Đối thoại ở Nam Đàn: Cởi bỏ nhiều bức xúc

11/08/2017 16:29

(Baonghean.vn) - Sáng 11/8, Thường trực Huyện ủy Nam Đàn tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Nam Lĩnh. Đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên theo kế hoạch của Thường trực Huyện ủy trong năm 2017.

Ông Bùi Đình Long - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy trực tiếp làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân. Ảnh: Mai Hoa
Ông Bùi Đình Long - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy trực tiếp làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân. Ảnh: Mai Hoa

“Cởi trói” nhiều bức xúc

Tại cuộc đối thoại, có gần 20 ý kiến với 72 vấn đề nhân dân quan tâm lâu nay được nêu lên liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và liên quan đến quyền lợi cụ thể của từng cá nhân, tập thể.

Liên quan đến chủ trương cấp đổi GCNQSDĐ đất ở mà địa phương triển khai thời gian qua, có 5 ý kiến thắc mắc.

Ông Hoàng Đình Thìn, xóm 10, cho rằng, đều là đất sử dụng từ những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước, nhưng hiện nay việc cấp đổi GCNQSDĐ, có hộ chỉ được 300 m2 đất ở, có hộ có 700m2, có hộ 1.000m2 và thậm chí là 1.500 m2. Đây là sự bất cập, vô lý và gây nhiều thắc mắc trong nhân dân, yêu cầu huyện và xã cần làm rõ.

Vấn đề nữa liên quan đến quyền lợi của đại đa số người dân được phản ánh tại đối thoại là trục đường chính của xã trước đây đang thuộc đường xã thì được nhân dân đóng góp xây dựng, nay chuyển thành đường huyện thì xuống cấp, gây khó khăn trong đi lại dối với người dân mà chưa được đầu tư sửa chữa.

Tính chất bức xúc còn ở các vấn đề được người dân kiến nghị với chính quyền địa phương nhiều lần mà chưa được giải quyết. Ông Nguyễn Ngọc Hoa, xóm 1, phản ánh, quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa, gắn cải tạo đồng ruộng làm mất hệ thống mương dẫn nước vào ruộng sản xuất của gia đình, mặc dù đã kiến nghị xã nhưng xã hứa nhiều lần vẫn chưa khắc phục. Vào các vụ sản xuất, gia đình ông Hoa phải tự dùng bơm xăng lấy nước từ ao vào ruộng, song vẫn phải đóng tiền dịch vụ.

Ông Ông nêu hành trình 15 năm đi sửa và xin cấp đổi lại Huận chương kháng chiến gia đình. Ảnh: Mai Hoa
Người dân xóm 4 Nam Lĩnh - ông Ông Văn Sơn nêu hành trình 15 năm đi sửa và xin cấp đổi lại Huận chương Kháng chiến . Ảnh: Mai Hoa

Đối với ông Ông Văn Sơn, xóm 4, hành trình đi xin sửa chữa và cấp đổi Bằng Huân chương Kháng chiến của gia đình đã 15 năm chưa được thực hiện. Theo ông Sơn, năm 2002, bố mẹ ông là Ông Văn Yêm và Nguyễn Thị Thìn được cấp bằng Huân chương Kháng chiến gia đình, nhưng lại sai tên họ bố - họ Ông thành họ Nguyễn. Mặc dù ông đã đi từ xã lên huyện và tỉnh, nhưng cho đến nay, bố ông đã mất và mẹ ông đã bước sang tuổi 90, nhưng việc sửa họ và cấp đổi lại vẫn chưa được thực hiện.

Ngoài ra, người dân cũng nêu lên nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến tình trạng ô nhiễm từ xác động vật, rác thải trên sông Lam Trà; về chất lượng của trạm y tế, kể cả cơ sở y tế huyện chưa thật sự đảm bảo và thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra, là người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng ở nơi gần nhất; về công tác quản lý đất đai đang để xảy ra tranh chấp địa giới, ranh giới hành chính; công tác quản lý tài chính từ hoạt động của HTX trước khi chuyển đổi...

Người dân cũng bức xúc về việc đánh giá và công nhận hộ nghèo hiện nay không quy định hạn mức về thời gian để thoát nghèo đang cản trở ý chí thoát nghèo, thậm chí có suy nghĩ nhỏ nhen muốn ở trong danh sách hộ nghòe để hưởng chính sách. Có một số ý kiến cũng đề cập đến công tác phát triển đảng viên, tìm chọn người gánh vác vai trò xóm trưởng; trình độ, năng lực cũng nhu chế độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở còn khó khăn...

Rõ việc, rõ trách nhiệm

Bằng tinh thần cởi mở, cầu thị, tôn trọng nhân dân, muốn lắng nghe đầy đủ và trực tiếp ý kiến của nhân dân, Thường trực Huyện ủy Nam Đàn cùng chính quyền địa phương dành lượng thời gian khá lớn để tất cả mọi người dân đến với hội nghị đối thoại có nhu cầu đều được nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời qua đối thoại làm rõ vấn đề, thỏa mãn mong muốn của nhân dân.

Theo đó, có khoảng 80% vấn đề chung được người đứng đầu Huyện ủy và người đứng đầu UBND huyện, Chủ tịch UBND xã trực tiếp đối thoại, giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Quang cảnh cuộc đối thoại. Ảnh: Mai Hoa
Quang cảnh cuộc đối thoại. Ảnh: Mai Hoa

Còn khoảng 20% vấn đề mang tính cụ thể cần có thời gian để xác minh, làm rõ, nhất là chính sách cho người có công, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở; khắc phục về cơ sở hạ tầng..., Thường trực Huyện ủy giao cho các cơ quan chức năng cấp huyện cùng với cấp ủy, chính quyền xã tiếp thu để giải quyết. Chẳng hạn trong việc cấp đổi GCNQSDĐ, trách nhiệm của cán bộ địa chính xã cùng với tuyên truyền thì tập trung hướng dẫn cho các hộ dân hoàn thiện các hồ sơ để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng như hiện nay, nhà được cấp 300, 700, 1.000 m2....

Khi có kết quả giải quyết sẽ gửi về cho xã để thông tin rộng rãi trên hệ thống đài phát thanh của xã để người dân biết. Huyện ủy và UBND huyện cũng sẽ giao cho Văn phòng 2 cơ quan theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị cấp huyện và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề nhân dân nêu tại cuộc đối thoại.

Không chỉ rõ việc, rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tại cuộc đối thoại, Thường trực Huyện ủy cũng làm cho nhân dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong nhiều vấn đề mà người dân nêu. Chẳng hạn, một ý kiến của người dân nêu rằng, không biết, trong xóm ai là hộ nghèo, hộ nghèo do ai chứng nhận, đã được Thường trực Huyện ủy trả lời và khẳng định, việc điều tra, đánh giá, công nhận hộ nghèo được làm theo đúng quy trình và công khai rộng rãi trong nhân dân, bản thân mỗi người dân phải có trách nhiệm tham gia, gắn bó với các cuộc sinh hoạt tại cộng đồng và cần có ý kiến phản hồi những vấn đề phát sinh ở cộng đồng lên cấp trên. Hay trong việc thực hiện các chính sách như đất đai, thì trước hết người dân cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu để nếu cán bộ cơ sở làm sai, làm không đúng thì kiến nghị, phản ánh lên cấp trên...

Người dân trao đổi sau khi được Thường trực Huyện ủy làm rõ các vấn đề liên quan đến việc cấp đổi GCNQSD đất ở. Ảnh: Mai Hoa
Người dân trao đổi sau khi được Thường trực Huyện ủy làm rõ các vấn đề liên quan đến việc cấp đổi GCNQSD đất ở. Ảnh: Mai Hoa

Đánh giá về cuộc đối thoại, ông Nguyễn Đình Hoan, 82 tuổi, ở xóm 2, cho rằng: Việc tổ chức cuộc đối thoại như thế này rất hữu ích và cần được duy trì. Người dân được trực tiếp nói thẳng những khúc mắc của mình; còn cấp ủy, chính quyền thì thấy rõ được những hạn chế từ chính các chủ trương, chính sách mà mình ban hành, cũng như hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp và năng lực, trách nhiệm của cán bộ thông qua nghe dân nói khách quan, chứ không phải nghe một cấp, tổ chức nào báo cáo mà nhiều khi phản ánh không khách quan, không đúng thực tế; từ đó điều chỉnh và rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Còn đối với cấp ủy, chính quyền, theo ông Nguyễn Lâm Sơn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn, trên cơ sở phản ánh của người dân, cho thấy nhiều chủ trương, chính sách ở các cấp chưa được chuyền tải, thông tin và triển khai một cách đầy đủ, kịp thời ở cơ sở. Và thông qua đối thoại trực tiếp những vấn đề nhân dân nêu, Thường trực Huyện ủy đã tuyên truyền và giải thích rõ cho người dân thấy rõ các chủ trương, chính sách. Chẳng hạn như chính sách làm nhà cho gia đình chính sách theo Quyết định 167 của Chính phủ, hiện tại toàn huyện có 2.500 đối tượng chính sách nhưng mới chỉ có 80 gia đình được thụ hưởng, bởi do Chính phủ chưa cân đối được nguồn lực để thực hiện chính sách này.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Lâm Sơn, thông qua đối thoại, cấp huyện và cấp xã cũng đã trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến lợi ích của dân; đây là giải pháp quan trọng giảm lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh ở cơ sở và vượt cấp lên cấp trên. Quan trọng hơn là tập trung tháo gỡ những vấn đề bất cập, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, góp phần củng cố, nâng cao, hiệu lực của bộ máy ở các cấp, nhất là cấp cơ sở; xây dựng phong cách gần dân, trọng dân, vì dân phục vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Đối thoại ở Nam Đàn: Cởi bỏ nhiều bức xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO