Đối thoại - Giải pháp tháo gỡ khó khăn

23/07/2014 10:28

(Baonghean) - Những ý kiến sau hội nghị đối thoại và biểu dương các bí thư chi bộ tiêu biểu trong việc thực hiện Chỉ thị 03 đã được BTV Huyện ủy Quế Phong tiếp thu với tinh thần cầu thị, trực tiếp chỉ đạo giải quyết, vì vậy được dư luận trong Đảng, trong nhân dân đánh giá cao.

Cây chanh leo đang là hướng thoát nghèo cho người dân Quế Phong.
Cây chanh leo đang là hướng thoát nghèo cho người dân Quế Phong.

Chanh leo đang được xác định là cây thoát nghèo của Quế Phong. Vì vậy, sau khi thực hiện thành công mô hình tại xã Tri Lễ, Dự án phát triển vùng nguyên liệu chanh leo đã được khởi động với sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương nhằm nhân rộng diện tích. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn đó là với số vốn đầu tư tương đối lớn, trong điều kiện hiện tại, đa số người dân địa phương vẫn chưa có kinh phí để mua giống, phân bón, ảnh hưởng đến tiến độ trồng chanh leo. Trước thực trạng đó, tại cuộc đối thoại với lãnh đạo Huyện ủy Quế Phong, lãnh đạo Đảng ủy xã Tri Lễ đã trực tiếp kiến nghị huyện có hướng chỉ đạo, tháo gỡ cho bà con. Đồng chí Đàm Thiên Thương – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết: Nhiều người dân đã tiến hành đào hố trồng chanh leo, tuy nhiên vẫn còn gặp phải vấn đề về cây giống. Do đó, tại buổi đối thoại, Tri Lễ kiến nghị huyện cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân vay giống cây chanh leo và phân bón để trồng kịp thời.

Tiếp thu ý kiến từ cơ sở, ngay sau cuộc đối thoại, đồng chí Kha Văn Tám – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã trực tiếp làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển vùng chanh leo của huyện, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp (NAPAGA), Ngân hàng NN & PTNT huyện để tìm ra hướng tháo gỡ kịp thời. Trong đó, tập trung vào việc kiện toàn, phân công và đề cao trách nhiệm của mỗi thành viên, cơ chế hoạt động cụ thể của Ban Chỉ đạo và định kỳ báo cáo về Thường trực Huyện ủy và UBND huyện để có ý kiến chỉ đạo. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động nhân dân trồng và mở rộng diện tích cây chanh leo tại các xã Tri Lễ, Nậm Nhoóng và Nậm Giải, đặc biệt lập danh sách các hộ đã đăng ký trồng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời… Ngay buổi làm việc, nhiều vướng mắc về việc phát triển vùng nguyên liệu chanh leo được rốt ráo giải quyết, nhất là viêc cung cấp giống và vật tư đầu vào cho người dân. Công ty NAPAGA đơn vị cung ứng giống đã đồng ý cho nhân dân vay giống về trồng và trả kinh phí mua giống bằng tiền hoặc sản phẩm sau 10 tháng, kéo dài hơn 2 tháng so với trước đây. Do đó, nguồn cung giống cho nhân dân được giải quyết kịp thời. Đồng chí Trịnh Xuân Dũng – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Quế Phong, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Xây dựng và phát triển vùng chanh leo huyện Quế Phong cho biết: Tính đến ngày 4/6/2014, xã Tri Lễ có 475 hộ dân đăng ký trồng chanh leo năm 2014, tương đương với diện tích đăng ký gần 50ha. 116 hộ đào 17.480 ha trồng chanh leo được cung cấp giống. Bên cạnh đó, huyện cũng đang kiến nghị tỉnh sớm đưa cây chanh leo vào cơ chế hỗ trợ để nhân dân có điều kiện đầu tư sản xuất.

Trước những kết quả đối thoại trên, đồng chí Đàm Thiên Thương chia sẻ: “Thông qua kênh đối thoại, lãnh đạo các cấp nắm rõ tình hình thực tế dưới cơ sở và có phương án giải quyết kịp thời, qua đó, thể hiện tinh thần gần dân, sát dân hơn trong công tác lãnh đạo điều hành”. Còn ở Quế Sơn, tại buổi đối thoại cũng đã giải đáp được thắc mắc về việc chậm chi trả đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong việc thi công đường nối từ Thị trấn Kim Sơn ra Quốc lộ 48 đoạn đi qua xã. Đồng chí Lô Thái Huyết – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đường khởi công và hoàn thành đã mấy năm nhưng vấn còn tồn đọng tiền đề bù của gần 20 hộ dân. Đây là vấn đề mà nhân dân thắc mắc. Thông qua đối thoại, xã cũng đã kiến nghị và lãnh đạo huyện đã trình bày nguyên nhân chậm trễ cũng như phương án giải quyết. Qua đó, giúp xã có câu trả lời chính xác cho nhân dân bị ảnh hưởng.

Không chỉ có Tri Lễ, Quế Sơn mà qua tổng hợp, tại buổi đối thoại có 51 ý kiến của các chi bộ thuộc Đảng bộ xã phản ánh lên Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong. Đa phần các ý kiến tập trung vào các vấn đề về chất lượng của việc hỗ trợ giống cây, con; chất lượng các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh; điện, đường, trường, trạm, giải phóng mặt bằng, tái định cư, một số vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách… Tất cả được Huyện ủy giao trực tiếp cho các ban, ngành trả lời cặn kẽ cho 29 bí thư chi bộ và lãnh đạo các cấp ủy. Đồng chí Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong cho biết: “Nội dung kiến nghị được các Đảng ủy xã lấy ý kiến các bí thư chi bộ gửi về trước cho Ban Tổ chức Huyện ủy tổng hợp. Nội dung được phân loại và giao cho các ban, ngành trả lời. Do đó, nội dung trả lời được chuẩn bị kỹ lưỡng, giải đáp thấu đáo thắc mắc, kiến nghị của cơ sở. Bên cạnh đó, tại hội nghị, có nhiều ý kiến trực tiếp của các đại biểu đã được lãnh đạo UBND huyện và các ban, ngành trực tiếp tiếp thu với tinh thần nghiêm túc, cầu thị và có giải đáp cụ thể”.

Qua những chuyển biến bước đầu từ cuộc đối thoại vừa qua ở Quế Phong cho thấy, đối thoại đóng vai trò lớn trong việc giúp lãnh đạo Huyện ủy, UBND và các ban, ngành nắm được tình hình thực tiễn ở cơ sở, từ đó nâng cao hiệu quả điều hành, lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng. Nói về định hướng trong thời gian tới, đồng chí Kha Văn Tám cho biết: Quế Phong tiếp tục giao các cấp, các ngành và các địa phương phải tăng cường đối thoại với nhân dân. Qua đó, phát huy dân chủ, nắm bắt nhanh vấn đề, giúp xử lý tốt hơn các công việc của các cấp, các ngành. Phía người dân cũng được nói, được nghe và nắm bắt được bản chất của các vấn đề liên quan”.

Thành Duy

Mới nhất

x
Đối thoại - Giải pháp tháo gỡ khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO