Đổi mới căn bản hoạt động khoa học và công nghệ
(Baonghean) - N
(Baonghean) - Những năm qua, đặc biệt là sau 8 năm thực hiện “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ” triển khai từ năm 2004, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hoạt động khoa học và công nghệ ở Nghệ An có nhiều đổi mới và đóng góp những thành tựu quan trọng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Năng lực và tiềm lực khoa học của tỉnh được nâng cao.
Hàm lượng công nghệ trong nhiều sản phẩm đã làm tăng chất lượng và giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và các doanh nghiệp trên địa bàn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đội ngũ cán bộ khoa học được tạo điều kiện tốt hơn về hạ tầng và trang thiết bị nghiên cứu thông qua các chương trình đầu tư của tỉnh. Hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang cơ chế tự chủ với sự đầu tư đúng mức của tỉnh. Thị trường công nghệ dần được hình thành, từng bước thúc đẩy hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học với thực tiễn đời sống, sản xuất, với nhu cầu của doanh nghiệp và nhân dân.
Mô hình áp dụng tiến bộ KHKT mới SRI trong thâm canh lúa nước ở Quỳ Hợp.
Tuy nhiên, những thành tựu của khoa học và công nghệ đạt được trong những năm qua chưa có tính đột phá và vững chắc, chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà trong giai đoạn mới; chưa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển, nhất là tăng trưởng chiều sâu. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, mặc dù thời gian qua được quan tâm, nhưng chưa thực sự đóng góp những cơ sở lý luận và thực tiễn làm luận cứ cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển của tỉnh. Còn nhiều kết quả nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm chưa được ứng dụng rộng rãi, tính lan tỏa không cao.
Nguyên nhân của những tồn tại kể trên, trước hết là do kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động khoa học còn hạn chế (khoảng 0,5% so với mục đích yêu cầu là 2% tổng chi ngân sách tỉnh), nguồn kinh phí huy động xã hội hóa còn quá ít ỏi.
Trong khi đó lại có quá nhiều chương trình khoa học và công nghệ cần tổ chức triển khai thực hiện. Do vậy nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn dàn trải, thiếu tập trung, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hai là chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cao vào sản xuất và đời sống (bởi lẽ từ mô hình thử nghiệm của các dự án KHCN đến việc triển khai ở diện rộng còn một khoảng cách rất lớn, cần có chương trình ứng dụng quy mô vừa để tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, quản lý về cả dịch vụ đầu vào, đầu ra).
Thứ ba là, việc kêu gọi, lựa chọn, đề xuất các nhiệm vụ khoa học có lúc chưa gắn với định hướng trọng tâm ngắn hạn trong tổng thể dài hạn của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội tỉnh, có dự án sản xuất thử nghiệm chưa quan tâm nhiều đến thị trường và khả năng nhân rộng, chưa có cơ chế đặt hàng của UBND tỉnh.
Thứ tư là, năng lực tổ chức triển khai của đội ngũ cán bộ KH&CN còn hạn chế, chưa nhạy bén và chậm thích ứng với cơ chế thị trường, thiếu cán bộ chuyên gia đầu đàn và thiếu đội ngũ công nhân lành nghề bậc cao. Cơ chế quản lý cũng như việc sắp xếp các tổ chức khoa học và công nghệ chưa được như mong muốn, tính kết nối giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp chưa cao.
Thứ năm là, hệ thống các thủ tục hồ sơ, cơ chế thanh quyết toán tài chính còn nhiều bất cập, đặc biệt là các thủ tục trong thanh quyết toán tài chính cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Cuối cùng là, vẫn còn một số sở, ban, ngành, huyện chưa thực sự quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ, tất cả đều chưa có cơ quan tham mưu cũng như cán bộ chuyên trách quản lý lĩnh vực này, trong khi đó bộ máy của sở chuyên ngành lại quá mỏng.
Để khoa học và công nghệ thực sự là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư về phát triển khoa học và công nghệ, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ Nghệ An đến năm 2020 được xác định là: Phát triển năng lực khoa học và công nghệ đạt mức khá so với các địa phương khác trong cả nước, nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh gắn với phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa Nghệ An. Trong đó, tập trung vào các nội dung sau đây:
- Khoa học xã hội nhân văn tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tiễn của địa phương, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy nhân tố con người và văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
- Khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ cần xác định các lĩnh vực trọng điểm để đầu tư lựa chọn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung vào các chương trình công nghiệp, dược phẩm và thực phẩm chức năng, công nghệ vi sinh, công nghệ thông tin, công nghiệp điện và điện tử, y tế công nghệ cao.
- Trong lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp.
- Đầu tư phát triển một số vùng trọng điểm như: Khu công nghiệp cao thuộc khu kinh tế Đông Nam, Khu nông nghiệp ứng dụng cao Phủ Quỳ, Chương trình phổ biến tiến bộ khoa học và công nghệ miền Tây.
- Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ: Xây dựng hệ thống các đơn vị khoa học và công nghệ chuyên ngành đủ mạnh (các viện, phân viện, các trung tâm khoa học và công nghệ chuyên ngành của tỉnh; các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề…) có năng lực giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng.
- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ; các cơ sở hoạt động khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí thông qua chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ của mình, ươm tạo doanh nghiệp, kết nối với doanh nghiệp để hoạt động mang tính thực tiễn, phục vụ thiết thực yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Đẩy mạnh công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thông tin và thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyên ngành khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy và nâng cao sức cạnh tranh của các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ở Nghệ An; đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn tình trạng gian lận trong đo lường, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng và làm lành mạnh thị trường.
Để hoàn thành được mục tiêu, định hướng phát triển khoa học và công nghệ Nghệ An đến năm 2020, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền ban, ngành đoàn thể và nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục hoàn thiện thể chế đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ; Triển khai các định hướng, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu; Phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh; Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Để hoàn thành mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ đã nêu, rất cần sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, sự quyết tâm vươn lên của đội ngũ các nhà khoa học và doanh nhân. Phát triển khoa học và công nghệ, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi lòng đam mê, sáng tạo của các nhà khoa học, doanh nhân và cả môi trường sáng tạo, cống hiến, cạnh tranh lành mạnh. Triển khai thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, chắc chắn mối liên hệ Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp sẽ tạo nên động lực mới cho khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trần Quốc Thành (Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An)