng... Tất cả là nhằm “vét sạch sành sanh cho đầy túi tham”.

Vậy là, trong khi nền kinh tế đất nước đang lao đao vì khủng hoảng; sức mua suy kiệt; mức sống của hàng triệu gia đình đã giảm tới mức cùng kiệt, ngành xăng dầu vẫn tìm mọi cách để tăng giá, kiếm lợi từ túi tiền còm của đồng bào mình. Thật là lạnh lùng. Lạnh lùng đến mức tàn nhẫn. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao họ dám làm và đã làm được những việc đó. Đơn giản, xăng dầu là ngành độc quyền, một mình một chợ nên ai cũng phải phụ thuộc và họ thì không cần biết đến ai và muốn làm gì cũng được. Lâu dần thành quen, thành ra tàn nhẫn, vô cảm.

Duy Hương

Mới nhất
x
Độc quyền nên vô cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO