Đổi mới cách học môn Lịch sử: Tích hợp hay chia đôi?

11/11/2015 10:13

Sau hàng loạt các cuộc bàn thảo, Bộ GD - ĐT cho biết sẽ xem xét lại việc tách riêng môn Lịch sử. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học cho rằng ngoài việc tích hợp ở bậc học dưới thì nên chia làm 2 phần, bắt buộc với Lịch sử Việt Nam và tự chọn với Lịch sử thế giới ở THPT.

Cần tổ chức lại để hấp dẫn hơn

Góp ý cho chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, bà Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng trường THCS Tô Hoàng cho rằng, nếu Lịch sử tích hợp với môn Ngữ văn hoặc Địa lý để dạy thì giảm tải được cho học sinh.

Trước ý kiến lo lắng, học sinh sẽ không học Lịch sử nếu là môn tự chọn hoặc chỉ nằm rải rác trong môn học khác, bà Nguyễn Thị Thuận cho rằng vấn đề này phải được nhìn từ nhiều phía. Khi học sinh không chọn Lịch sử, các thầy cô dạy môn này phải xem lại phương pháp giảng dạy của mình, nhà trường xem lại cách thức tổ chức, sách giáo khoa có chỗ nào chưa kích thích được học sinh? Do vậy, với chương trình mới nên thiết kế môn Lịch sử sao cho có thể cho phép học sinh được đóng vai trò của nhà Lịch sử thì các em rất thích.

Cần đổi mới cách dạy môn Lịch sử để tạo sự hứng thú cho học sinh
Cần đổi mới cách dạy môn Lịch sử để tạo sự hứng thú cho học sinh.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương cho rằng, ở bậc tiểu học và THCS việc tích hợp môn Lịch sử vào các môn học khác là phù hợp, theo đúng định hướng của đổi mới giáo dục. “Chúng tôi đang suy nghĩ và xem xét chuyển tải kiến thức lịch sử thành những câu chuyện theo chuyên đề như du lịch qua các cố đô, du lịch trên các dòng sông hay tên nước Việt Nam qua các thời đại… Đây là hình thức tích hợp các kiến thức môn học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… phù hợp với học sinh tiểu học và có thể là THCS” - PGS Nghiêm Đình Vỳ nhận định.

Tuy nhiên, việc tích hợp môn này ở bậc THPT, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ lại phải xem xét kỹ. “Lịch sử ở bậc học này bao gồm 4 phần: Lịch sử tự chọn dành cho học sinh đi sâu vào khoa học xã hội; Lịch sử được tích hợp trong khoa học tự nhiên dành cho học sinh chọn phân ban khoa học tự nhiên; Lịch sử cũng được tích hợp trong môn Công dân và Tổ quốc và học sinh còn gặp môn này trong các chuyên đề tự chọn. Với nội dung thuộc 4 phần như thế sẽ bị chồng chéo, phá nát bộ môn Lịch sử. Hơn nữa, GS Phan Huy Lê cũng đã phân tích, An ninh quốc phòng, Giáo dục công dân và Lịch sử là 3 môn khoa học rất khác nhau, không thể tích hợp trong môn Công dân và Tổ quốc” - PGS Nghiêm Đình Vỳ phân tích.

Tiếp tục lắng nghe ý kiến của toàn xã hội

Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD - ĐT, việc tách riêng môn Lịch sử sẽ không thực hiện được định hướng giảm môn bắt buộc và tăng cường môn tự chọn. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, học sinh hoàn toàn học môn tự chọn. Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thống, giáo dục lịch sử không phải chỉ ở môn Lịch sử, mà Ngữ văn, Địa lý, Đạo đức, Công dân, Âm nhạc cũng đều có ý nghĩa giáo dục lịch sử. “Hình thức giáo dục lịch sử của chúng ta nên đổi mới, hướng học sinh trở về cội nguồn, đi thăm di tích lịch sử. Chúng ta không thể đánh đồng giáo dục lịch sử chỉ là dạy sử” - ông Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, nếu tích hợp theo đúng nghĩa thì phải có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn rất xác đáng, cần thảo luận kỹ. “Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, điều quan trọng là cần giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần dân tộc và nâng cao lòng yêu nước. Nhìn ra các nước, chúng ta thấy, tại Mỹ, sau sự kiện ngày 11/9, Lịch sử là môn học bắt buộc, ở Canada cũng vậy. Ở 25 nước châu Âu có đến 20 quốc gia quy định Lịch sử là môn bắt buộc. Nếu Bộ GD - ĐT xếp Lịch sử là môn tự chọn thì các em sẽ bỏ qua vì môn học này không giải quyết được công ăn việc làm khi ra trường” - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho biết.

Để hóa giải yêu cầu giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đề xuất có thể chia Lịch sử làm hai phần, trong đó phần Lịch sử Việt Nam là bắt buộc và Lịch sử thế giới là tự chọn. Ông Đỗ Ngọc Thống cho rằng, hiện Bộ GD - ĐT cũng còn băn khoăn về việc môn Lịch sử ghép vào môn Công dân và Tổ quốc, chưa biết có hợp lý không. Do vậy, Bộ GD - ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của toàn xã hội góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nếu hợp lý, Bộ GD - ĐT sẽ tách Lịch sử thành môn học riêng.

ĐBQH Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Tôi không yên tâm

 Dương Trung Quốc
ĐBQH Dương Trung Quốc.

“Về dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh - quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc, tôi đã có góp ý Bộ GD - ĐT là cần hết sức thận trọng. Mục tiêu của “tích hợp” là gì, Bộ GD - ĐT chưa lý giải được thấu đáo, đây cũng mới chỉ là ý tưởng mà chưa có một thử nghiệm hay giáo trình, phương hướng cơ bản nào.

Tôi chia sẻ với mong muốn của Bộ GD - ĐT là tìm một giải pháp tốt nhưng không phải theo cách xóa bỏ cả một môn học đã được định vị rõ ràng. Cách làm của Bộ khiến tôi không yên tâm. Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, hơn bao giờ hết, không thể lãng quên lịch sử, bởi đánh mất lịch sử là đánh mất mình”.

TS Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Khó khuyến khích học sinh yêu Lịch sử.

 TS Trinh Ngọc Thạch
TS Trinh Ngọc Thạch.

“Chúng tôi chưa nhận được đề án, chương trình “tích hợp” môn Lịch sử với các môn khác của Bộ GD -ĐT. Tuy nhiên, nếu tích hợp môn Lịch sử với các môn mà không gần với sử thì chính là làm khó cho giáo viên và cũng không khuyến khích được học sinh thích học môn này hơn.

Tích hợp các môn gì với nhau phải trên cơ sở các môn đó gần gũi, dễ liên thông. Tích hợp Lịch sử với Giáo dục công dân hay Quốc phòng an ninh không phù hợp lắm. Nên tích hợp theo nhóm mà lâu nay chúng ta đã phân định, chẳng hạn nhóm nhân văn (sử, văn) sẽ phù hợp hơn”.

Theo ANTĐ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Đổi mới cách học môn Lịch sử: Tích hợp hay chia đôi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO