Đổi thay dưới đỉnh Phù Xai
(Baonghean) - Đồn Biên phòng 545 đứng chân trên địa bàn xã Na Ngoi, một xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao của huyện Kỳ Sơn. Địa bàn rộng, với 799 hộ/ 5.087 nhân khẩu, toàn xã có 18 bản (16 bản dân tộc Mông, 1 bản dân tộc Thái và 1 bản dân tộc Khơ Mú).
Với bình độ trên 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu nơi đây vô cùng khắc nghiệt - chủ yếu là lạnh và khô, gây khó khăn, trở ngại cho mọi mặt công tác, lao động sản xuất. Cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ BĐBP và đặc biệt là đa số đồng bào trên địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Người Mông ở Na Ngoi di cư qua biên giới nhiều do tập quán, do cuộc sống khó khăn, còn nhiều người trồng và nghiện hút thuốc phiện...
Từ cuối năm 2002, thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về cắm bản, "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào dưới chân núi Phù Xai Lai Leng bộ đội đã giúp dân khai hoang phục hóa hàng trăm ha diện tích trồng lúa nước, đào ao thả cá, hỗ trợ cấp cá giống, cho nhân dân vay vốn phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, hướng dẫn chuyển tập quán canh tác đổi từ 1 vụ/năm lên 2 vụ/năm; đẩy nhanh phát triển mô hình kinh tế hộ, nuôi trồng các loại cây, con đặc sản như khoai sọ, dong riềng, gừng, bí xanh, gà đen, lợn đen... đã giúp hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo.
Thiếu tá Cao Bá Diên, chính trị viên Phó Đồn 545 tâm sự: "Trước kia, đi gặp dân để tuyên truyền vận động, có khi đi bộ cả ngày chưa đến nơi. Bởi người Mông đã quen sống trên đỉnh núi cao, các bản lại thưa thớt, cách xa nhau. Để đến được một bản chỉ mươi nóc nhà, chúng tôi phải leo núi cả ngày, đến khi xuống núi cũng mất đến nửa ngày. Nay đường sá đi lại đã đỡ nhiều, bà con lại chuyển xuống nơi có đường giao thông tiện đi lại nên anh em chúng tôi đỡ vất vả hơn".
Gặp dân đã khó, nhưng để bà con tin tưởng, làm theo còn khó hơn bội phần. Bộ đội Đồn 545 phối hợp với Đoàn kinh tế quốc phòng 4 (Đoàn 4) phải mời lãnh đạo xã, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín và bà con đến chân ruộng chứng kiến bộ đội làm lúa nước. Vừa làm vừa hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể cho dân. Đến khi thu hoạch được lúa về nhà, dân bản mới thực sự tin tưởng vào cách làm ăn mới, yêu và quý bộ đội hơn.
Sau từng mùa, diện tích lúa nước được bà con nhân rộng ngày càng nhiều, giảm dần cảnh đói cơm, đứt bữa... Bộ đội còn tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, vệ sinh môi trường; hướng dẫn dân bản trồng keo, muồng đen, săng lẻ, lát. Bộ đội ươm hàng vạn bầu chè shan tuyết giống cung cấp cho bà con trồng; hướng dẫn dân bản mở mang diện tích đất trồng rừng, trồng cây ăn quả. Mỗi năm bà con thu hoạch từ 100 đến 200 tấn dong riềng, đều được xưởng chế biến của bộ đội thu mua với giá cả hợp lý, chế biến thành miến dong nhãn hiệu "Phù Xai"... được thị trường đón nhận, nức tiếng gần xa.
Mai Phương