Đôi bờ Bến Hải - Nỗi đau chia cắt và quá khứ hào hùng

30/04/2013 19:10

Nhắc đến Quảng Trị là nói đến một vùng đất tâm linh, một thiên anh hùng ca về những chiến công chống Đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta được viết nên tại vùng đất anh hùng đầy cát trắng và gió Lào. Những ngày tháng tư lịch sử, từ thành phố Đông Hà, chúng tôi có cuộc hành trình ra cầu Hiền Lương bắc trên sông Bến Hải để được mục sở thị về một trong những di tích đã chất chứa những nổi đau chia cắt của hai miền trong hơn 20 năm chiến tranh máu lửa.

(Baonghean.vn) - Nhắc đến Quảng Trị là nói đến một vùng đất tâm linh, một thiên anh hùng ca về những chiến công chống Đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta được viết nên tại vùng đất anh hùng đầy cát trắng và gió Lào. Những ngày tháng tư lịch sử, từ thành phố Đông Hà, chúng tôi có cuộc hành trình ra cầu Hiền Lương bắc trên sông Bến Hải để được mục sở thị về một trong những di tích đã chất chứa những nổi đau chia cắt của hai miền trong hơn 20 năm chiến tranh máu lửa.

Quốc lộ 1A đẹp như một dải lụa đưa chúng tôi đến cầu Hiền Lương, dọc hai bên đường không còn những hố bom loang lỗ mà quân thù đã trút xuống; thay vào đó là những nhà cửa san sát, các công trình và những cánh đồng xanh mướt. Xa xa, cầu Hiền Lương đang dần ẩn hiện trước mắt chúng tôi. Vậy là sắp sang bờ Bắc rồi. Trong lòng ai cũng rạo rực khi lời bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” từ nhà ai đó bên bờ Nam vang lên: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về…”. Đã 38 năm đất nước thống nhất, bây giờ nghe những câu hát ấy, giai điệu như vẫn lắng sâu vào máu thịt.



Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải ngày nay.

Đi trên cây cầu lịch sử chỉ dài có hơn một trăm mét nhưng ai cũng đau đáu một tâm trạng xót xa, bởi chỉ một khoảng cách ngắn thế thôi mà nhân dân hai miền đã phải chịu cảnh xa cách trong gần 20 năm dài đằng đẵng. Cầu Hiền Lương như minh chứng cho tội ác của quân thù. Từ sau ngày kí kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm chia thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Tại khu vực này suốt thời gian chia cắt, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là tâm điểm diễn ra cuộc đấu tranh căng thẳng, quyết liệt giữa ta và địch. Biết bao chuyện cảm động và thương tâm diễn ra hai bên bờ giới tuyến. Chỉ cách nhau gang tấc mà hàng chục năm trời con không được gặp cha, vợ không được gặp chồng, bà con hai bên bờ sông xa nhau. Hằng năm, vào những ngày lễ, Tết… nhân dân hai bờ lại đổ ra các bến sông để tìm kiếm người thân. Vì số lượng người quá đông, khó lòng nhận ra nhau, nên đành đứng bên này sông nhìn trang phục, hình dạng mà ngầm đoán “đó là người nhà mình”.

Đến đây, chúng tôi được nghe nhiều về những cuộc đấu trí căng thẳng giữa ta và địch. Khi cầu bị chia đôi, chính giữa cầu được vạch một đường ngang sơn trắng, 450 tấm ván bên này thuộc về miền Bắc, nửa kia 444 tấm ván thuộc Chính quyền Sài Gòn quản lí. Không chỉ tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, địch còn dùng màu sắc để chia cắt chiếc cầu. Thoạt đầu, chúng sơn màu xanh một nửa cầu phía Nam, ta liền sơn màu xanh một nửa cầu còn lại. Chúng lại chuyển sang sơn màu nâu, ta cũng sơn lại màu nâu. Cứ như thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc, hễ địch sơn màu gì, phía bên này ta sơn ngay màu đó. Rút cuộc, kẻ địch phải chịu thua để chiếc cầu chỉ còn một màu xanh thống nhất.



Cột cờ giới tuyến – nơi ghi dấu trang sử vẻ vang của dân tộc.

Bên cạnh cầu Hiền Lương lịch sử là một biểu tượng của cả dân tộc – cột cờ giới tuyến bên bờ Bắc. Lịch sử của cột cờ giới tuyến cũng trải qua biết bao thăng trầm và gắn với tinh thấn đấu tranh không khoan nhượng của dân tộc ta với kẻ thù xâm lược. Cột cờ là biểu tượng của ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Năm 1954-1956, các chiến sĩ công an của ta làm cột cờ bằng cây phi lao cao 12m, lá cờ rộng 3,2m x 4,8m. Tại bờ Nam, địch cắm cờ tam tài lên nóc lô cốt cao 15m đầy thách thức. Theo yêu cầu của đồng bào giới tuyến, cờ của ta phải cao hơn cờ địch để đồng bào nhìn được rõ, các chiến sĩ lại lặn lội lên rừng tìm được cây gỗ cao 18m về treo lá cờ đỏ sao vàng rộng 24m. Ngay sau đó, Ngô Đình Diệm cho dựng trụ cờ bằng xi-măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam. Trên đỉnh, chúng cho treo lá cờ ba sọc lớn, có hệ thống đèn nê-ông nhấp nháy đủ màu. Sau khi dựng cờ, loa chiến tranh tâm lí của Ngụy vọng sang bờ Bắc khiêu khích: “Tổng thống Việt Nam cộng hòa cho dựng cột cờ cao 30m ở Vĩ tuyến 17 để dân chúng Bắc Việt thấy rõ chánh nghĩa Quốc gia”.

Không thể để cờ Ngụy cao hơn lá cờ đỏ sao vàng, tháng 7-1957, chúng ta đã lắp một cột cờ bằng thép ống cao 34,5m, trên đỉnh gắn ngôi sao năm cánh bằng đồng cùng nhiều bóng điện, phần phật lá cờ có diện tích 108m2 được kéo lên cao vút nhuộm đỏ cả một vùng trời, cũng là lúc đồng bào bờ Bắc ngưng lại mọi công việc đồng áng để vỗ tay reo mừng, còn đồng bào bờ Nam sung sướng, tự hào đến rơi lệ. Hoàn toàn bị bất ngờ, chính quyền Sài Gòn vội vàng tôn cột cờ của chúng lên thêm 5 m nữa và lớn tiếng thách thức: “Bắc Việt muốn chọi cờ, nhưng chọi sao nổi với quốc gia”.

Đáp lại mong mỏi của đồng bào, ta nâng cột cờ cao thành 38,6m, trên đỉnh treo lá cờ đại có diện tích 134m2, nặng 15 kg. Mặc dù huy động hàng trăm lần máy bay, sử dụng hàng vạn đạn pháo cỡ lớn nhưng địch vẫn không thế xóa là cờ đỏ sao vàng thiêng liêng ở Bắc cầu Hiền Lương. Ngày 2-8-1967, địch dùng nhiều tốp máy bay đánh gãy cột cờ và đánh sập cầu Hiền Lương. Nhưng ngay đêm đó các chiến sĩ của ta dũng cảm ôm bộc phá sang đánh gãy cột cờ bờ Nam, chấm dứt vĩnh viễn lá cờ ba sọc trên bầu trời giới tuyến, đồng thời bằng một cột điện chắp thêm cây gỗ, lá cờ của ta lại tung bay trong nắng sớm làm nức lòng đồng bào… Lá cờ giới tuyến là biểu tượng của miền Bắc luôn bên cạnh đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh, dù khó khăn gian khổ, dù phải chịu nhiều mất mát đau thương nhưng vững lòng tin sẽ có ngày đất nước thống nhất như Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Từ ngày 19-5-1956 đến ngày 28-10-1967, các chiến sĩ giới tuyến treo tổng cộng 267 lá cờ cỡ lớn, 11 lần dựng cờ bằng cột gỗ cao 12-18m, 42 lần thay lá cờ vì bị bom phá hỏng. Để lá cờ Tổ quốc được tung bay nơi giới tuyến, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, nhiều tấm gương quên mình bảo vệ lá cờ của Tổ quốc. Mỗi khi cờ bị bom xuyên thủng lại có lá cờ khác lập tức được dựng lên để hồn của Tổ quốc luôn tung bay trên bầu trời đất Việt. Năm 2001, tại vị trí cũ, một cột cờ mới cao 38,6m được dựng lên mô phỏng theo mẫu thiết kế năm 1962. Bên dưới cột cờ được xây dựng kì đài hoành tráng với nhiều bức phù điêu thể hiện khát vọng thống nhất, nỗi mừng vui khi Bắc - Nam sum họp một nhà.

Đứng lặng giữa đôi bờ, ngắm nhìn sông Bến Hải, một con sông hiền hòa, thơ mộng đã có một thời gian dài phải oằn mình làm mốc phân chia đất nước Việt Nam. Nỗi đau chia cắt như một định mệnh khắc nghiệt. Ít có nơi nào mà cuộc chiến tranh diễn ra gay gắt, quyết liệt, dưới nhiều hình thức như ở đây. Năm 1996, một cây cầu bê tông mới được xây dựng để đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông trong thời kỳ mới và thay thế cho cầu cũ đã xuống cấp, chiếc cầu Hiền Lương lịch sử vẫn được lưu giữ ở bên.

Hàng ngày, dòng người, dòng xe tấp nập qua cầu. Hình như ai cũng ngoái nhìn cây cầu lịch sử, rồi ngước nhìn lên Quốc kỳ đang phần phật tung bay trên cột cờ giới tuyến để nhớ, để rồi không thể nào quên một thời đau thương mà anh dũng. Bến Hải – Hiền Lương trong quá khứ đau thương, khốc liệt, khói lửa và đổ nát thì hôm nay nó được con người khắp nơi biết đến như một chứng tích lịch sử hào hùng, một mảnh đất tâm linh.

Với chúng tôi – những thế hệ người Việt Nam sau này, dù chỉ một lần được đến nơi này vẫn tin rằng thời gian có thể làm mờ đi tất cả nhưng không thể xóa nhòa đi hình ảnh “Một thời hoa lửa của chiến trường xưa”. Bởi đó là thiên anh hùng ca bất tử đã được quân và dân ta viết nên tại mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Bến Hải – Hiền Lương ôm trong mình tinh thần yêu nước, lòng tự hào và ý chí kiên cường của dân tộc.


Lê Khắc Niên - số 2 – Yết Kiêu – phường 5 – Đà Lạt – Lâm Đồng

Mới nhất

x
Đôi bờ Bến Hải - Nỗi đau chia cắt và quá khứ hào hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO