Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Xô viết Nghệ Tĩnh

PV 01/11/2024 19:00

Xô viết Nghệ Tĩnh là sản phẩm của một quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin, đưa ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga vào Việt Nam mà người có công dẫn lối mở đường chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, một phong trào cách mạng rộng lớn đã nổ ra trên toàn quốc mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra, dù đang hoạt động ở nước ngoài, nhưng Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao diễn biến, nắm rõ từng cuộc đấu tranh ở từng địa phương của Nghệ An - Hà Tĩnh để cùng với Trung ương Đảng có sự uốn nắn, chỉ đạo kịp thời cũng như động viên, chia sẻ, khích lệ tinh thần cách mạng của nhân dân.

Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tranh vẽ
. Tranh vẽ Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Thông qua Nguyễn Ái Quốc và những bài viết, báo cáo của Người, Quốc tế Cộng sản có thể theo dõi chặt chẽ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương để có sự chỉ đạo kịp thời. Nguyễn Ái Quốc chính là một cầu nối cách mạng Việt Nam nói chung với cách mạng quốc tế và Quốc tế Cộng sản.

Ngày 20/9/1930, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài: “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”, trong đó, Người miêu tả cụ thể: “… Trong lúc biểu tình, 3.000 nông dân Nam Đàn đã vây chặt văn phòng viên quan huyện, phá nhà tù và giải thoát tù nhân. Ở Thanh Chương, 20.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình của nông dân... Nông dân hăng hái mang 200 cờ đỏ búa liềm, hàng ngũ chỉnh tề kéo về huyện lỵ, vây hãm văn phòng quan huyện, đập phá phòng riêng của quan huyện…”. Nguyễn Ái Quốc cũng kêu gọi các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam: “Hỡi những người công nhân và nông dân toàn thế giới! Hỡi những người anh em! Hãy giúp đỡ công nhân và nông dân Đông Dương, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp!”.

Tranh vẽ Nhân dân Nam Đàn và Nhân dân Thanh Chương biểu tình năm 1930
Tranh vẽ tái hiện sự kiện nhân dân Nam Đàn và nhân dân Thanh Chương biểu tình năm 1930.

Trong “Thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản” ngày 29/9/1930, với bút danh Vícto, Nguyễn Ái Quốc viết: “Ngày 11-9, nông dân Thanh Chương lại biểu tình. Họ xung đột với lính và hơn 20 nông dân bị giết. Hồi 3 giờ sáng ngày 12-9, hơn 10.000 nông dân Hưng Nguyên kéo đi biểu tình, phá nhà của các nhà giàu trên đường đi. Lính ập đến giết 20 người. Nông dân tập hợp ở huyện đường, tại đây họ gặp khoảng 800 nông dân từ Nam Đàn tới. Trong khi hai bộ phận cùng nhau tụ tập thì mấy chiếc máy bay đến ném bom giết hơn 200 người đàn ông và đàn bà…”.

Người kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời từ những người đồng chí và các tổ chức quốc tế: “Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ…”.

Thư Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (trái) và Quốc tế Nông dân về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Thư Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (trái) và Quốc tế Nông dân về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Hơn 1 tháng sau, ngày 5/11/1930, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục có Thư gửi Quốc tế Nông dân, điểm lại những thành quả của các cuộc biểu tình, đấu tranh của nông dân, cùng với đó là sự thành lập một số làng đỏ: “…Từ 20-8 đến 6-10-1930, có 39 cuộc biểu tình và míttinh bao gồm 69.350 nông dân, trong đó có những cuộc từ 20.000 đến 30.000 người tham dự. Hiện nay, ở một số làng đỏ, Xô viết nông dân đã được thành lập…”.

Người khẳng định, phong trào vẫn tiếp tục phát triển, bất chấp việc bị thực dân Pháp đàn áp dã man: “Đế quốc Pháp khủng bố phong trào nông dân dữ dội chưa từng thấy. Như ở Nghệ An chỉ trong một cuộc biểu tình ở phủ Hưng Nguyên, máy bay thả bom giết chết 171 nông dân. ở Thanh Chương (một huyện khác ở Nghệ An), 103 người bị bắn chết trong một lúc. Riêng tỉnh Nghệ An đã có 393 người bị giết trong 7 cuộc biểu tình, nhiều làng đỏ bị triệt hạ và đốt trụi. Mặc dầu bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển...

Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức Đại hội nông dân lần thứ nhất. Yêu cầu các đồng chí cho ý kiến và chỉ thị cần thiết, kèm theo một bức thư cổ vũ gửi cho Đại hội ấy. Yêu cầu trả lời cho chúng tôi qua Quốc tế Cộng sản và theo chúng tôi nghĩ, nếu Quốc tế Nông dân có thể giúp đỡ gấp cho các nạn nhân bị khủng bố thì rất hay”.

Sưu tập tài liệu viết về các cuộc đấu tranh năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh do mật thám Anh tìm thấy khi khám xét nhà Nguyễn Ái Quốc và bản dịch (bên phải)
Sưu tập tài liệu viết về các cuộc đấu tranh năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh do mật thám Anh tìm thấy khi khám xét nhà Nguyễn Ái Quốc và bản dịch.

Khi phong trào bị khủng bố, bằng nhiều hình thức khác nhau, Người đã liên tục báo cáo, gửi thư đề nghị Quốc tế Cộng sản, các tổ chức trực thuộc và các đảng anh em quan tâm hơn nữa tới cách mạng Việt Nam, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Người đã viết Bài “Phong trào cách mạng ở Đông Dương” ngày 21/1/1931, nhấn mạnh: “Nhiệm vụ cấp thiết của giai cấp vô sản thế giới - đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp - là chìa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, để chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực của họ, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần điều ấy!”.

Người cũng đã khẳng định: Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ!trong bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” viết ngày 19/2/1931. Bài viết nhằm cổ vũ, động viên nhân dân Nghệ Tĩnh giữ vững tinh thần cách mạng, tiếp tục đấu tranh, không sợ hãi trước hành động khủng bố dã man và các thủ đoạn dụ dỗ của địch.

Bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” (The “Red” Nge-Tinh) của Nguyễn Ái Quốc.
Bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” (The “Red” Nge-Tinh) của Nguyễn Ái Quốc.

Cùng ngày 19/2/1931, Nguyễn Ái Quốc tự tay đánh máy và sửa chữa bằng bút mực bài “Khủng bố trắng ở Đông Dương”, vạch rõ tội ác, sự đàn áp dã man của thực dân Pháp:

“Tháng 1 có:

187 tù chính trị ở các nhà lao tỉnh Thái Bình.

201 (97 đảng viên Quốc dân đảng và 104 đảng viên cộng sản) ở các nhà lao Hà Nội.

70 (đều là đảng viên cộng sản) ở Thanh Hóa.

400 (đều là đảng viên cộng sản) ở Quảng Nam.

900 (đảng viên cộng sản và nông dân) ở Nghệ An.

Đó là những con số chúng tôi nắm chắc, còn ở 54 tỉnh khác, chúng tôi chưa có tài liệu gì, nhưng chúng tôi biết ở mỗi tỉnh các nhà lao đều chật ních.

Chúng tôi không ước tính được số nạn nhân khủng bố trắng … nhưng cũng trong tháng ấy, ở Trung Kỳ, có hơn 100 nhà nông dân bị lính đốt (ngày 17-1, ở huyện Nghi Lộc), 32 nông dân bị giết chết trong một cuộc biểu tình (cũng ở huyện ấy, ngày 9-1) và 2 nông dân bị giết trong một cuộc biểu tình (ở Hà Tĩnh, ngày 2-1).

Tháng này, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tổng số người bị bắt là 350 người…”.

Bài khủng bố trắng
Bài "Khủng bố trắng ở Đông Dương".

Trong các giai đoạn lịch sử sau này, dù bất cứ ở cương vị nào, bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Xô viết Nghệ Tĩnh thông qua các hoạt động: nhắc đến Xô viết Nghệ Tĩnh như mốc son đáng tự hào trong lịch sử dân tộc, đến đặt vòng hoa và kính cẩn nghiêng mình dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930; gặp mặt và chụp ảnh với chiến sĩ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931; ký Lời đề tựa tặng cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh; khuyến khích, kêu gọi nhân dân Nghệ An phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc… Người mong muốn nhân dân Nghệ Tĩnh “… cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An, Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng.”.

Bác hồ với Xô viết Nghệ Tĩnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng tượng đài các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh (tháng 6/1957); Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 03/02/1964; Ngày 9/12/1961, về thăm quê nhà lần thứ hai, Bác Hồ chụp ảnh với chiến sĩ phong trào 30-31. Nguồn: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Xô viết Nghệ Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh