Sáng mãi ngọn lửa thiêng

Tỏa sáng tinh thần Xô viết trong chốn lao tù

Thanh Quỳnh 02/11/2024 21:18

Chất thép của người chiến sĩ cộng sản xứ Nghệ chưa bao giờ tỏa sáng mạnh mẽ đến thế trong chế độ lao tù. Khi bị giam cầm, tra tấn, họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, để từ đó tôi luyện nên những hạt giống đỏ cho những cao trào 1936 - 1939 và 1939 - 1945. Khí chất ấy đã trở thành biểu tượng của vùng đất xứ Nghệ, trở thành động lực mạnh mẽ, hun đúc tinh thần cách mạng cho các thế hệ về sau.

Những chế độ lao tù khắc nghiệt

Nếu ai đã từng đi qua con đường Đào Tấn của thành phố Vinh, hẳn sẽ có lúc dừng bước tò mò trước chứng tích bốt gác của Nhà lao Vinh. Dù rằng, bốt gác nay chẳng còn nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu, nhưng nó là minh chứng của một giai đoạn lịch sử đầy hào hùng của dân tộc, đặc biệt là trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tìm hiểu về bốt gác này tại Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An, được biết, đây là phần kiến trúc còn lại duy nhất của Nhà lao Vinh. Công trình này hình thành từ năm 1804, là nơi chính quyền phong kiến, thực dân từng giam giữ nhiều thế hệ chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Nơi đây đã diễn ra những cuộc đấu tranh quyết liệt chống chế độ hà khắc trong nhà tù. Những thế hệ tù nhân tại đây nhất là tù chính trị, mặc dù phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian” thế nhưng họ đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, nghị lực phi thường trong đấu tranh cách mạng.

img_0428.jpg
Chứng tích Bốt gác Nhà lao Vinh trên đường Đào Tấn, TP Vinh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cùng với Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn) và Thừa Phủ (Huế), Nhà lao Vinh đã trở thành một trong những nhà lao trọng yếu trong hệ thống nhà tù của thực dân. Từ năm 1928-1929, Nhà lao Vinh đã trở thành công cụ đắc lực của thực dân - phong kiến hòng đối phó với tình hình chính trị mới khi quần chúng lao khổ sẵn sàng đứng lên để chống lại ách áp bức bóc lột.

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra và phát triển mạnh mẽ ở nhiều huyện trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chính quyền thực dân - phong kiến đã điên cuồng tiến hành khủng bố trắng, hòng dập tắt phong trào cách mạng. Tính đến năm 1932, tỉnh Nghệ An có 6.681 người bị bắt giam và 1.500 người bị giết chết.

hình ảnh mô phỏng tại bảo tàng
Ảnh chụp lại sa bàn mô phỏng tại toàn cảnh Nhà lao Vinh tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trong cuốn “Nhà lao Vinh” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An xuất bản năm 2005 đã viết về giai đoạn này như thế: “Chưa bao giờ Nhà lao Vinh lại chật chội, ô uế, ngột ngạt như lúc này “Không kể xà lim, các buồng giam tù chính trị khác không dưới một trăm rưỡi người mà được phát 6 chiếc mâm gỗ, 36 cái bát sành và 4 ấm đất đựng nước uống. Anh em tù nhân không đủ chỗ đứng cũng như không thể giơ cánh tay lên mà đút nổi miếng cơm vào miệng…”

Tù chính trị tại Nhà lao Vinh phải đi lao động khổ sai khắp nơi dưới những trận đòn roi đánh đập hết sức thậm tệ. Trong lao tù, chính quyền thực dân - phong kiến đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn tàn bạo như: lấy điện dí vào người; bắt tù nhân lột trần, sau đó đổ xà phòng lên bụng rồi dùng giày đinh dẫm lên bụng cho máu mồm, máu mũi tuôn chảy. Không chỉ đánh bằng roi vọt, chúng còn dùng đinh đóng vào gậy để đánh người tù, mỗi lần quất gậy xuống nhấc gậy lên là thịt da của người tù móc ra theo roi, máu từ chỗ bị đánh chảy ra thấm ướt cả sàn nhà.

thành cường
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tái hiện chế độ lao tù khắc nghiệt đối với các chiến sĩ tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị bắt giam, tù đày tại Nhà lao Vinh. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Hoàn cảnh đó, không chỉ diễn ra tại Nhà lao Vinh, bởi các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh bị bắt giam, kết án và đưa đi lưu đày khắp các nhà tù trên cả nước, trong đó có Ngục Kon Tum (hay còn gọi là nhà đày Kon Tum).

Theo tài liệu của bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, từ tháng 12/1930 đến tháng 4/1931, thực dân Pháp đày ải những đoàn tù chính trị từ nhà lao các tỉnh miền Trung, mà phần lớn là từ Nhà lao Vinh và Nhà lao Hà Tĩnh lên giam giữ tại Kon Tum.

Tính đến tháng 4/1931, tổng số tù ở đây lên tới 295 người. Tù nhân ở đây phải trải qua chế độ lao vô cùng hà khắc, tàn bạo, sẵn sàng sử dụng vũ lực giết hại dã man tù chính trị trên công trường cũng như trong nhà ngục.

Screenshot 2024-11-02 180026
Tái hiện Cuộc đấu tranh lưu huyết của tù chính trị ở Ngục Kon Tum phản đối sự tàn ác, vô nhân đạo của thực dân Pháp. Ảnh Đông Hưng - Báo Sức khỏe và Đời sống

Dưới chính sách đàn áp và tra tấn tàn bạo của kẻ thù, những người cộng sản, những người con Nghệ Tĩnh đã kiên cường, bất khuất đấu tranh. Họ biến nhà tù thành trường học cách mạng để tôi rèn chất thép, hun đúc ý chí kiên cường để giữ vững ngọn lửa Xô viết trong chính nơi tăm tối nhất.

Vượt khó thành lập những chi bộ Đảng trong tù

Vượt qua trăm ngàn khó khăn và nguy hiểm trong chốn ngục tù, tháng 6/1930 Chi bộ Đảng tại Nhà lao Vinh đã ra đời, do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm Bí thư. Hoạt động của Chi bộ Nhà lao Vinh đã củng cố niềm tin cho tù chính trị và có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ dã man của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều; là nguồn cổ vũ, động viên phong trào cách mạng ở bên ngoài rất lớn.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Nhà lao Vinh, phong trào đấu tranh trong nhà lao phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức như: tuyệt thực, đấu tranh đưa yêu sách đòi cải thiện đời sống cho tù nhân… Cùng với đó, công tác tuyên truyền được chú trọng, trong những ngày bị giam cầm tại Nhà lao Vinh, các chiến sĩ cách mạng đã sáng tác hàng trăm bài thơ xúc động. Những bài thơ đó vừa có tác dụng động viên, vừa có tác dụng vạch trần những âm mưu xảo quyệt của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều.

Một số chân dung các chiến sĩ cách mạng tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị giam cầm tại Nhà lao Vinh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Một số chân dung các chiến sĩ cách mạng tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị giam cầm tại Nhà lao Vinh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Đặc biệt là sự ra đời của tờ báo miệng, “một tờ báo không cần in, không cần viết mà đến với bạn đọc rất nhanh, rất nhạy” như càng tiếp thêm sức mạnh, và được đông đảo anh em tù chính trị trong nhà lao hết sức hoan nghênh. Từ tờ báo miệng, các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Duy Trinh đã sáng tác cuốn tiểu thuyết Giọt Máu Hồng, sau được chuyển thành kịch bản và được các đồng chí diễn trong Nhà lao Vinh rất thành công, gây ấn tượng sâu sắc và có tác dụng cao trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước và tình cảm cách mạng…

thù chính trị
Một số tù chính trị ở Ngục Kon Tum năm 1930 - 1931. Ảnh tư liệu Báo Kon Tum

Còn tại Ngục Kon Tum, trải qua bao thời khắc khó khăn, gian khổ, ngày 25 tháng 9/1930, chi bộ Đảng Ngục Kon Tum được thành lập do đồng chí Ngô Đức Đệ, người huyện Can Lộc, Hà Tĩnh làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở Kon Tum và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Từ khi có chi bộ Đảng ra đời, phong trào đấu tranh trong Ngục Kon Tum được tổ chức chặt chẽ để vừa đạt được mục đích, vừa đỡ mất mát hy sinh, xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong anh em tù chính trị, giác ngộ tù thường phạm và cả những người lính cai ngục có lòng yêu nước.

Khắc sâu tinh thần bất khuất của người chiến sĩ Xô viết

“Tay khóa chân cùm thân ê ẩm

Áo bê quần bết da đớn đau

Nhìn mớ cơm tù rùng mình mãi

Với đàn muỗi đói thức đêm thâu…”

Đó là những vần thơ được trích trong cuốn "Phường Bến Thủy - Lịch sử đấu tranh cách mạng", NXB Nghệ An 1994, khi nói về những gian khổ mà đồng chí Nguyễn Thị Nình (Vi Nình) - nữ chiến sĩ liên lạc xuất sắc của Xứ ủy Trung Kỳ và các tù chính trị khác phải chịu đựng tại nhà lao Vinh.

