Đổi mới công nghệ - yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp
(Baonghean) - Đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định năng lực doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh ta, việc đổi mới công nghệ đang còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp có khả năng đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ còn hạn chế, nhưng có thể coi đây là những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp trong quá trình tìm đến những công nghệ mới, tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất; là hướng đi cần thiết để có thể vươn tới sự phát triển bền vững.
Công ty CP gạch Granit Trung Đô là một trong không nhiều doanh nghiệp đã nhận được khá nhiều giải thưởng khoa học công nghệ sáng tạo hàng năm của tỉnh. Mới đây, doanh nghiệp này tiếp tục nhận được 2 giải: Nghiên cứu thành công than cám 3C thay thế cho than kíp lê 4B được trao giải Nhất; nghiên cứu thiết kế thành công dây chuyền công nghệ sản xuất phụ kiện ngói gốm sứ được trao giải Nhì.
Sản xuất ngói úp nung trên dây chuyền sản xuất gạch granite Trung Đô |
Về công trình khoa học giành giải Nhất, Giám đốc Nhà máy gạch Granit Trung Đô cho biết, hàng năm, Nhà máy Granit Trung Đô sản xuất ra thị trường với sản lượng hơn 2 triệu m2 gạch ốp lát, gạch in và ngói gốm sứ các loại. Để sản xuất được những sản phẩm này, nhà máy phải sử dụng một lượng lớn nhiên liệu đốt là than kíp lê 4B. Sau nhiều năm sản xuất, phát sinh nhiều vấn đề bất cập như giá than kíp lê tăng cao, lại khó tìm được nhà cung cấp ổn định về chất lượng cũng như số lượng. Sau khi có kết quả chạy thử thành công từ than cám 3C nhằm thay thế cho than kíp lê 4B, nhà máy đã quyết định nâng công suất của dây chuyền ép than quả bàng từ công suất 3 tấn/giờ nâng lên 6 tấn/giờ nhằm đáp ứng 100% lượng than sử dụng của toàn nhà máy.
Về ứng dụng công trình khoa học giành giải Nhì của Công ty CP gạch Granit, sản phẩm phụ kiện ngói gốm sứ tráng men lần đầu tiên sản xuất ở Việt Nam theo công nghệ ép dẻo xương gốm, nung trong lò nung phòng gián đoạn. So với các công nghệ đang được sử dụng ở Việt Nam cho chủng loại sản phẩm tạo hình bằng phương pháp đổ rót, thì với dây chuyền sản xuất tại nhà máy đã cho phép sản xuất mang quy mô công nghiệp, công suất lớn, giá thành sản phẩm hạ.
Từ khi đưa sản phẩm vào sản xuất đã tăng thêm doanh thu, cơ hội việc làm cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế đất nước nói chung và ngành gạch ốp lát nói riêng khó khăn. Mặt khác, việc sản xuất thành công sản phẩm này giúp nhà máy chủ động trong việc cung cấp mặt hàng phụ kiện ngói cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ngói gốm sứ của nhà máy cả về số lượng lẫn chất lượng.
Mặc dù không có những giải thưởng lớn như Công ty CP Gạch Granit Trung Đô nhưng Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan cũng là doanh nghiệp có nhiều sáng kiến cải tiến trong sản xuất, giúp giảm chi phí, nâng hiệu quả trong kinh doanh; như: lắp bộ đèn amron trên bề mặt thùng con máy chải C40 do các công nhân của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan sáng chế, hạn chế hỏng dàn kim và tần suất thời gian dừng sản xuất để thay thế. Mỗi lần như vậy công ty lại mất hàng trăm triệu đồng để lắp đặt bộ kim khác.
Riêng năm 2014, công ty đã có 16 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, giá trị làm lợi chưa phải là lớn, khoảng 500 triệu đồng, nhưng thông qua đó đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiến độ cũng như nâng cao hiệu quả kinh doanh... Sợi là sản phẩm truyền thống chiếm trên 2/3 tổng số doanh thu hàng năm của công ty, nhưng với hệ thống dây chuyền cũ kỹ, lạc hậu nên sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh trên thị trường. Trước thực trạng đó, năm 2009, công ty đã đầu tư 29 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất sợi thế hệ mới của Trung Quốc, công suất 6.500 tấn/năm, chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chí xuất khẩu...
Xác định cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ - con đường ngắn nhất dẫn đến thành công của doanh nghiệp nên tại các doanh nghiệp khác, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng được hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều đề tài, sáng kiến với các giải pháp tối ưu, hợp lý hóa được áp dụng đã nâng cao hiệu quả sản xuất cho đơn vị. Nhiều sáng kiến được các đơn vị áp dụng vào sản xuất, kinh doanh đã giảm chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng. Năm 2014, riêng Thành phố Vinh có gần 2.760 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận, giá trị làm lợi ước đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Dây chuyền sản xuất sữa tại Nhà máy sữa tươi sạch TH ở Nghĩa Đàn. |
Nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ việc thực hiện đổi mới công nghệ. Cùng với việc ưu tiên bố trí ngân sách, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để các DN từng bước đổi mới công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước áp dụng vào sản xuất. Thông qua các cơ chế khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công nghệ sản xuất như: Công nghệ nuôi trồng và sản xuất thực phẩm chức năng từ tảo xoắn Spirulina (Công ty TNHH Thanh Mai), công nghệ CNC trên đá (Công ty Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ), ươm và nhân giống chanh leo bằng công nghệ cao của Công ty CP Đầu tư Phát triển Napaga; công nghệ tưới nhỏ giọt của Công ty Mía đường Nghệ An - Nasu; Công nghệ sấy chè bằng hơi nóng của Công ty chè Trường Thịnh… hay một số doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao như Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH công nghệ sinh học phục vụ sản xuất thương mại du lịch Thanh Mai; Công ty TNHH Vĩnh Hòa. Giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa được cấp bằng bảo hộ công nghiệp giống cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất trên 6.000 ha trong vụ xuân 2014.
Đặc biệt, Tập đoàn sữa TH là doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Vừa qua, sau khi so sánh toàn diện với các trang trại bò sữa trên toàn châu Á, tháng 2/2015, Tổ chức kỷ lục châu Á (đặt tại Ấn Độ) đã xác nhận và vinh danh Trang trại TH là “Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn nhất châu Á”.
Máy hàn 4 góc tự động CNC giúp tăng năng suất lao động, tính chính xác cao của Công ty CP Austdoor. Máy hàn 4 góc tự động CNC giúp tăng năng suất lao động, tính chính xác cao của Công ty CP Austdoor. |
Tuy nhiên, xét thực tế, vì nhiều lý do, hiện có không nhiều doanh nghiệp đầu tư đúng mức cho dây chuyền công nghệ vào sản xuất. Trong số hơn 10.000 doanh nghiệp của tỉnh, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn rất ít. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa tích cực dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ. Do năng lực tài chính hạn chế nên sử dụng công nghệ lạc hậu; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, mang tính chắp vá. Máy móc thiết bị trong nhiều doanh nghiệp đang ở trình độ rất thấp, thuộc thập niên 70-80 của thế kỷ trước, nên hạn chế năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của sản phẩm khi hội nhập là rất khó.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam (tiền thân là Nhà máy đường Sông Lam) hoạt động từ những năm 60 của thế kỷ trước với công suất ban đầu là 350 tấn mía/ngày và 50.000 lít cồn thực phẩm/năm, dây chuyền công nghệ của Trung Quốc. Từ năm 1999, do quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy đã di chuyển từ Hưng Phú (Hưng Nguyên) đến xã Đỉnh Sơn, (Anh Sơn) và đầu tư mở rộng công suất lên 500 tấn mía/ngày, 1 triệu lít cồn/năm.
Năm 2008, được sự hỗ trợ của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI), Sở Công Thương Nghệ An và Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam, đơn vị đã tham gia cả ở hai giai đoạn sản xuất sạch. Hàng năm công ty đều có các giải pháp để cải tiến, khắc phục những hạn chế trong sản xuất, song nhìn chung máy móc, thiết bị đang lạc hậu, vẫn ở mức chắp vá, hiệu quả sản xuất không cao.
Hiện trong nước, trong tỉnh có nhiều trường đào tạo nghề, việc nghiên cứu khoa học đạt những thành tựu nhất định, nhưng giữa nghiên cứu và ứng dụng vẫn còn những khoảng cách. Trao đổi với chúng tôi về sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng tại các doanh nghiệp, một giáo viên cơ khí của Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho rằng, nếu các đơn vị đào tạo như trường này là nơi cung cấp, thì doanh nghiệp là nguồn cầu của thị trường công nghệ. Thế nhưng, thực tế hai phía chưa gắn kết, nên nhiều công nghệ trong nước đã có nhưng doanh nghiệp không sử dụng; có doanh nghiệp còn bỏ tiền ra mua ở nước ngoài với giá thành cao và trình độ không phù hợp, nhiều khi đầu tư xong không sử dụng được hoặc bị lừa mua phải công nghệ lạc hậu.
Chính vì đầu tư cho công nghệ còn nhiều vấn đề phải bàn, nên hiện nay dù lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đông đảo nhưng chủ yếu là thương mại, dịch vụ… Số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ít, sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, tính cạnh tranh thấp.
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh thì các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực hoạt động khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, như hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới hoặc đổi mới công nghệ cải tiến sản phẩm. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp về triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách DN đổi mới công nghệ, thiết bị; ưu tiên cho phát triển và thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kích cầu thị trường KHCN, đồng thời xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Cùng với đó, là việc tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, tổ chức KHCN, các trường ĐH trình diễn, giới thiệu sản phẩm KHCN mới, hướng tới việc nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học để phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Phát triển hệ thống các doanh nghiệp KHCN, hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập quỹ KHCN doanh nghiệp để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ, đổi mới và chuyển giao công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường…
Thu Huyền