Đồng chí Phạm Hồng Thái (1895-1924): Người con anh hùng của quê hương Xô viết
Phạm Hồng Thái tên thật là Phạm Thành Tích, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước tại làng Xuân Nha, tổng Văn Viên, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên), tỉnh Nghệ An.
Ông nội là Phạm Trung Truyển, bố là Phạm Thành Mỹ có đỗ đạt trong các kỳ thi nhưng chỉ được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm những chức quan nhỏ coi sóc việc học hành. Ông nội và bố Phạm Thành Tích có tinh thần yêu nước, nhưng họ yên lòng với nghề nghiệp và chí thú với gia đình. Vì lẽ đó, nên Vua Tự Đức đã ban thẻ bài ngà cho ông nội anh với 8 chữ: “Quốc sủng gia phong, khai hoa, kế nghiệp”. Bố anh tuy làm chức Huấn đạo, nhưng ông là một thân sĩ tích cực của phong trào Văn thân chống Pháp.
Phạm Thành Tích từ nhỏ rất chăm làm, chăm học. Năm 14, 15 tuổi anh ra Thất Khê ở với bố để học thêm. Sau đó, anh xin sang học chữ Pháp tại Trường Pháp - Việt, nhưng được mấy năm thì anh bỏ học vì thấy người Pháp lấy giáo dục nô lệ làm chính. Về quê, anh đi làm để giúp đỡ gia đình và cũng bắt đầu quá trình thực hiện chí hướng lớn của mình.
Từ năm 1919, Phạm Thành Tích đổi tên là Phạm Thành Khôi. Anh xin vào làm công nhân trong các nhà máy ở Vinh Bến - Thủy như Nhà máy Điện, Nhà máy Diêm và Nhà máy Sửa chữa xe lửa Trường Thi. Anh trở thành nhân tố tích cực trong việc vận động công nhân đình công và biểu tình. Bị bọn chủ các nhà máy sa thải, anh lên tận tỉnh Bắc Cạn làm công nhân mỏ kẽm rồi xuống Hải Phòng làm công nhân nhà máy xi măng.
Với đời thợ ở đâu dù chỉ 6 tháng hoặc một vài năm, nhưng ở đâu Phạm Thành Khôi cũng tìm đọc các tài liệu và báo chí tiến bộ trong và ngoài nước, bí mật tổ chức giác ngộ cho anh em công nhân hiểu về tình cảnh đời thợ, bản chất bóc lột của bọn chủ xưởng và chính sách cai trị của thực dân Pháp.
Ngày 17/2/1924, Phạm Thành Khôi đổi tên là Phạm Hồng Thái cùng một số thanh niên yêu nước trong vùng bí mật sang Xiêm. Tới Trại Cày của Đặng Thúc Hứa, anh được giới thiệu qua Quảng Châu (Trung Quốc). Tại Quảng Châu, anh gia nhập tổ chức “Tâm Tâm xã” do một nhóm 7 người thanh niên yêu nước Việt Nam thành lập năm 1923.
Tổ chức “Tâm Tâm xã” chủ trương gây một tiếng nổ lớn để thức tỉnh quốc dân đồng bào trong nước và chấn động dư luận quốc tế. Nhân dịp Toàn quyền Méc-lanh trên đường đi Nhật ghé qua Trung Quốc, "Tâm tâm xã" chuẩn bị kế hoạch ám sát viên Toàn quyền này và Phạm Hồng Thái xung phong nhận nhiệm vụ đó.
Ngày 19/6/1924, Méc-lanh dự tiệc chiêu đãi của nhà đương cục Pháp tại khách sạn Victoria, thuộc tô giới của Pháp. Mặc dù khách sạn được canh phòng cẩn mật, nhưng trong vai một ký giả, Phạm Hồng Thái đã lọt qua vọng gác. Khi bữa tiệc bắt đầu, đồng chí ném một quả tạc đạn vào bàn tiệc làm chết và bị thương khoảng chục vị quan khách, nhưng Méc-lanh chỉ bị thương nhẹ.
Trước sự vây bắt của kẻ thù, đồng chí Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang. Nhưng do ở khu vực này dòng chảy quá xiết, đồng chí đã hy sinh anh dũng. Thi hài Phạm Hồng Thái được Chính phủ Tôn Trung Sơn cải táng tại ngọn núi trước Hoàng Hoa Cương, là nơi phần mộ của 72 liệt sĩ cách mạng Trung Quốc.
Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái đã gây nên niềm kính phục và thức tỉnh lòng yêu nước của hàng vạn đồng bào trong nước. Chính ý nghĩa đó, mặc dù không tán thành chủ trương ám sát cá nhân của "Tâm Tâm xã", nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc vẫn đánh giá rất cao hành động dũng cảm của Phạm Hồng Thái; Người viết: “…Việc đó tuy nhỏ, nhưng nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én báo hiệu mùa Xuân”.