Đòn hạ bệ gián tiếp

03/10/2013 14:35

Việc Thủ tướng Enrico Letta lên lãnh đạo đất nước Italy hồi tháng 4-2013 từng được kỳ vọng khai thông bế tắc chính trị kéo dài ở quốc gia hình chiếc ủng này. Chưa đầy nửa năm, Chính phủ của ông Enrico Letta lại bị sụp đổ trước những đòn phản công mãnh liệt từ phe trung hữu của Italia, một đối tác trong liên minh cầm quyền. Điều đáng nói ở chỗ, nguyên nhân chính được cho dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Italia xuất phát từ cá nhân của người đứng đầu đảng trung hữu Nhân dân Tự do (PDL), cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Lãnh đạo đảng PDL Silvio Berlusconi (đứng giữa), người được cho là nguyên nhân khiến Chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta sụp đổ. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo đảng PDL Silvio Berlusconi (đứng giữa), người được cho là nguyên nhân khiến Chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta sụp đổ. Ảnh: Reuters

Ông Enrico Letta, Phó chủ tịch đảng Dân chủ Italia (PD), được Tổng thống tái nhiệm Giorgio Napolitano chỉ định làm Thủ tướng mới của Italia hồi tháng 4-2013, thay thế cho ứng viên Pier Luigi Bersani từ nhiệm ngay trước đó. Để thành lập được Chính phủ, đảng PD trung tả của ông Enrico Letta đã phải chấp nhận liên minh với đảng PDL trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, một đối thủ truyền thống. Thực tế, để thành lập được chính phủ liên minh, ông Enrico Letta đã phải nhượng bộ khá nhiều và đã ưu ái dành cho đảng của ông Silvio Berlusconi nhiều vị trí bộ trưởng trong nội các mới, đồng thời cũng hứa sẽ hủy bỏ thuế nhà ở và hoàn trả lại tiền thuế đã thu của người dân trong năm 2012.

Thế nhưng, sau gần nửa năm “chung sống không hòa bình”, ngày 28-9, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano thông báo tất cả 5 bộ trưởng của PDL, trong đó có ông, đã từ chức, “theo lệnh” của lãnh đạo PDL Silvio Berlusconi. Thông báo này được đưa ra sau khi ông Silvio Berlusconi "không chấp nhận" việc Thủ tướng Enrico Letta yêu cầu quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ liên minh tả-hữu hiện nay. Cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi cũng đổ lỗi cho chính phủ Italia hiện hành của Thủ tướng Enrico Letta tăng Thuế giá trị gia tăng (VAT), dự kiến có hiệu lực vào tuần tới, và cho rằng tăng VAT là một sự "vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận về thành lập chính phủ liên minh tả-hữu hiện nay".

Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, việc đổ lỗi trên chỉ là một cái cớ. Động cơ chính của ông Silvio Berlusconi và đảng PDL chính là việc gây sức ép đối với Thủ tướng Enrico Letta trước thời điểm Thượng viện Italy ngày 4-10 tới bỏ phiếu để khai trừ "ông trùm" của họ khỏi cơ quan lập pháp, dựa trên một đạo luật chống tham nhũng năm 2012.

Vấn đề khai trừ cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi khỏi cơ quan lập pháp phát sinh sau khi Tòa án Tối cao Italia ra phán quyết giữ nguyên mức án 4 năm tù giam đối với ông vì tội gian lận tài chính trong vụ mua bán bản quyền truyền hình công ty "Mediaset". Theo luật pháp Italia, những người đã bị kết án trên hai năm tù không được tham gia quá trình bầu cử. Điều này đồng nghĩa với việc ông Berlusconi sẽ bị tước quy chế nghị sĩ.

Tuy nhiên, cho đến nay, các thượng nghị sĩ thuộc đảng PDL ủng hộ ông Silvio Berlusconi vẫn muốn thuyết phục nghị viện rằng việc tước quy chế nghị sĩ của nhà tỷ phú này là không hợp pháp. Hơn thế nữa, các luật sư của ông Silvio Berlusconi còn đệ đơn kháng cáo phán quyết nêu trên lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, biện luận rằng phán quyết này đã vi phạm nhiều quy định của Công ước châu Âu về quyền con người.

Việc lãnh đạo phe trung hữu rút tất cả bộ trưởng của mình khỏi liên minh cầm quyền đã trở thành đòn gián tiếp hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta và đẩy nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu này vào khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng có thể sẽ khiến Italia phải tiến hành bầu cử sớm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực áp dụng cải cách cần thiết để đối phó với những vấn đề kinh tế của Italia, trong đó có nợ công, suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao ở người trẻ. Trong một tuyên bố chung, Hiệp hội ngân hàng và Hiệp hội bảo hiểm và công nghiệp Italia cảnh báo, một cuộc khủng hoảng chính phủ sẽ gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với Italia và có nguy cơ đẩy đất nước lại rơi vào vòng xoáy đi xuống, với những hậu quả lớn đối với các hộ gia đình và các công ty.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà phân tích ở Italia cho rằng, nếu ông Enrico Letta thu hút được sự ủng hộ của vài chục thượng nghị sĩ PDL "nổi loạn" hoặc các đảng đối lập khác, ông có thể thành lập một chính phủ liên minh mới. Nếu không, Tổng thống Giorgio Napolitano hoặc sẽ phải kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử mới hoặc phải đứng ra giám sát việc thành lập một chính phủ mới. Theo báo chí nước này ngày 29-9, Tổng thống Giorgio Napolitano đang nghiêng về khả năng tìm cách giám sát việc thành lập một liên minh mới. Tổng thống Giorgio Napolitano kêu gọi phải duy trì tính liên tục về chính trị ở Italy đồng thời nhấn mạnh rằng Italia cần một quốc hội để thảo luận và làm việc, chứ không phải một Quốc hội cứ thỉnh thoảng lại bị tan vỡ.

Theo QĐND - ĐT

Mới nhất

x
Đòn hạ bệ gián tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO