Dồn sức xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tiên
(Baonghean) - Sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thanh Tiên (Thanh Chương) dồn sức chỉ đạo quyết liệt để về đích nông thôn mới và quan tâm nâng cao chất lượng đời sống thu nhập cho người dân.
Chúng tôi về xã Thanh Tiên (Thanh Chương) trong niềm vui khi xã vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Văn Loan - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tiên chia sẻ: “Đó là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thanh Tiên vẫn đang còn một số nội dung, tiêu chí về cơ sở hạ tầng giao thông, trụ sở làm việc, sân vận động... chưa đạt.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy may xuất khẩu Venture Nghệ An tại xã Thanh Tiên (Thanh Chương). |
Trên cơ sở xác định rõ những việc cần tập trung hoàn thiện Ban Thường vụ Đảng ủy xã họp bàn, tập trung trí tuệ tập thể, xác định rõ các nguồn lực có khả năng huy động. Trong đó, giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trực tiếp vận động nguồn từ ngân sách, nhân dân đóng góp và kêu gọi con em xa quê hỗ trợ; đồng thời đốc thúc các khâu, phần việc để hoàn thiện các nội dung đề ra.
Bằng cách làm đó, chỉ trong thời gian ngắn, ngoài việc chỉ đạo thi công, đưa vào sử dụng trạm Y tế và Trường tiểu học 2 tầng, Trường Mầm non Thanh Tiên B, địa phương đã huy động được hàng chục tỷ đồng làm hơn 12 km đường GTNT; xây dựng trụ sở xã, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong quý I/2016. Riêng sân vận động xã có quy mô 18.000 m2, gồm 3 sân dành cho 3 môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông; hệ thống bờ bao với tổng kinh phí 5 tỷ đồng đang được triển khai.
Kinh nghiệm ở Thanh Tiên, đó là cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị quyết tâm cao, có cách làm cụ thể và trong mọi việc, cán bộ và đảng viên phải hăng hái đi đầu thì mọi việc sẽ thành công. Bên cạnh đó đảng bộ Thanh Tiên còn thể hiện sự nhạy bén của đảng với kinh tế thị trường, định hướng Đảng bộ xã trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đó là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất. Ưu tiên đưa các giống lúa lai có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất; đồng thời chuyển một số diện tích làm lúa không chủ động nước sang sản xuất rau màu hàng hóa, gồm rau các loại, dưa hấu, dưa chuột, bí..., cung cấp cho công nhân lao động nhà máy may xuất khẩu đóng trên địa bàn xã. Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa và tiếp tục vận động các hộ dân có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng nông hộ.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm theo hướng hàng hóa đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân. |
Đảng ủy xã lấy các xóm làm đơn vị chỉ đạo cụ thể nhằm biến các chủ trương, định hướng đó vào thực tiễn cuộc sống. Ở xóm 2, chi ủy đã lựa chọn mũi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bà con giảm diện tích sản xuất ngô, khoai lang trên đất màu chuyển sang làm rau màu hàng hóa phục vụ cho nhà máy may; đồng thời trồng cỏ voi để phát triển chăn nuôi bò lai sind, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân.
Bí thư chi bộ xóm 2, Trần Đức Bình, cho biết: Song song với những nét mới trong chỉ đạo sản xuất nêu trên thì việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất cũng tiếp tục được chi bộ quan tâm chỉ đạo. Còn ở Chi bộ xóm 4, mũi tập trung là phát triển chăn nuôi theo mô hình hộ gia đình. Theo Bí thư chi bộ, Lê Bá Hoàn, đến thời điểm này, chăn nuôi vẫn là mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho bà con. Mỗi gia đình chỉ cần nuôi 1 con dê đẻ, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 2 con; như vậy mỗi năm có 4 con dê, nuôi 4 tháng có khoảng 15 - 18 kg bán cũng thu về xấp xỉ 100 triệu đồng/năm. Hiện tại, ngoại trừ một số hộ là cán bộ hưu trí thì các hộ làm nông nghiệp ở xóm đều tổ chức chăn nuôi, trong đó có khoảng 26 hộ có 2 con bò đẻ trở lên, hộ nhiều nhất có 6 con bò đẻ; 20 hộ nuôi 2 con dê đẻ trở lên.
Ngoài ra, các hộ gia đình trong xóm còn nuôi lợn, gà cung cấp cho thị trường nội huyện và thành phố Vinh. Chi bộ cũng động viên nhân dân mở rộng ngành nghề, dịch vụ. Hiện tại, ở xóm đã hình thành được 5 tổ nề với 50 lao động tham gia; 3 cơ sơ sản xuất gạch không nung; 3 hộ kinh doanh vận tải và một số hộ gia đình làm nghề đánh bắt thủy sản, cào hến trên sông Giăng.
Nhiều hộ gia đình ở Thanh Tiên phát triển chăn nuôi gia súc có hiệu quả. |
Đồng chí Nguyễn Văn Loan - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Hiện tại ở Thanh Tiên, nhiều mô hình kinh tế mới trong trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả đang tiếp tục được nhân rộng. Nổi bật là mô hình trồng dâu nuôi tằm; phát triển đàn dê, bò, lợn, gà hàng hóa.
Trên địa bàn xã, dự án Nhà máy may xuất khẩu Venture Hà Lan đã hoàn thành giai đoạn I, đưa vào hoạt động, thu hút 800 lao động và đang hoàn thiện giai đoạn II để đảm bảo có tổng số 2.000 lao động vào làm việc. Đặc biệt tuyến đường từ trung tâm huyện đi khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ được mở rộng, nâng cấp và cầu Rạng được đưa vào sử dụng trong thời gian qua đã, đang tạo ra điều kiện, động lực để kinh tế dịch vụ - thương mại trên địa bàn xã trong tương lai gần phát triển mạnh mẽ hơn.
Và khi kinh tế phát triển sẽ càng có điều kiện để chăm lo phát triển văn hóa - xã hội một cách toàn diện và có chiều sâu. Hiện tại, cả 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt đơn vị văn hóa. Xã được công nhận xã chuẩn quốc gia về y tế và Trạm y tế xã là đơn vị văn hóa. Toàn xã có 9/13 xóm và 85% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa.
Kết quả hôm nay khẳng định bước đi, cách làm với tư duy mới ở Đảng bộ một xã thuần nông như Thanh Tiên để tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Minh Chi