Dồi dào nông sản, thức ăn chăn nuôi vẫn nhập ngoại?

22/04/2013 21:51

(Baonghean) - Nghệ An mỗi năm sản xuất hàng chục ngàn héc ta lạc, hàng trăm ngàn héc ta ngô, lúa... tạo được khối lượng nông sản hàng hóa lớn, nhưng nhiều năm qua, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đóng trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu phải nhập nguyên liệu từ bên ngoại tỉnh.

Bà Kiều Thị Thu (Trưởng phòng Hành chính - Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc “Con heo vàng” Nghệ An) chia sẻ: Với dây chuyền sản xuất có công suất thiết kế lên đến 30 nghìn tấn/năm, nhu cầu về nguyên liệu của chúng tôi là rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nguyên liệu đang chủ yếu được nhập từ bên ngoài. Với địa bàn Nghệ An, dù đã rất cố gắng, nhưng cũng chỉ có thể mua theo thời vụ, nguyên liệu nhập về phải đưa vào sản xuất luôn, vì hiện nhà máy vẫn chưa xây dựng được lò sấy.

Được coi là một trong hai nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất "đứng chân" trên địa bàn Nghệ An, nhưng hiện tại, lượng nguyên liệu mà Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc Con heo vàng Nghệ An thu mua cho người nông dân trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng nhu cầu về nguyên liệu của đơn vị. Lý giải cho nguyên nhân, đại diện lãnh đạo nhà máy cho hay: Là một trong bốn nhà máy của Con heo vàng có trụ sở đóng tại Hải Phòng, tất cả nguồn nguyên liệu, công thức sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm đều phải qua khâu kiểm định nghiêm ngặt ở "tổng". Bởi vậy, chỉ những thời điểm Nghệ An vào vụ thu hoạch ngô, sắn… nhà máy mới tung người đi thu gom và đưa vào sản xuất ngay khi đã được "duyệt". Việc chưa có lò sấy cũng là một nguyên nhân rất quan trọng khiến doanh nghiệp chỉ có thể thu mua sản phẩm nông sản đã qua phơi sấy trong khi sơ chế ngô, sắn tươi của Nghệ An không đáp ứng được yêu cầu.

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, hàng năm Nghệ An có khoảng 160 nghìn ha ngô với trên 200 nghìn tấn sản phẩm ngô hạt. Cùng với đó là hàng trăm nghìn tấn sắn ở các vùng Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu… và các loại phụ phẩm khác có thể dùng vào chế biến và sản xuất thức ăn chăn nuôi như khô dầu lạc từ chế biến dầu ăn, đậu tương, phụ phẩm cá... Chất lượng các loại nông sản này của Nghệ An hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, có thể đem lại nguồn thu rất lớn cho người nông dân.



Chăn nuôi gà an toàn sinh học ở xã Châu Kim (Quế Phong). Ảnh: Công Sáng

Tuy nhiên, một thực tế không thể chối cãi là hiện số nguyên liệu của chúng ta "vào" được các nhà máy lớn hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân có từ cả hai phía. Hai năm nay, lượng nguyên liệu thu mua của nông dân Nghệ An luôn chiếm từ 50 - 60% trong tổng nhu cầu nguyên liệu hàng năm của Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Golden Star. Làm được điều này, là nhờ doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng lò sấy nông sản có công suất lớn. Còn Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc “Con heo vàng” Nghệ An dù muốn cũng chỉ có thể mua theo thời vụ. Với đặc thù riêng, chỉ cần một lượng rất nhỏ nấm mốc cũng làm hỏng cả lô sản phẩm, gây nguy hiểm cho vật nuôi, nên khâu chế biến phải tuân thủ theo một quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Bởi vậy, chỉ vào những mùa nắng to, Con heo vàng mới "dám" mua nguyên liệu của Nghệ An về phơi và sản xuất luôn.

Từ thực tế đó cho thấy, với yêu cầu sản phẩm nông sản không thể mua tươi mà phải qua sơ chế, hiện chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. Công nghệ sơ chế, bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng nông sản của chúng ta còn đang rất kém. Những năm qua, tỉnh đã có các cơ chế khuyến khích, phát triển hệ thống sấy nông sản nhưng cuối cùng phải bỏ vì kết quả đạt được quá khiêm tốn do nhiều bất cập. Và không hiếm trường hợp, nhất là với lúa hè thu và ngô vụ đông, sản phẩm một nắng hai sương của người dân bị ẩm mốc, thối, mọc mầm, gây tâm lý chán nản cho nông dân và thiệt hại rất lớn về kinh tế. Bởi vậy, vào vụ đông, dù đã thực hiện các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, nhưng diện tích đất bỏ hoang vẫn ngày càng nhiều. Người nông dân nhiều vùng chỉ trồng một diện tích đủ để tự túc nhu cầu chăn nuôi trong gia đình là chủ yếu.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc ký hợp đồng với địa phương, với nông dân trong bao tiêu sản phẩm, mà vẫn đang "để lỏng" để có thể ép giá, mua giá thấp. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm của chúng ta nhiều loại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các doanh nghiệp lớn đều chọn mua nguyên liệu ở một số vùng nhất định, như “Con heo vàng” hiện đang chỉ thu mua sắn ở vùng Anh Sơn và Nghi Lộc, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu ngô tại Quỳ Hợp, với lý giải đây là những vùng đất cho sản phẩm giàu thành phần dinh dưỡng hơn, đảm bảo được tỷ lệ các thành phần quan trọng hơn. Dù diện tích trồng sắn của chúng ta khá lớn, nhưng thực tế là sự đầu tư chăm sóc chưa nhiều, kể cả những diện tích trồng các loại sắn cao sản. Trong khi đó, nếu mua sắn của Lào, giá cả chênh lệch không đáng kể nhưng củ rất to, nhiều thịt, ít xơ.

Theo ông Từ Trọng Kim (Trưởng phòng Trồng trọt- Sở NN&PTNT) vấn đề là cần có sự chỉ đạo hiệu quả các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhằm phát huy hiệu quả liên kết, tạo điều kiện xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, có sự tham gia của các doanh nghiệp, tạo được khối lượng sản phẩm nông sản lớn, chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi của các nhà máy lớn. Khâu kỹ thuật, chỉ đạo để có được sản phẩm chất lượng là điều hiện chúng ta hoàn toàn có thể làm được, tuy nhiên, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, cùng với các biện pháp trên, nhà nước cần có hàng rào thuế quan hợp lý, nhằm bảo vệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành nông nghiệp trong nước.


Phú Hương

Mới nhất
x
Dồi dào nông sản, thức ăn chăn nuôi vẫn nhập ngoại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO