Đòn bẩy cho hoạt động công đoàn trong tình hình mới
(Baonghean.vn) - Xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Nghệ An lần thứ XVIII, vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác phân cấp quản lý, sử dụng tài chính giai đoạn 2018-2021. Các giải pháp phù hợp, khả thi được đề xuất, nhằm đảm bảo công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn đúng quy định, tạo quyền chủ động cho công đoàn cấp dưới hoạt động hiệu quả, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
Những hiệu quả rõ nét
Nhìn chung công tác phân cấp quản lý, sử dụng tài chính giai đoạn 2018-2021 đã thực sự chuyển biến mạnh mẽ về cả lượng và chất, giúp ban chấp hành, ban thường vụ xác định được thẩm quyền của mình trong quản lý thu, chi, tạo thế chủ động trong tổ chức hoạt động, cơ bản xóa được tình trạng cơ chế xin, cho. Ông Phan Văn Hồng - Trưởng ban Tài chính Liên đoàn Lao động tỉnh đánh giá: “Đơn vị công đoàn được phân cấp công tác tài chính xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong quản lý điều hành nguồn thu, chi tài chính công đoàn đảm bảo quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ công đoàn Việt Nam. Thực hiện tốt việc trích nộp, cấp kinh phí đúng quy định, quản lý chi tiêu tiết kiệm, cân đối nguồn tài chính và từng bước có tích lũy. Thu tài chính giai đoạn 2018-2021 bình quân đạt 110%, nguồn lực tài chính tích lũy của công đoàn các cấp tăng trưởng 212%. Bình quân tăng trưởng 29%/năm. Giai đoạn 2018-2021 việc phân phối nguồn tài chính giữa 3 cấp công đoàn có sự thay đổi lớn về nguồn tích lũy kết dư”.
Ông Phan Văn Hồng - Trưởng ban Tài chính Liên đoàn Lao động tỉnh đánh giá hiệu quả phân cấp tài chính công đoàn. Ảnh: Diệp Thanh |
Chia sẻ về chủ trương về phân cấp quản lý, sử dụng tài chính, ông Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam nhấn mạnh: “Đây là chủ trương đúng đắn, tăng tính chủ động, tăng dần tính chủ động, dần khắc phục được việc Liên đoàn Lao động tỉnh phải cấp bù kinh phí”.
Sau 4 năm phân cấp quản lý, sử dụng tài chính trên địa bàn, huyện Diễn Châu đã tạo được bước chuyển biến tích cực về nhận thức trong quản lý, điều hành nguồn lực đáp ứng phục vụ tốt hơn nhiệm vụ đề ra. Ông Phạm Đức Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu cho biết: “Nguồn thu hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch, đảm bảo được chỉ tiêu tài chính, các hoạt động công đoàn được nâng cao về cả số lượng và chất lượng do được đầu tư ngân sách phù hợp. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, cải tạo sửa chữa từng bước được quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm và đã được phân cấp cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định hiện hành. Việc triển khai thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua một tài khoản chung của Tổng Liên đoàn tại các ngân hàng nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ, hạn chế thất thu, công khai, minh bạch nguồn thu và phân phối nguồn thu kịp thời cho các cấp công đoàn, thuận lợi cho các doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn 2%, tạo chủ động cho công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động chăm lo quyền lợi cho đoàn viên và người lao động.
Công tác chỉ đạo thu tài chính công đoàn ngày càng được đổi mới, phân cấp triệt để với nhiều phương pháp, cách thức tổ chức nên tỷ lệ thu hàng năm của Diễn Châu đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao”.
Công tác tài chính là một trong những nội dung rất được quan tâm tại hội nghị ban chấp hành mở rộng. Ảnh: Diệp Thanh |
Cùng quan điểm, đồng chí Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương cho biết: “Phân cấp công tác quản lý, sử dụng tài chính của Liên đoàn Lao động tỉnh đã quy định cụ thể về phân cấp quản lý tài chính tài sản toàn diện cho đơn vị cấp trên trực tiếp cơ sở, từ đó tạo điều kiện cho đơn vị cấp dưới chủ động, tự chủ trong quản lý thu, chi, giảm bớt tình trạng cấp phát, xin cho. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ về nguồn kinh phí của chuyên môn, chính quyền và các tổ chức nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động của tổ chức công đoàn”.
Giải pháp trong tình hình mới
Trong những năm qua, nguồn lực tài chính - tài sản của công đoàn được phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, trong đó thu tài chính công đoàn tăng bình quân hàng năm 110%, có tăng trưởng. Cùng với việc cải thiện phương thức thu tài chính, công tác tài chính, tài sản cũng được chú trọng, việc chấp hành chế độ kế toán và các quy định về quản lý tài chính trong công tác giao dự toán, thực hiện dự toán, quyết toán từng bước đi vào nề nếp. Đồng thời, công tác xây dựng cơ bản được các cấp công đoàn quan tâm, nguồn vốn xây dựng cơ bản đã bố trí tập trung, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, nguồn tài chính công đoàn tích lũy và nguồn hỗ trợ khác.
Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam làm việc với các công đoàn cơ sở về vấn đề tài chính. Ảnh: ĐVCC |
Mặc dù vậy, theo đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, công tác phân cấp, quản lý, sử dụng tài chính tài sản công đoàn thời gian qua vẫn còn gặp phải những hạn chế. Đặc biệt là tài chính công đoàn còn để thất thu kinh phí, các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn còn chưa thu được kinh phí công đoàn theo quy định. Nguồn tích lũy có tăng trưởng song chưa mạnh, không ổn định, phân bổ không đều; công tác chỉ đạo thu kinh phí công đoàn qua tài khoản chung của Tổng Liên đoàn một số đơn vị chưa quyết liệt, đang còn có hiện tượng bằng lòng với kết quả thu kinh phí, đoàn phí, thiếu sự đôn đốc. Cùng với đó, việc quản lý nguồn tài chính còn xảy ra tình trạng ở một số đơn vị chi tiêu âm nguồn phải ứng trước cho các hoạt động từ nguồn khác. Việc phân phối được điều chỉnh hàng năm, song chưa phù hợp với đặc thù của một số đơn vị nhất là những đơn vị có địa bàn hoạt động rộng, đơn vị ít đoàn viên, người lao động…
Đồng chí Lê Thái Cường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Vinh chia sẻ thêm: “Tình trạng thất thu tài chính công đoàn là có, nhất là tỷ lệ thất thu kinh phí và đoàn phí công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn còn cao. Công tác quản lý tài chính công đoàn một số nơi còn lỏng lẻo, thực tế tại một số doanh nghiệp có tình trạng “lách luật”, không đóng đầy đủ kinh phí công đoàn dẫn đến tình trạng thất thu, chưa thực hiện được việc xử, phạt khi doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật”.
Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tài chính. Ảnh: Diệp Thanh |
Để xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn trong tình hình mới”.
Đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhấn mạnh: “Tạo nguồn thu ổn định, bền vững để xây dựng nguồn lực tài chính, tài sản công đoàn đủ mạnh, làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động công đoàn trong tình hình mới, cần quản lý, sử dụng, khai thác tốt nguồn lực tài chính, tài sản hiện có, quan tâm tiếp cận các nguồn thu từ xã hội hóa tạo nguồn lực đủ mạnh để tổ chức các hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó là tìm cách mở rộng phát triển nguồn lực tiềm năng trong tương lai. Để làm được những điều này, đội ngũ cán bộ công đoàn phải tư duy, đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, các cấp công đoàn cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ công tác tài chính công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch. Bên cạnh đó, tài chính, tài sản công đoàn cần được quản lý thống nhất, tập trung, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm… Tiếp tục bổ sung, sửa đổi quy định về phân cấp thu kinh phí công đoàn để khai thác tốt nguồn thu theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn, quan tâm công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về lao động, hoạt động công đoàn, chú trọng hình thức vận động thuyết phục đến người sử dụng lao động về đóng kinh phí công đoàn; có biện pháp xử lý phù hợp các doanh nghiệp cố tình không thực hiện việc trích đóng kinh phí công đoàn theo quy định...”.
Ngoài ra, người đứng đầu Công đoàn Nghệ An cũng cho rằng, để tránh lãng phí cần khai thác, quản lý tốt nguồn thu; chi tiêu tiết kiệm, đúng mục đích, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn; thu đúng, thu đủ, giảm thất thu. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế toán có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính, tài sản trong tình hình mới.