Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Đào Văn Ngượi - cán bộ lão thành cách mạng của quê hương Anh Sơn

Ths.Hồ Thị Hải Liễu - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 29/10/2024 14:35

Dưới ảnh hưởng của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Đào Văn Ngượi và các thanh niên yêu nước tiến bộ ở Anh Sơn đã được giác ngộ và hăng hái tham gia các hoạt động tuyên truyền, các phong trào đấu tranh như rải truyền đơn, treo cờ đỏ nhân kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga...

Đồng chí Đào Văn Ngượi (1906-1988, bí danh Nhật, Hùng) sinh ra trong một gia đình bần nông tại làng Tào Điền, tổng Lạng Điền (nay là xã Tào Sơn) huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân, về tinh thần dũng cảm, bất khuất, giàu tình thương yêu để cho thế hệ chúng ta noi gương, học tập.

Tháng 9/1929, phong trào cách mạng ở Anh Sơn phát triển mạnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, phụ trách Kỳ bộ Trung Kỳ đã về Anh Sơn triệu tập hội nghị bí mật và tuyên bố thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí Thư, đồng thời vận động thành lập các hội quần chúng như: Nông hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Sinh hội, Hội tán trợ...

Dưới ảnh hưởng của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Đào Văn Ngượi và các thanh niên yêu nước tiến bộ ở Anh Sơn đã được giác ngộ và hăng hái tham gia các hoạt động tuyên truyền, các phong trào đấu tranh như rải truyền đơn, treo cờ đỏ nhân kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga...

Tháng 3/1930, Phủ ủy Anh Sơn được thành lập, đã thống nhất chuyển chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trên toàn phủ thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập Ban chấp hành liên chi ở các tổng. Làng Tào Điền nằm dưới sự chỉ đạo của Tổng ủy Lạng Điền do đồng chí Lê Văn Dư (Dục) làm Bí thư.

Nhiều chiến sĩ cộng sản trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ảnh minh họa
Nhiều chiến sĩ cộng sản trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ảnh minh họa

Được sự vận động, tuyên truyền và lãnh đạo của các đồng chí đảng viên trong Tổng ủy Lạng Điền, phong trào cách mạng của nhân dân xã Tào Điền trong giai đoạn này đã có những bước chuyển biến mới. Ngày 13/3/1930, đồng chí Đào Văn Ngượi và đông đảo nhân dân Lạng Điền tham gia tổ chức rải truyền đơn để phản đối thực dân Pháp đã xử chém hai cán bộ Nông hội Nghệ An là Nguyễn Đừu và Phan Hoàng Thân.

Tiếp đó, liên tục các cuộc đấu tranh của quần chúng diễn ra sôi nổi như: cuộc biểu tình ngày 1/6/1930, ngày 8/9/1930 tại truông Cồn Đọi, đoàn biểu tình rầm rập tiến bước và hô to khẩu hiệu “Đả đảo chế độ thực dân tay sai”… khiến kẻ thù hoang mang, lo sợ.

Tháng 9/1930, đồng chí Đào Văn Ngượi được kết nạp vào chi bộ Lương Điền [1] do đồng chí Hoàng Văn Bật làm Bí thư. Được sự phân công của chi bộ, đồng chí đã hăng hái tham gia công tác vận động, tổ chức xây dựng các cơ sở ấn loát, in ấn tài liệu tuyên truyền của Đảng, phân phát đến đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần làm cho quần chúng nhân dân nâng cao hiểu biết và giác ngộ tinh thần cách mạng.

Ngoài ra, đồng chí Đào Văn Ngượi còn đảm nhận vai trò phụ trách đội Tự vệ đỏ Tào Điền gồm 15 người, có nhiệm vụ bảo vệ Chi bộ Đảng, làm công tác trị an, trấn áp các phần tử phản động chống phá cách mạng. Để đối phó lại tinh thần đấu tranh của nhân dân, thực dân Pháp đã điều động binh lính đến bắt Đào Văn Ngượi đưa về đồn Phúc Yên tra khảo. Tại đây, chúng dùng mọi hình thức đánh đập, tra tấn, kìm kẹp hết sức dã man, kết hợp với việc mua chuộc, dụ dỗ, nhưng bọn chúng không thể làm lay chuyển được ý chí kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, chúng buộc phải thả tự do cho đồng chí.

Lo sợ trước làn sóng đấu tranh của quần chúng nhân dân, thực dân Pháp đã tiến hành chính sách khủng bố tàn bạo, gây nhiều tổn thất cho Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng bị tàn sát dã man, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt. Đến cuối tháng 6 năm 1931, đồng chí Đào Văn Ngượi bị bắt giam 2 năm (từ tháng 6/1931 – đến tháng 6/1933) tại nhà lao Thịnh Đức. Hết hạn tù, đồng chí về địa phương và tham gia tổ chức may mặc.

Tháng 2/1945, đồng chí Lê Đình Bá - cán bộ Việt Minh huyện Anh Sơn về xã Tào Điền gặp đồng chí Đào Văn Ngượi để bàn về kế hoạch xây dựng phong trào. Tháng 6/1945, chi bộ Đảng đã quyết định thành lập đội Tự vệ vũ trang để chuẩn bị lực lượng giành chính quyền. Số lượng tự vệ của xã Tào Điền có tới 30 người. Đồng chí Đào Văn Ngượi là đảng viên sang huấn luyện chiến thuật cho đội Tự vệ và kết hợp với hội Thanh niên, Nông dân, Phụ nữ… tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình.

Chiều ngày 23/8/1945, Chi bộ Hưng Nguyên họp (2), nhận định tình hình và ra nghị quyết thành lập Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Đào Văn Ngượi được bầu làm ủy viên, phụ trách Tự vệ. Chi bộ cũng chỉ định Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Tào Điền gồm 5 đồng chí, trong đó Đào Văn Ngượi làm Ủy viên quân sự.

Đúng 9 giờ sáng 25/8/1945, thực hiện kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa, Ban vận động Việt Minh xã Tào Điền, khắp các thôn làng, ngõ xóm nhân dân tập trung về đình làng tham gia mít tinh. Đồng chí Đào Văn Ngượi được Ủy ban Khởi nghĩa giới thiệu lên đứng lên diễn thuyết. Cuối buổi mít tinh, đồng chí Đào Văn Ngượi dẫn đội tự vệ vũ trang đi về các nhà lý trưởng, chánh phó tổng, ngũ hương để tịch thu dấu, sổ sách, tài liệu đem về giao cho Ủy ban Cách mạng lâm thời. Tiếp đó, đồng chí được giới thiệu vào Ủy ban Cách mạng lâm thời của xã Tào Điền.

Với uy tín và những đóng góp lớn lao của mình cho phong trào cách mạng địa phương, từ tháng 2/1946 đến tháng 11/1946, đồng chí Đào Văn Ngượi được bầu làm Bí thư Chi bộ Tào Điền. Đồng chí đã đem hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những giai đoạn của cách mạng Việt Nam, gắn liền với những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc. Đồng chí Đào Văn Ngượi đã được Đảng, Nhà nước công nhận là 1 trong 15 đồng chí Cán bộ lão thành cách mạng của xã Tào Sơn(3).

----

Chú thích

[1] Chi bộ Lương Điền bao gồm đảng viên hai xã Tào Sơn và Lạng Sơn.

2 Chi bộ Hưng Nguyên trang 59, Lịch sử Đảng bộ xã Tào Sơn (1930 – 2015) NXB Hồng Đức

3 Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tào Sơn 1930 - 2005, NXB Văn Hóa - Thông Tin, tr. 181.

Tài liệu tham khảo:

Lịch sử Đảng bộ huyện Anh Sơn 1930 - 1963, NXB Nghệ An 2005.

Lịch sử Đảng bộ xã Tào Sơn 1930 - 2015, NXB Văn Hóa - Thông Tin.

Lời kể, tư liệu của Bà Hoàng Thị Nhung, con dâu của đồng chí Đào Văn Ngượi.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-dao-van-nguoi-nguoi-can-bo-lao-thanh-cach-mang-cua-que-huong-anh-son
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-dao-van-nguoi-nguoi-can-bo-lao-thanh-cach-mang-cua-que-huong-anh-son
Đồng chí Đào Văn Ngượi - cán bộ lão thành cách mạng của quê hương Anh Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh