Đồng chí Phan Xuân Vụ - tấm gương kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Đồng chí Phan Xuân Vụ là tấm gương sáng về nghị lực cũng như khí tiết kiên trung, một lòng theo Đảng của người cộng sản quê hương Nghệ Tĩnh.
Đồng chí Phan Xuân Vụ quê ở làng Đoái Hạ, tổng Vân Tán (nay là thôn Nam Thành, xã Cẩm Dương), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Chứng kiến cuộc sống khổ cực của bà con nhân dân Vân Tán nói riêng, Cẩm Xuyên nói chung trước ách đô hộ và bóc lột của chế độ thực dân phong kiến Nam Triều, ngay từ nhỏ, đồng chí Phan Xuân Vụ đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc.
Cuối năm 1928, Cẩm Dương đã thành lập được 1 chi bộ của Tân Việt cách mạng Đảng do đồng chí Đặng Trọng Phượng làm Bí thư. Nhờ những hoạt động của hội, tư tưởng yêu nước tiến bộ đã ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến người thanh niên yêu nước Phan Xuân Vụ.
Cuối tháng 3/1930, sau khi Đảng bộ Lâm thời Hà Tĩnh ra đời, đồng chí Trần Hữu Thiều đã về bắt liên lạc với một số thanh niên yêu nước và phát triển phong trào cách mạng Cẩm Xuyên. Ở Cẩm Dương lúc này tuy chưa phát triển đảng viên và chưa có chi bộ cộng sản, song đồng chí Phan Xuân Vụ và các thanh niên yêu nước trong làng như Đặng Trọng Phượng, Nguyễn Văn Hoan… đã chủ động bắt liên lạc với các đồng chí huyện ủy viên, tỉnh ủy viên để hoạt động.
Được sự giác ngộ và hướng dẫn của các đồng chí đảng viên, vào những ngày cuối tháng 3/1930, dưới hình thức mở lò rèn, tổ chức Nông hội đỏ ở Cẩm Dương được thành lập. Nông hội đỏ Cẩm Dương gồm 3 đồng chí: Đồng chí Đặng Trọng Phượng (được bầu làm tổ trưởng), đồng chí Phan Xuân Vụ và Nguyễn Văn Hoan.
Sau khi thành lập, đồng chí Phan Xuân Vụ và Nông hội đã nhanh chóng tiến hành công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng. Nhờ hoạt động tích cực của các đồng chí, chỉ trong một thời gian ngắn, những quần chúng có cảm tình với Đảng, với cách mạng đã được giác ngộ và kết nạp vào hội.
Nhà của đồng chí Phan Xuân Vụ ở vị trí khuất nẻo gần chân núi, là một trong những địa điểm hội họp và trao đổi thông tin đấu tranh của hội. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy chuẩn bị cho cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày quốc tế chống chiến tranh đế quốc (1/8/1930), Nông hội đã tổ chức cuộc họp tại nhà đồng chí Phan Xuân Vụ để bàn kế hoạch cụ thể.
Sáng 1/8/1930, đồng chí Phan Xuân Vụ cùng các đồng chí trong Nông hội đã vận động hàng trăm nông dân Đoái Hạ phối hợp với nhân dân các tổng Canh Hoạch, Vĩnh Luật (Thạch Hà), tổng Phù Lưu, Lai Thạch (Can Lộc) kéo về huyện lỵ Can Lộc biểu tình đưa yêu sách. Đồng chí Phan Xuân Vụ không chỉ là người vận động, hướng dẫn mà còn là một chiến sĩ tham gia tích cực trong cuộc biểu tình này.
Hưởng ứng cuộc biểu tình ngày 8/9/1930 của nhân dân Cẩm Xuyên do đồng chí Nguyễn Đình Liễn chỉ huy, sáng 9/9/1930, khi đồng chí Trần Hữu Chương, Phạm Thể lãnh đạo hơn 500 quần chúng Nhượng Bạn kéo ra thị xã Hà Tĩnh biểu tình, đồng chí Phan Xuân Vụ và Nông hội đã kêu gọi nhân dân Đoái Hạ nhanh chóng nhập vào đoàn. Khi đoàn biểu tình đi đến Quán Kho (xã Cẩm Thành), bọn giám binh đã đưa lính đến đàn áp.
Không hề run sợ, đồng chí Phan Xuân Vụ và quần chúng nhân dân vẫn hiên ngang hô to các khẩu hiệu đấu tranh. Kẻ địch đã thẳng tay nổ súng vào đoàn người khiến 7 người chết và nhiều người bị thương. Trước tình thế không cân sức, các đồng chí đảng viên và Nông hội đã hướng dẫn nhân dân tạm thời rút lui.
Cuối tháng 3/1931, Chi bộ làng Đoái Hạ được thành lập do đồng chí Phan Xuân Thạo làm Bí thư. Đồng chí Phan Xuân Vụ - Ủy viên Nông hội với những đóng góp của mình cho phong trào cách mạng địa phương đã được kết nạp vào chi bộ và chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Sau khi thành lập, Chi bộ Đoái Hạ đã tiếp tục lựa chọn nhà đồng chí Phan Xuân Vụ là một trong những địa điểm hội họp và là cơ sở in ấn bí mật của tổ chức. Tại nhà đồng chí Phan Xuân Vụ, nhiều kế hoạch đấu tranh của Chi bộ làng Đoái Hạ đã được diễn ra như: Cuộc biểu tình thị uy, biểu dương lực lượng phối hợp với hơn 600 quần chúng của tổng Vân Tán và tổng Hạ Nhất (Cẩm Xuyên) vào cuối tháng 3/1931, cuộc mít tinh rải truyền đơn, cắm cờ Đảng tại Động Đồn (Cẩm Hòa) nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931…
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng tại Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã thi hành nhiều chính sách nhằm khủng bố trắng. Đến cuối tháng 12/1931, đồng chí Phan Xuân Vụ bị địch bắt giam tại đồn Yên Dượng. Sau một thời gian tra tấn, dụ dỗ nhưng vẫn không khai thác được gì, đầu năm 1932, địch buộc phải thả đồng chí về địa phương.
Sau khi ra tù, đồng chí Phan Xuân Vụ, Phan Xuân Thạo và một số đồng chí đảng viên khác đã bắt liên lạc và khôi phục lại Chi bộ Đảng làng Đoái Hạ để tiếp tục hoạt động. Khi phong trào mới được phục hồi thì thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Nam Triều đã tiếp tục điều lính khố xanh về truy nã và bắt bớ các đồng chí đảng viên. Bị chỉ điểm, đồng chí Phan Xuân Vụ bị địch bắt giam, tra tấn tại đồn Yên Dượng.
Ra tù, đồng chí Phan Xuân Vụ tiếp tục bắt mối liên lạc và hoạt động năng nổ trong phong trào cách mạng dân chủ 1936-1939 tại địa phương. Đồng chí Phan Xuân Vụ và các đồng chí Đặng Quốc Kỵ, Phan Xuân Cái là người phụ trách các hội biến tướng tổ chức cho nhân dân học chữ Quốc ngữ, đọc sách, báo, nghe thơ ca tiến bộ… tại địa phương.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Xuân Vụ là tấm gương sáng về nghị lực cũng như khí tiết kiên trung một lòng theo Đảng của người cộng sản quê hương Nghệ Tĩnh. Với những đóng góp của mình cho cách mạng địa phương, đồng chí Phan Xuân Vụ đã được Đảng và Nhà nước công nhận là 1 trong 9 đồng chí cán bộ lão thành cách mạng của xã Cẩm Dương [1].
-----
Chú thích:
[1] Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Dương (1930 – 2005), CT Cổ phần in Thăng Long, Tp. Hà Tĩnh, 2012, tr.227.