Đồng chí Phan Gần, người chiến sĩ bền gan, vững chí trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Là một trong những người hoạt động tích cực trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Phan Gần bị thực dân Pháp bắt. Trước lúc bị địch xử bắn, đồng chí Phan Gần hô to: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Đồng chí Phan Gần sinh năm 1910 [1], trong một gia đình nghèo tại xóm Làng Sau (nay là làng Đỉnh Lự), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ ông đã mồ côi mẹ, hai cha con nương tựa vào nhau ở đình Đỉnh Lự sống qua ngày. Thân phụ của đồng chí Phan Gần là ông Phan Cần, làm nghề seo mõ nên dân làng ở đây gọi ông là ông Seo Mõ. Hàng đêm, ông Seo Mõ đi đơm tôm, cá kiếm tiền nuôi người con trai duy nhất là đồng chí Phan Gần.
Vào mỗi buổi sáng, sau khi bố đưa tôm, cá về, Phan Gần lại đem đi bán rong ở chợ và trong làng. Khi bán xong, Phan Gần lại lân la đến nhà ông Hoàng Lạc học lỏm chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Cảm phục trước tấm lòng hiếu học của người học sinh nghèo, ông Hoàng Lạc đã lấy giấy bút và cho Phan Gần vào học cùng lớp với con trai mình.
Bên cạnh dạy chữ, hai anh em thầy Hoàng Lạc, Hoàng Liên còn dạy Phan Gần kỹ thuật bắn súng và huấn luyện các động tác võ thuật tay không. Khi Phan Gần đã đọc thông viết thạo, tinh thông võ thuật, nhận thấy tư chất thông minh, sáng dạ và ý chí kiên cường của người học trò nhỏ, thầy giáo Hoàng Lạc đã giác ngộ cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước và giới thiệu Phan Gần tham gia vào tổ chức yêu nước.
Đầu năm 1928, tiểu tổ Tân Việt ra đời ở thôn Đỉnh Lự, những thanh niên trí thức yêu nước trong làng đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng như: Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Kỳ, Hoàng Liên, Mai Cát, Mai Đỉnh, Nguyễn Cứ, Nguyễn Cường, Nguyễn Thân… Được sự giới thiệu của thầy giáo, Phan Gần được kết nạp vào tổ chức Tân Việt. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Tân Việt, các hội biến tướng như: hội lợp nhà, hội đưa đám… cũng được lập ra để giúp nhau trong sinh hoạt và dựa vào đó tuyên truyền cách mạng.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 4/1930, Đảng bộ huyện Can Lộc cũng chính thức được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Hữu Thiều (quê ở Anh Sơn, Nghệ An) [2] - Bí thư Tỉnh bộ Lâm thời Hà Tĩnh.
Đến cuối tháng 4/1930, Chi bộ thôn Đỉnh Lự chính thức được thành lập, gồm 5 đồng chí: Mai Cát, Nguyễn Cứ, Hoàng Khoái Lạc, Mai Đỉnh và Hoàng Kỳ. Đồng chí Hoàng Khoái Lạc được bầu làm Bí thư Chi bộ.
Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Can Lộc, công tác phát triển đảng viên được Chi bộ Đỉnh Lự triển khai nhanh chóng, kịp thời. Thời gian này, nhiều thanh niên yêu nước có ý thức giác ngộ cách mạng được giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng như đồng chí: Phan Gần, Chu Huệ, Chu Thê, Lê Viết Hanh…
Hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy, Tỉnh ủy về việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5), các Chi bộ Đảng ở Đỉnh Lự, Kim Chùy cùng nhiều chi bộ ở tổng Lai Thạch đã rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh ủng hộ cách mạng.
Nhằm hưởng ứng cuộc đấu tranh của công - nông Vinh - Bến Thủy, từ mờ sáng ngày 1/8/1930, trên 500 nông dân tổng Phù Lưu và tổng Lai Trạch tập trung tại Truông Gió (Hồng Lộc), sau khi nghe đồng chí Hoàng Khoái Lạc nói rõ ý nghĩa ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc và vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, đồng chí Phan Gần hòa vào quần chúng cách mạng đã kéo lên huyện đường đưa yêu sách. Vừa đi đoàn biểu tình vừa hô vang khẩu hiệu: Đánh đuổi thực dân Pháp, giảm sưu thuế, bỏ thuế chợ, thuế đò…
Được tin quần chúng đấu tranh, tri huyện Trần Mạnh Đàn vội vã điều lính ra đối phó. Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, tri huyện không dám đàn áp và ký vào bản yêu sách 10 điểm mà quần chúng đưa ra và hứa 10 ngày sau sẽ trả lời.
Sau cuộc biểu tình ngày 1/8, địch ra sức lùng sục và bắt bớ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh, nhiều đảng viên trong làng đã bị bắt như đồng chí Mai Cát, Hoàng Liên, Mai Kính, Nguyễn Đình Cứ…
Cuối năm 1930, đồng chí Phan Gần được giao nhiệm vụ xử tử tên tay sai Vạn Phổng đóng tại điếm canh bến đò Thuần Thiện ở Can Lộc. Được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng, đồng chí Phan Gần cùng đồng chí Cu Huề ngày đêm tìm cách tiêu diệt mục tiêu. Vào một đêm mưa rét cuối tháng 11, khi bọn lính đang đánh tổ tôm, hai người bò sát điếm canh, sau khi xác định được mục tiêu ám sát, đồng chí Phan Gần đã nổ súng tiêu diệt Vạn Phổng, một tên có nhiều nợ máu với nhân dân Can Lộc, sau đó rút chạy về làng Phù Lưu ẩn nấp.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng tại Can Lộc, thực dân Pháp ra sức tăng cường củng cố lực lượng, chúng đưa lính về đóng đồn ở khắp nơi. Lúc cao nhất ở Can Lộc địch đã dựng lên 37 đồn binh và đồn bang tá, với hơn 900 lính lê dương, 141 điếm canh [3].
Thực dân Pháp thi hành chính sách “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, vì vậy, thời gian này nhiều đảng viên đã sa vào tay giặc, điển hình là cuộc vây bắt ngày 14/4/1931, từ giếng Giần đến Cầu Trọt bọn địch đã bắt 38 người, trong đó có 12 đảng viên và 26 quần chúng...[4].
Sự khủng bố dã man của kẻ thù càng tăng thêm tinh thần yêu nước của các đảng viên và quần chúng nhân dân. Vì vậy, tối 15/8/1931 (âm lịch) dưới sự chỉ huy của đồng chí Phan Gần, quần chúng cách mạng tập trung tiến về bao vây nhà Nguyễn Bia – tên chỉ huy chính. Do Nguyễn Bia vắng nhà nên đội quân chỉ tiêu diệt được hai tên tay sai đắc lực của hắn. Trong lúc chiến đấu với kẻ thù, đồng chí Phan Gần đã bị thương và được ông Bùi Vơn đưa về hậu cứ.
Sau cuộc vây bắt này, thực dân Pháp lại càng đàn áp dã man, chúng vây chặt từng nhà dân nhằm “tát cạn ao mà bắt cá”, hòng ly khai cộng sản. Chỉ sau một thời gian ngắn, cán bộ, đảng viên, các tổ chức, đoàn thể ở xã bị bắt gần hết chỉ còn lại rất ít đảng viên trốn thoát như: Phan Gần, Nguyễn Huyền, Nguyễn Nhật…
Đứng trước sự truy lùng gắt gao của địch, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương rút lui vào hoạt động bí mật vào khu vực rừng núi. Trong thời gian này, nhờ sự nuôi giấu và che chở của nhân dân, đồng chí Phan Gần đã tránh được sự truy bắt của kẻ địch.
Cuối năm 1931, trước sự truy lùng gắt gao của địch, đồng chí Phan Gần, Lê Lộc, Trần Xu, Nguyễn Tâm, Nguyễn Tại đã phải xuất dương sang Xiêm (Thái Lan) để tạm lánh và bắt liên lạc với Đảng bộ hải ngoại.
Đến giữa năm 1933, ba đồng chí Phan Gần, Lê Lộc, Trần Xu được giao nhiệm vụ trở về nước. Về tới Truông Bát (Hương Khê – Hà Tĩnh) thì đồng chí Trần Xu, Lê Lộc bị sa vào tay giặc. Đồng chí Phan Gần trốn thoát đã trở về Đỉnh Lự bắt liên lạc với đồng chí Mai Cát, Nguyễn Cứ để lập lại Chi bộ Đảng và tìm cách bắt mối liên lạc với các đồng chí ở Thạch Hà, Nghi Xuân và các huyện khác để khôi phục các cơ sở Đảng.
Để dễ bề đi lại trong các làng, Phan Gần đã cải trang là lính khố lục, hai túi quần dắt 2 khẩu súng, tay cầm thẻ bài của quan tuần vũ đi khắp các làng, xã để bắt mối liên lạc, tìm cách tổ chức hội nghị tái lập Tỉnh ủy lâm thời.
Trong một đêm mưa gió cuối tháng 8/1933, sau khi họp ở chùa Tiên về, Phan Gần nghỉ lại tại nhà ông Nguyễn Tuân, người làng Vĩnh Hòa thì bất ngờ bị thực dân Pháp cho lính xông vào bắt và đưa vào giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Những ngày bị giam cầm dù bị tra tấn dã man nhưng không thể khuất phục được ý chí kiên trung của người đảng viên cộng sản, đồng chí vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Chi bộ Đảng tại nhà lao Hà Tĩnh.
Biết không thể thoát khỏi án tử, Phan Gần đã tìm cách báo với những người ở ngoài rằng: “Tôi thể nào cũng bị tử hình, vậy các đồng chí xem còn vụ nào mà bọn mật thám còn tra khảo, đánh đập các đồng chí đảng viên khác thì hãy nói để tôi nhận về phần tôi cho các đồng chí đó thoát nạn” [5] .
Biết không thể khai thác được gì từ người chiến sĩ cộng sản kiên trung, ngày 19/10/1933, thực dân Pháp đã đưa đồng chí về tại Rú Bin ở làng Đỉnh Lự xử bắn. Về với nơi chôn rau cắt rốn của mình, đồng chí Phan Gần yêu cầu bọn lính tháo khăn bịt mắt và bịt miệng để được nhìn quê hương, làng xóm lần cuối. Trước lúc bị bắn, đồng chí hô to: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Đồng chí Phan Gần ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, nhân dân Đỉnh Lự vô cùng thương tiếc. Đồng chí hy sinh là tổn thất cho Đảng, cho cách mạng. Cả cuộc đời sống, chiến đấu của đồng chí Phan Gần mãi mãi được các thế hệ ghi nhớ, tri ân.
------
[1] Theo hồi ký cách mạng số 105, lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
[2] Đồng chí Trần Hữu Thiều (1906-1931), bí danh là: Trần Lan, Nguyễn Trung Thiên, Trần Thiều, quê ở làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn (nay là xã Lĩnh Sơn, huyên Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Cuối tháng 3/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều đã triệu tập Hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh tại bến đò Thượng Trụ (tổng Nội ngoại nay là xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Đồng chí là Bí thư lâm thời tỉnh Hà Tĩnh năm 1930.
[3] Theo Lịch sử Đảng bộ xã Tân Lộc. NXB Lao Động, Hà Nội 2012.
[4] Theo Lịch sử Đảng bộ xã Tân Lộc. NXB Lao Động, Hà Nội 2012
[5] Hồi ký lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tài liệu tham khảo:
- Hồi ký đồng chí Phan Gần - lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. NXB Chính trị Quốc gia- Hà Nội 1993
- Lịch sử Đảng bộ xã Tân Lộc. NXB Lao Động- Hà Nội 2012