Trong thời gian bị bắt giam tại nhà lao Vinh, bọn thực dân - phong kiến đã sử dụng những hình thức tra tấn hết sức tàn bạo khiến toàn thân chị bị phù nề, hai chân ứ máu tím bầm, da thịt lầy loét, dòi bọ lúc nhúc. Dù đã tra tấn chị bằng những ngón đòn tàn bạo nhất nhưng không thể khai thác được thông tin gì, kẻ thù đã rùng mình nghiến răng thốt lên: “Chà, con giặc cộng sản này gan thật ! Ông chưa thấy người đàn bà nào gan như thế này, đến chết vẫn không chịu hé răng”. Những dòng này được lưu lại trong cuốn “Những tấm gương cộng sản”, NXB Nghệ An Tập 2. Dù hình hài đầy thương tích nhưng chị vẫn nỗ lực duy trì sự sống để tiếp tục chiến đấu.

ảnh bỏa tàng
Một số dụng cụ tra tấn tù chính trị được sử dụng tại Nhà lao Vinh. Ảnh Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cung cấp

Đối với đồng chí Lê Viết Thuật - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ năm 1931. Trước những đòn roi tra tấn không moi được tin gì, bọn thực dân - phong kiến đã bắt người cha của đồng chí là thầy giáo Lê Văn Hiến vào nhà lao. Trong cuốn "Nhà lao Vinh" của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An đã viết: "Chúng đã tra tấn cả hai cha con trước mặt nhau, hòng lung lạc ý chí của Lê Viết Thuật. Thế nhưng, khi đứng trước người con trai bị đánh đập và tra tấn, ông đã nén nỗi đau dõng dạc nói to rằng: “Người này không phải con trai tôi! Các ông nhầm rồi, con trai tôi là Lê Viết Thuật đã chết đuối ở sông Lam năm ngoái rồi. Tôi không biết người này là ai cả”.

Khi nghe nói vậy, bọn mật thám đã đánh đập ông ngay trước mặt đồng chí Lê Viết Thuật. Ông đã bị giam cầm và tra tấn tại Nhà lao Vinh đến tàn phế. Tinh thần chiến đấu và sức chịu đựng của hai cha con đồng chí Lê Viết Thuật đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Tin này đã được lan truyền khắp Nhà lao Vinh khiến cho tù chính trị rất khâm phục, và đã trở thành tấm gương sáng cho họ noi theo.

a tc
Bức huyết thư của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Viết Lục (quê thành phố Vinh, Nghệ An) được viết trên bức tường của phòng giam vào ngày 13/6/1935. Trước lúc hy sinh trong tù, đồng chí cắn ngón tay lấy máu viết lên tường nhà lao Vinh: "Hỡi anh chị em thợ thuyền, dân cày, binh lính và những người lao khổ. Chúng ta là những người bị áp bức bóc lột. Chúng ta phải nổi dậy chống lại mọi sự áp bức dã man. Chủ nghĩa Cộng sản muôn năm. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm". Ảnh: Thành Cường

Và còn rất nhiều những tấm gương tù chính trị khác tại Nhà lao Vinh như: Lê Cảnh Nhượng, Lê Cảnh Cải, Nguyễn Duy Trinh, Siêu Hải, Nguyễn Thị Phúc, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thiu… Mặc dù bị giam cầm, xiềng xích, tra tấn, trên người mang đầy thương tích, ăn uống kham khổ đói rét, bệnh tật luôn hành hạ, nhưng các chiến sỹ Cộng sản trong Nhà lao Vinh vẫn luôn lạc quan, tin tưởng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để cùng đấu tranh, chiến thắng kẻ thù và chiến thắng bản thân mình.

Còn tại Ngục Kon Tum, theo trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, đã có những cuộc đấu tranh vang động núi rừng của tù chính trị. Tháng 6/1931, mùa mưa đến, thực dân Pháp đưa số tù nhân còn sống sót về giam tại Ngục Kon Tum, trong đó có các đồng chí Ngô Đức Đệ, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trương Quang Trọng, Lê Viết Lượng, Bùi San…là những cán bộ cốt cán của Đảng. Tại đây, số tù nhân này phải tiếp tục chịu một chế độ hà khắc, tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai, cảnh sống, sinh hoạt khổ cực không kém gì ở Đăk Pao, Đăk Pét.

anh-hai_2.jpg
Nhà ngục Kon Tum - nơi ra đời của tổ chức đảng đầu tiên ở Kon Tum. Ảnh trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

Dù bị đối xử tàn bạo và giết chóc dã man, tinh thần đấu tranh bất khuất của những tù chính trị càng trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là những chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh. Họ tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ nhân dân và binh lính, làm cho họ hiểu rõ hơn, đúng hơn về người tù chính trị. Vì vậy, tình cảm của đồng bào với tù chính trị trở nên thân thiết hơn. Thái độ và hành động đối xử của binh lính đối với tù nhân cũng khá hơn trước. Một số anh em lính bắt đầu chống lại bọn chỉ huy, họ đứng về phía tù nhân đấu tranh khi chúng bắt tù đi làm ngày chủ nhật hoặc chống lại sự đàn áp người tù. Đầu tháng 7/1931, Ban phụ trách nhà lao được thành lập, tổ chức lực lượng, xây dựng kế hoạch đấu tranh chống lại chính sách cai trị tàn ác của chế độ thực dân, giành lại quyền sống, quyền tự do cho tù chính trị; chống lại âm mưu tiêu diệt người Cộng sản của địch, soạn các bài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, tiếng Pháp, tiếng Ba Na, tiếng Gia Rai.

báo sức khỏe đời sônngs
Hai ngôi mộ lớn trong khuôn viên Ngục Kon Tum để tưởng nhớ các liệt sĩ là tù chính trị đã hy sinh trong Cuộc đấu tranh lưu huyết và Cuộc đấu tranh tuyệt thực. Ảnh: Báo Sức khỏe và đời sống

Ngày 12/12/1931. Anh em tù nhân đã đồng tâm đóng chặt cửa, hô khẩu hiệu phản đối chế độ thực dân cai trị... kiên quyết không chịu lên công trường Đăk Pet lần thứ hai, cuộc đấu tranh diễn ra rất quyết liệt. Anh em tù xiết chặt hàng ngũ và tiếp tục hô vang các khẩu hiệu, đồng thời dùng gậy gộc chống lại, không để cho bọn địch vào định bắt từng người đưa đi. Trong cuộc đấu tranh ấy, đồng chí Trương Quang Trọng đã dũng cảm đứng ra trực diện với kẻ thù và anh dũng hy sinh. Bọn địch còn điên cuồng nã súng tàn sát làm 8 người chết, 8 người bị thương.

Tiếp theo là cuộc đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối hành động giết người tàn bạo của kẻ địch. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần đấu tranh đến cùng của tù chính trị, sáng ngày 16/12/1931, thực dân Pháp lại nã súng tàn sát làm cho 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức phân tán số tù nhân còn lại, hòng dập tắt cuộc đấu tranh.

Lo sợ trước tinh thần đấu tranh của tù chính trị, nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị, thay đổi chế độ lao dịch, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 12/1932, địch bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14, tháng 4/1934 xóa bỏ nhà đày Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nhìn lại những cuộc đấu tranh tại Nhà lao Vinh và Ngục Kon Tum đã thấy rõ được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ cộng sản, trong đó nổi bật là các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh.

Khí tiết của các chiến sỹ yêu nước và tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi vì nền độc lập của Tổ quốc, vì cuộc sống bình an ấm no, hạnh phúc của nhân dân của các chiến sỹ mãi mãi trường tồn, như ngọn lửa thiêng chiếu sáng con đường cách mạng cho đến tận ngày nay.

Theo tác phẩm "Xô viết Nghệ Tĩnh của Tỉnh ủy Nghệ An" thì các chiến sĩ cách mạng thời kỳ 1930 - 1931 đã trở thành hạt nhân tích cực của các cao trào 1936 - 1939 và 1939 - 1945.

Tính đến tháng 5 năm 1931 toàn Đảng có 2.400 đảng viên. Trong đó, số đảng viên của Đảng bộ Nghệ An là 907, Hà Tĩnh là 376. (Như vậy, số đảng viên của 2 Đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm 53,5% tổng số đảng viên toàn quốc). Nhiều đảng viên được tôi rèn trong thực tiễn đấu tranh và chế độ lao tù đã trở thành những hạt giống đỏ tiêu biểu trong thời kỳ đó.

Tỏa sáng tinh thần Xô viết trong chốn lao tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh