Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Siêu Hải (1915-1939): Dâng trọn thanh xuân cho phong trào yêu nước, cách mạng

Bùi Ngọc Tam -Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An 05/11/2024 21:48

Siêu Hải (tên thật là Nguyễn Nhật Tân) vĩnh viễn nằm xuống khi tuổi đời chỉ vừa mới 24, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã viết nên những trang sử vàng đẹp nhất…

Tháng 8/1938, Sở Mật thám Pháp ở Vinh tìm được cuốn sách “Họa chiến tranh với vấn đề phòng thủ Đông Dương”(Sách xuất bản tháng 7/1938, Nxb Tiến Bộ- Vinh), tác giả là Siêu Hải, nên bọn chúng biết Siêu Hải là một trí thức cộng sản lợi hại; vì vậy, chúng ra sức truy lùng anh.

Thực ra Siêu Hải là bút danh của Nguyễn Nhật Tân, một thanh niên có tài diễn thuyết mà bọn chúng đã từng biết mặt. Lúc bấy giờ, Siêu Hải đang hoạt động ngay tại Vinh - Bến Thủy.

Siêu Hải sinh năm 1915, với tên khai sinh là Nguyễn Đình Hoành. Quê ở làng Yên Thọ, tổng Phù Long (nay là xã Hưng Long), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Gia đình Siêu Hải, cả bên nội lẫn bên ngoại đều có truyền thống yêu nước. Ông ngoại anh đã từng tham gia phong trào Văn thân chống thực dân Pháp.

Chân dung đồng chí Siêu Hải (1915-1939)
Chân dung đồng chí Siêu Hải (1915-1939).

Thân sinh Nguyễn Đình Hoành là Nguyễn Đình Lộc, một thầy đồ nghèo, tính khí cương trực, rất ghét bọn hủ nho và bọn xu thời nịnh thế. Có lần ông đã bài xích tệ nạn cúng tế xôi thịt ở đình làng và bị bọn hào lý hùa nhau đánh ông bị thương. Vết sẹo hình lưỡi gươm ở đầu luôn luôn nhắc ông về mối thù sâu sắc với bọn sâu mọt của dân. Ông được tiếp các nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Giải Huân, Cố Lụa... tại nhà mình. Bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) và ông Cả Khiêm (anh ruột Bác Hồ) thủa ấy thường lui tới nhà ông để mưu tính việc cứu nước. Ông có chân trong Hội Duy Tân và đã nhiều lần cùng ông Vương Thúc Oánh đưa thanh niên qua Trại cày Đặng Thúc Hứa tại Xiêm.

Ông Nguyễn Đình Lộc bị bệnh và mất dọc đường trong một chuyến đưa người đi xuất dương. Lúc bấy giờ Siêu Hải mới 11 tuổi (và đã mồ côi mẹ từ lúc lên 3).
Siêu Hải không nương tựa, được bên nội, vì 2 bác ruột của anh nghèo đến nỗi phải bán con cho tư sản Hoa kiều. Anh được bà ngoại nuôi nấng và cho đi học ở Trường Quốc học Vinh. Siêu Hải học rất thông minh. Kiến thức của anh không dừng lại ở chương trình phổ thông, vì anh rất say mê đọc sách, báo, nhất là các loại sách, báo chính trị, xã hội. Sách, báo tiến bộ thời bấy giờ đã làm cho anh sáng tỏ nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống thường ngày. Càng hiểu biết, anh càng thấm thía nỗi nhục mất nước mà cụ Phan Bội Châu đã viết trong Hải ngoại huyết thư:

Nó coi mình như trâu như chó
Nó coi mình như cỏ như rơm.

Anh rất xúc động trước những lời kêu gọi thống thiết của nhà chí sĩ họ Phan:

Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ

(Phan Bội Châu- Bài ca chúc Tết thanh niên)

Được các bậc đàn anh giác ngộ về lý tưởng cách mạng, Siêu Hải đã tham gia hoạt động cách mạng từ tuổi thiếu niên. Anh làm nhiệm vụ liên lạc cho tổ chức Tân Việt ở Vinh - Bến Thủy. Tại đây, trong những năm 1927-1928, Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và Tân Việt hoạt động rất sôi nổi. Siêu Hải gia nhập Hội Sinh đoàn của Tân Việt và tích cực hoạt động trong phong trào học sinh Vinh - Bến Thủy. Anh sinh hoạt cùng nhóm với chị Quang Thái (em ruột chị Nguyễn Thị Minh Khai, về sau kết hôn với Võ Nguyên Giáp).

Nhóm của Siêu Hải đã hăng hái tham gia cuộc đấu tranh phản đối bọn thực dân Pháp chuyển thầy giáo Hà Huy Tập lên dạy miền núi (với ý đồ ngăn chặn những hoạt động cách mạng của thầy ở Vinh). Cũng vào khoảng thời gian ấy, chị ruột của Siêu Hải là Nguyễn Thị Nhuận đã trở thành một trong những hạt nhân của phong trào thanh niên ở Vinh - Bến Thủy. Hai chị em thường xuất hiện trong những cuộc đấu tranh sôi nổi qua các phong trào truy điệu Phan Chu Trinh và đòi xóa án cho Phan Bội Châu.

Khu vực Bến Thủy chụp trong quãng thời gian 1920-1929. Ảnh Tư liệu
Khu vực Bến Thủy chụp trong quãng thời gian 1920-1929. Ảnh Tư liệu

Cuối năm 1929, Siêu Hải được chuyển sang tổ chức Sinh hội của Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc học Vinh, anh bị đuổi học cùng với một số bạn có tên trong sổ đen của mật thám Pháp. Năm ấy, Siêu Hải đang học dở chừng lớp đệ tam niên.

Trở về quê nhà, anh sống chan hòa với dân làng, vừa dạy học tư vừa liên lạc với tổ chức Đảng ở địa phương. Anh được phân công phụ trách công tác ấn loát của Phủ ủy Hưng Nguyên. Bí danh của Siêu Hải lúc ấy là Trinh.

Vào tháng 9/1930, phong trào đấu tranh cách mạng ở Nghệ Tĩnh phát triển lên đỉnh cao. Tiếp theo các cuộc biểu tình với quy mô lớn, có trang bị vũ khí thô sơ ở huyện Nam Đàn (30/8/1930), Thanh Chương (1/9/1930), Can Lộc (7/9/1930)... ngày 12/9/1930, cuộc biểu tình Hưng Nguyên bùng nổ. Tuy mới 15 tuổi, nhưng Siêu Hải đã hăng hái tham gia cuộc biểu tình lịch sử này. Đế quốc Pháp đã dội bom vào quần chúng làm nhiều người chết và bị thương.

. Tranh vẽ Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tranh vẽ Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Sau đó, chúng bủa vây, lùng bắt cán bộ, đảng viên. Siêu Hải tạt vào nhà cạnh đường, nhưng chúng phát hiện được và bắt trói anh, giải về Nhà lao Vinh. Thấy Siêu Hải còn bé, chúng dụ dỗ mãi để hòng khai thác những bí mật chung quanh vụ biểu tình và những cơ sở cách mạng ở Hưng Nguyên. Dụ dỗ không xong, chúng lại doạ dẫm và tra tấn đến nỗi anh không bước nổi. Trước sau, Siêu Hải chỉ trả lời: “Tôi còn bé, tôi chỉ biết học hành và chơi bời”. Lời khai ấy làm cho bọn chúng lúng túng khó xử, vì anh chưa hết tuổi thiếu niên.

Từ Nhà lao Vinh ra Sở Mật thám không xa mấy, nhưng vì Siêu Hải đuối sức nên nhiều hôm bọn lính phải cõng anh ra, hỏi cung xong lại cõng về. Anh giao thiệp với lính, giác ngộ họ. Cũng có người lính tốt bụng, biết chăm sóc giúp đỡ Siêu Hải khi anh bị đòn đau. Khi Nhà lao Vinh đã chật ních tù chính trị, thực dân Pháp lại chuyển Siêu Hải vào Nhà lao Quảng Trị. Ngót 1 năm giam cầm Siêu Hải, chúng cũng không đủ bằng chứng để kết án anh. Cuối cùng, chúng phải tha người thiếu niên dũng cảm ấy.

Cuộc sống cực khổ trong tù, với những trận đòn dã man của địch đã làm tổn hại sức khỏe của Siêu Hải. Tuy vậy, anh vẫn tìm cách liên lạc với các cơ sở cách mạng còn lại sau trận chiến đấu rung trời chuyển đất những năm 1930-1931. Tình hình phong trào cách mạng trong cả nước nói chung và Nghệ Tĩnh nói riêng khoảng cuối năm 1931, đầu năm 1932 rất khó khăn. Các cơ sở Đảng bị tan vỡ nhiều nơi. Hoạt động lúc bấy giờ rất nguy hiểm, vì mạng lưới mật thám, đồn binh của địch dày đặc. Bao nhiêu đồng chí đã bị giết, bị tù. Mặc dù vậy, Siêu Hải vẫn một lòng tôn thờ lý tưởng cộng sản và vững một lòng tôn thờ lý tưởng cộng sản và vững tin vào sự tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Đông Dương. Vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, anh xông xáo vào ra để bắt mối liên lạc với Đảng.

Đầu năm 1932, Siêu Hải gặp Nguyễn Xuân Linh và một số đồng chí khác để cùng nhau thành lập lại Khu ủy Vinh. Anh được phân công tìm gặp Lê Xuân Đào (tức Chắt Lũ) để góp phần xây dựng lại Xứ ủy Trung Kỳ. Chẳng may, chưa gặp được Lê Xuân Đào thì Siêu Hải đã bị địch bắt. Năm ấy, Siêu Hải mới 17 tuổi, mà đã 2 lần vào tù. Lần này, bọn thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm và độc ác hơn trước. Chúng đem ảnh Lê Xuân Đào ra để bắt anh nhận diện. Trong thấy chân dung người đồng chí mà mình hằng kính phục, Siêu Hải rất xúc động, song anh vẫn bình tĩnh trả lời: “Tôi chưa hề biết mặt người này”.

Dùng mưu mẹo đối với Siêu Hải chẳng ăn thua, địch lại tra tấn anh bằng những dụng cụ hiện đại như tra điện, đốt tay bằng đèn cồn, “tàu ngầm”... Siêu Hải vẫn giữ vẻ mặt bình thản, không một tiếng kêu rên và không mảy may khai một điều gì về bí mật của Đảng. Thực dân Pháp đã kết án Siêu Hải 13 năm tù khổ sai và giải lên giam tại đồn Triệu Dương, một nơi hẻo lánh và nước độc ở huyện Anh Sơn.

Mãi tới năm 1936, khi Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp và trong cả nước ta dấy lên phong trào đấu tranh đòi thả tù chính trị, Siêu Hải mới được trả tự do. Mới 21 tuổi mà anh đi đứng không vững nữa, bởi vì chế độ khắc nghiệt của nhà tù đế quốc đã làm thân hình anh tiều tuỵ, một chân bị bại liệt và đường tiêu hóa thường xuyên bị xuất huyết. Anh thường phải nhịn ăn mấy bữa liền cho đỡ đau. Tuy thế, không mấy khi Siêu Hải chịu rời sách vở và luôn luôn lo lắng cho phong trào chung.

Từ đầu năm 1937 trở đi, lúc phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương lên cao, sách, báo công khai của Đảng, của Mặt trận Dân chủ và Đoàn Thanh niên Dân chủ được xuất bản nhiều, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Nào là báo “Dân chúng, Đời nay, Tin tức,(Rassemblement (Tập hợp), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta)..., nào là cuốn sách Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình (Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp), rồi thơ Tố Hữu xuất hiện với những vần thơ đầy tính chiến đấu và tinh thần lạc quan cách mạng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lý chói qua tim !
Hồn tôi là một vườn hoa lá,
Rất đậm hương và rộn tiếng chim!

Ngoài ra, các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê nin mà Siêu Hải hằng mơ ước hoặc chỉ được đọc vội vàng, chắp vá, bây giờ được tha hồ nghiên cứu. Đó là một món ăn tinh thần mà Siêu Hải quý trọng, cần thiết như cơm ăn, nước uống, như không khí để thở. Được trang bị thêm về vũ khí lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, Siêu Hải lại ra sức dùng ngòi bút sắc sảo của mình để chiến đấu trên mặt trận văn hóa, chính trị.
Siêu Hải đã dày công biên soạn lại tiểu thuyết “Giọt máu hồng” do các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh... sáng tác và truyền miệng trong tù. Tiểu thuyết “Giọt máu hồng” ca ngợi phẩm chất của người đảng viên cộng sản, suốt đời tuyệt đối trung thành với lý tưởng, dù nhất thời có bị hiểu nhầm cùng không sờn lòng nản chí.

Siêu Hải còn viết cuốn “Đứa trẻ mồ côi”, “Tôi vì ai” nhằm tố cáo những thủ đoạn bóc lột, đè nén dân lao động của bọn đế quốc và phong kiến. 3 tác phẩm kể trên không được in nhưng cũng được lưu truyền bí mật trong cán bộ, đảng viên và tầng lớp thanh niên ở Vinh - Bến Thủy.

Riêng cuốn “Họa chiến tranh và vấn đề phòng thủ Đông Dương” được xuất bản tháng 7/1938. Trong cuốn sách này, Siêu Hải đã thể hiện đúng chủ trương của Đảng ta về vấn đề phòng thủ Đông Dương. Anh đã nêu bật những biện pháp phòng thủ tích cực như: nâng cao trình độ sinh hoạt của dân chúng; sửa sang sinh hoạt quân đội; ban bố những quyền tự do, dân chủ cho dân chúng; huấn luyện quân sự cho dân chúng; chống lại bọn thân Nhật và bọn Tơ rốt kít,...

Nhiều đoạn trong cuốn sách đã thể hiện tính chiến đấu cao của người đảng viên cộng sản, Siêu Hải đã dùng “gậy ông đập lưng ông”, nhân việc tuyên truyền cho công cuộc phòng thủ Đông Dương để vạch mặt những thủ đoạn của bọn phản động thuộc địa và đòi chính phủ đương thời phải thực hiện những yêu sách của quần chúng.

Anh viết: “Từ hai năm nay, từ ngày mặt trận Bình dân Pháp thắng lợi, các chính phủ Blum, Chautemps lên cầm quyền, đã thi hành ít nhiều chính sách khoan hồng để an ủi dân chúng và để giảm bớt nỗi thống khổ cho họ đã được dễ thở đôi chút, nhưng chính sách đàn áp chưa phải đã bớt hẳn; những quyền tự do dân chủ đơn sơ chưa thấy ban hành, cá báo chí cấp tiến vẫn bị cấm, bị tịch thu rất nhiều, các chiến sỹ dân chúng vẫn bị bắt, bị tù, chế độ đầu phiếu chưa được nới rộng mà Bắc Kỳ lại còn bị rút hẹp, việc cải cách sưu thuế nhè đánh nặng vào các lớp tiểu tư sản. Một vài điều cải cách của Chính phủ, đến khi thi hành cho dân chúng thì bị bọn phản động rút hẹp, chế biến...”.

Tác giả không quên vạch mặt bọn Tờ - rốt - kít và bọn thân Nhật: “Bọn phản động và tay sai của chúng là bọn Tờ - rốt - kít liền lợi dụng tình hình ngờ vực ấy của quần chúng, ra sức nói xấu Mặt trận Bình dân và tuyên truyền chiến thuật “thất bại cách mạng” một khi xảy ra chiến tranh, để đưa quân phát xít lên cầm quyền. Ngoài bọn Tờ - rốt - kít hô hào làm “thất bại cách mạng” để giúp quân phát xít ra, còn một bọn nữa có óc thân Nhật cũng tán dương cổ vũ cái thanh thế hùng cường của Nhật. Bọn này một phần là một bọn văn sĩ đáng ghét đang thất thế trên con đường lỡ vận, mong bán rẻ Đông Dương để được hưởng vinh hoa, phú quý...”.

Cuối phần kết luận cuốn sách, Siêu Hải vẫn nhè vào cái đích của mình để bắn phát chót: “Dân chúng Đông Dương đã từng kinh nghiệm ở những lời hứa đường mật của ông An be Sa rô (Albert-Sarraut) trong hồi Âu chiến. Ngày nay, họ không tin ở lời nói dối ngọt ngào, họ chỉ tin ở việc làm chắc chắn.

Giờ nghiêm trọng đã đánh rồi !

Chính phủ còn đợi gì nữa mà không làm thoả mãn những yêu sách của họ để tăng thêm lực lượng phòng thủ xứ này”.

Trong khi tranh thủ mọi thì giờ để viết các tài liệu có giá trị kể trên. Siêu Hải vẫn cùng các đồng chí khác tổ chức ra Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Vinh - Bến Thủy. Anh được giữ chức Bí thư. Bọn mật thám theo dõi rất ráo riết những hoạt động của Siêu Hải. Chúng len lỏi vào cuộc họp Đoàn Thanh niên Dân chủ ở xóm thợ Trường Thi để theo dõi Siêu Hải diễn thuyết về vấn đề “Ai là người chủ thực sự của nhà máy?”. Chúng cấp báo về Sở Mật thám Vinh. Tên Ombe (Humbert), Chánh mật thám liền báo cáo lên Công sứ Mác ti (Marty) về lai lịch của Nguyễn Nhật Tân, tức Siêu Hải, với tiền án của anh từ hồi năm 1930.

Để che mắt kẻ thù, tổ chức bố trí cho Siêu Hải đóng vai phóng viên báo “Dân” ở Trung Kỳ. Từ một người bản tính rất giản dị, thường mặc quần áo nâu, đi guốc gõ, đội nón lá, Siêu Hải đã cải trang thành một “chàng công tử”, mặc com lê, thắt phu la. Nước da trắng trẻo, đôi mắt hơi xếch, sáng ngời càng tạo cho anh dáng điệu của người trí thức hồi ấy.

Đối với phong trào cách mạng ở Vinh - Bến Thủy thời kỳ 1936-1939, Siêu Hải đã có nhiều đóng góp đáng kể. Anh là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Vinh, phụ trách tuyên huấn và Đoàn Thanh niên. Anh rất quan tâm về phong trào phụ nữ. Chị em phụ nữ xem Siêu Hải như một cố vấn không thể thiếu được. Anh hướng dẫn tỉ mỉ cho chị em cách tổ chức hội họp, biểu tình, nhất là cách kết hợp đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp. Siêu Hải thường diễn thuyết ở những nơi đông thợ thuyền như bến tàu, xưởng máy, xóm thợ... Lý lẽ của anh rõ ràng, dễ hiểu, tầng lớp nào nghe cũng hợp. Vả lại bản tính hòa nhã, khiêm tốn, hoạt bát, được quần chúng yêu thích, nên tiếng nói của anh càng có sức thuyết phục lớn. Siêu Hải thông thạo luật pháp, và biết được nhiều mánh khóe của địch nên đã đối phó rất linh hoạt với chúng.

Có thể nói, Siêu Hải đã làm mọi việc có thể làm được cho phong trào Mặt trận Dân chủ ở Vinh - Bến Thủy lúc bấy giờ. Từ một lá đơn thỉnh nguyện gửi lên công sứ đòi tự do dân chủ, đòi bình đẳng, bình quyền của giới phụ nữ, đến một bài văn truy điệu một đồng chí hy sinh... Siêu Hải đề chấp bút với tất cả nhiệt tình và trí tuệ của mình.

Siêu Hải đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về ý chí chiến đấu (kể cả chiến đấu với bệnh tật của bản thân) cho lớp thanh niên ở Vinh - Bến Thủy thời ấy học tập. Siêu Hải quan niệm rằng: Hạnh phúc của gia đình không bao giờ tách rời hạnh phúc chung của xã hội. Đối với anh, gia đình trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến không thể có hạnh phúc trọn vẹn, gia đình đó “không nương dựa” nổi, vì xã hội đã thối nát đến mức “khó đứng ngồi”.

Chúng ta có thể tìm thấy những suy nghĩ đó của Siêu Hải trong các bài thơ của anh:

Duyên nợ trăm năm đã chán rồi
Chồng con chi nữa, kiếp chông gai !
Gia đình thế ấy khôn nương dựa,
Xã hội dường kia khó đứng ngồi!
Sá kể liễu bồ liền phấn đấu,
Chớ hề nguy hiểm, gắng đua bơi,
Anh hùng nào thiếu phường cân quắc.
Vàng đá in sâu gửi mấy lời”.

Đó là bài thơ Siêu Hải viết trong tù để gửi chị ruột là Nguyễn Thị Nhuận, nhân lúc chị đang gặp trắc trở về đường tình duyên.

Trong một bài thơ mừng đám cưới, Siêu Hải cũng không quên gửi gắm tâm sự của mình và khuyến khích đôi tân hôn giữ vững ý chí chiến đấu:

“Hạnh phúc gia đình xin hượm nghĩ
Lợi quyền xã hội quyết lo thành
Trên đường tranh đấu anh bên chị
Giữa cuộc phong trào chị có anh
Nắm chắc “ca em”(cách mạng) phân thắng lợi
Em mừng anh chị chí hy sinh”!

Sau khi phát hiện ra Siêu Hải, tác giả cuốn “Họa chiến tranh với vấn đề phòng thủ Đông Dương” lại chính là Nguyễn Nhật Tân, bọn mật thám không khỏi ngạc nhiên thấy cậu bé “bướng bỉnh” ngày nào đã sớm trở thành một nhà chính trị cộng sản có trình độ lý luận sắc sảo. Tên Chánh mật thám Om be đã gọi Siêu Hải lên hăm doạ:

- Nhà nước bảo hộ không chấp nhận những hành động chống đối Chính phủ của anh.

Siêu Hải dõng dạc đập lại:

- Chính vì người Pháp đưa ra những chiêu bài giả hiệu, lừa bịp mọi người nên tôi buộc phải nói rõ sự thật !

Địch chưa bắt Siêu Hải vội, vì chúng muốn có những bằng chứng xác đáng để buộc tội anh cho thật nặng. Chúng vây bọc nhiều lần, nhưng nhờ có bà con thợ thuyền và dân cày nghèo thành thị che chở nên anh đều thoát được. Tên cáo già Om be gán cho Siêu Hải 3 tội: làm rối trị an, viết báo chống Chính phủ và có nhiều hành động phá hoại khác. Với cớ đó, chúng trắng trợn bắt Siêu Hải tại nhà riêng.

Đã từng ở tù 2 lần, lần thứ 3 này Siêu Hải càng có kinh nghiệm đối phó với kẻ địch. Bọn chúng phải gờm sức chịu đựng của Siêu Hải và rất sợ những lời lẽ sắc như dao nhọn của anh. Chúng vốn sợ sự thật, mà anh thì luôn luôn vạch trần những sự thật bẩn thỉu của chúng. Châm ngôn nước Anh có câu: “Phàm là sự thật thì đều đanh thép cả”.

Tin Siêu Hải bị bắt được nhanh chóng truyền đi khắp thành phố. Lập tức, quần chúng đưa đơn đòi nhà cầm quyền trả tự do cho Siêu Hải. Vấp phải sức phản kháng mãnh liệt bất ngờ đó, tên công sứ Mác Ty phải ra lệnh cho Om be thả Siêu Hải. Trước khi thả, bọn chúng còn độc ác ngầm đánh anh một trận nhừ tử.

Vì bị tra tấn dã man, ra hoạt động được ít lâu, Siêu Hải lâm bệnh rất nặng. Thành ủy Vinh đã nhờ một bác sĩ có cảm tình với cách mạng cứu Siêu Hải. Tháng 7/1939, anh được đưa vào Nhà thương Vinh. Siêu Hải được đồng bào, đồng chí ở Vinh - Bến Thủy chăm sóc ân cần, chu đáo. Mặc dù vào thăm bệnh nhân cộng sản như Siêu Hải rất khó khăn nhưng hầu như bao giờ cũng có người túc trực bên giường bệnh của anh. Ngay cả lúc nhà thương đến giờ đóng cửa, người ta cũng trèo tường vào chăm sóc anh. Siêu Hải vẫn luôn luôn quan tâm đến phong trào chung. Mê đi thì thôi, hễ tỉnh dậy, anh lại nói chuyện về tình hình thời cuộc và trao đổi kinh nghiệm công tác với bạn bè.

Anh phải mổ để cắt bỏ phần ruột bị viêm nặng. Vượt qua được ca mổ hiểm nghèo ấy, ai cũng tưởng anh sẽ khỏe dần. Không ngờ, anh đã đột ngột vĩnh biệt mọi người ! Bấy giờ anh mới 24 tuổi ! Đám tang Siêu Hải được cử hành trọng thể ngày 27/8/1939 tại thành phố Vinh - Bến Thủy. Đó là một trong những đám tang lớn ở nước ta lúc bấy giờ. Về dự lễ tang có các đại biểu quần chúng các phủ huyện trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đám tang này đồng thời là một cuộc biểu dương lực lượng của hàng vạn công nhân, nông dân, trí thức, dân nghèo thành thị ở Vinh- Bến Thủy và các vùng lân cận.

Không thể đi đưa tang được, anh em tù chính trị ở Nhà lao Vinh đã tổ chức lễ truy điệu người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Siêu Hải. Một đồng chí đã đọc bài thơ điếu thống thiết và hào hùng, trong đó có đoạn:

“Một tiếng sét vang lừng lòng tê tái
Cả não cân cảm giác của muôn người
Trong sinh cơ êm ấm của muôn loài
Ôi thôi mất một tay ham chiến đấu!

Tôi đã biết anh hai lần hạ ngục
Vì lợi quyền anh chẳng quản xông pha
Còn đấu tranh anh còn cứ vào ra
Chốn ngục thất với nụ cười ngạo nghễ!

Biết chăng anh trong đêm dài khắc khổ
Bạn bình dân đang hăng hái xông pha
Anh như bó đuốc dọi đường xa
Bỗng tắt phụt trong hư vô huyền ảo!

Thân anh đã biến thành luồng gió bão
Thổi tiêu tan chế độ hiện thời
Tinh thần anh đã bay bổng khắp nơi
Làm sinh khí cho muôn loài hô hấp !

Khắp đâu đó tưng bừng nô nức
Cảm nhiệm sâu một ý tưởng cao siêu
Sóng tinh thần vùn vụt lên cao
Anh không chết, anh còn sống mãi !”

(Tác giả bài thơ điếu là Trịnh Văn Quang, quê Thanh Hóa)

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/nguyen-nhat-tan-tuc-sieu-hai1915-1939
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/nguyen-nhat-tan-tuc-sieu-hai1915-1939
Đồng chí Siêu Hải (1915-1939): Dâng trọn thanh xuân cho phong trào yêu nước, cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO