Đong đầy câu ví dặm

17/09/2013 20:32

Dân gian vùng Phủ Quỳ xưa vẫn thường bảo: Những câu hát dân ca đã làm nên bản sắc riêng cho người con gái vùng Đồng Thanh, Đồng Sằng, Khe Bai (xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn ngày nay). Xưa con gái vùng quê này ai cũng biết hát dân ca ví, dặm. Nhưng rồi, một thời gian dài đến vài thập niên, tiếng hát dân ca ví, dặm bỗng vơi đi, do chiến tranh, do tác động của kinh tế thị trường với trăm mối lo. Đến khi trời yên bể lặng, con người quay trở về với bản ngã, gốc rễ thiêng liêng, câu hát ví, dặm xưa vơi nay lại đầy… Người già và cả lớp trẻ đang tìm về với câu hát dân ca...

(Baonghean) - Dân gian vùng Phủ Quỳ xưa vẫn thường bảo: Những câu hát dân ca đã làm nên bản sắc riêng cho người con gái vùng Đồng Thanh, Đồng Sằng, Khe Bai (xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn ngày nay). Xưa con gái vùng quê này ai cũng biết hát dân ca ví, dặm. Nhưng rồi, một thời gian dài đến vài thập niên, tiếng hát dân ca ví, dặm bỗng vơi đi, do chiến tranh, do tác động của kinh tế thị trường với trăm mối lo. Đến khi trời yên bể lặng, con người quay trở về với bản ngã, gốc rễ thiêng liêng, câu hát ví, dặm xưa vơi nay lại đầy… Người già và cả lớp trẻ đang tìm về với câu hát dân ca...

Năm 1999, nhà giáo Nguyễn Ngọc Hợi rời bục giảng về nghỉ hưu ở xóm Khe Bai, xã Nghĩa Hội. Ông vẫn đau đáu một niềm riêng: Những câu hát dân ca ví, dặm đã và đang dần mai một; chúng dường như chỉ còn tồn tại trong các chương trình văn nghệ trên truyền hình, truyền thanh chứ không còn phổ biến như xưa. Quyết tâm khôi phục, gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa quý báu của tổ tiên, ông Hợi đã cùng một số đảng viên cao tuổi sinh hoạt trong chi bộ thành lập câu lạc bộ dân ca ví, dặm. Ban đầu, câu lạc bộ ra đời đã thu hút trên 30 người, thường xuyên sinh hoạt, tham gia các hoạt động văn hóa ở xã và huyện. Đã gây được tiếng vang và phát triển thành câu lạc bộ cấp xã nhưng bản thân những người trong câu lạc bộ cũng thấy không ổn khi câu lạc bộ chủ yếu là người già. Thế rồi, ban chủ nhiệm quyết tâm mở rộng thành phần, độ tuổi hội viên.

Cháu Nguyễn Thị Ngọc Thu là một người trong số “dòng máu trẻ” ấy. Năm 2009, lúc mới 8 tuổi cháu được bác ruột là chị Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ đưa đến tập luyện. Chẳng là lúc ở nhà, cháu Thu vẫn thường được bà nội, bác hát dân ca cho nghe. Thu nghe rất chăm chú, mau thuộc, hát theo đúng điệu đúng vần. Đến với câu lạc bộ, cháu Thu và các anh chị khác đã được các ông, bà, cô, chú trao truyền từng lời ca, giai điệu, bày dạy từng động tác và cho đi trình diễn nên vui thích lắm. Ban đầu là học về bộ gõ rồi đến đàn, sáo và các làn điệu. Từ vài câu đơn giản, đến nay sau 4 năm, cháu Thu đã biết và thuộc hàng chục bài và điệu khác nhau, như: Quê em, Mời trầu, Bần hát ghẹo, Thập ân phụ mẫu...

4 năm tập luyện ở câu lạc bộ với ông giáo Hợi, bất kể nắng mưa, cứ vào chiều thứ tư và thứ bảy hàng tuần, Thu lại có mặt và say sưa với những làn điệu, lời ca. Trong 2 năm (2012 - 2013), Thu cùng các thành viên CLB được về Thành phố Vinh 2 lần để dự Liên hoan Dân ca ví, dặm cấp tỉnh sau khi vượt qua vòng loại. Trong hai lần tham dự, Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm xã Nghĩa Hội đều giành được giải cao.



Nguyễn Thị Ngọc Thu (ngoài cùng bên trái) trong tiết mục của CLB Dân ca ví, dặm xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn).

Cũng như nhiều anh, chị lớp trên khác trong câu lạc bộ, Nguyễn Thị Ngọc Thu học rất giỏi. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, Trường Tiểu học xã Nghĩa Hội, Chủ nhiệm lớp 5A của cháu cho hay: “Em Nguyễn Thị Ngọc Thu ở lớp rất chăm ngoan và là 1 trong 5 em đứng đầu lớp. Năm nào cũng được trường tặng giấy khen. Ngoài ra, em còn là thành viên nòng cốt của đội văn nghệ của trường”… Được tập và hát dân ca là động lực để Thu vươn lên trong học tập. “Ông Hợi và các ông, bà, mẹ nói rồi, học không giỏi thì không cho tập hát nữa. Mà đi tập, các ông, bà, cô, chú còn bày cho học, hỏi bài luôn”, Thu cho biết. Ở câu lạc bộ, Ngọc Thu là “cô bé dân ca” nhí nhảnh, đáng yêu, còn ở nhà cháu đã ra dáng một “con cò đảm đang”. Chị Bùi Thị Chung, mẹ cháu Thu cho hay: Bố đi làm xa, thường xuyên vắng nhà nên Thu ý thức lắm. Ngoài giờ đi học, Thu thường giúp đỡ mẹ trong việc đưa đón em, quét dọn nhà cửa, nấu cơm và canh quán tạp hóa nhỏ trước nhà”.

Năm trước, Thu còn là “út” trong câu lạc bộ, năm nay thì có 2 em còn nhỏ hơn. Ra dáng “chị” gương mẫu hơn nên mỗi lúc rảnh Thu đều dành thời gian để bày lời cho các em.

Cháu Ngọc Thu hồn nhiên nói về quyết tâm của mình: “Cháu sẽ cố gắng học bằng hết hơn 70 bài hát của ông Hợi”… Hơn 70 bài hát, màn diễn xướng mà cháu Thu nhắc tới đó chính là tài sản quý của Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm xã Nghĩa Hội đã sưu tầm được, đang tập luyện và lưu truyền. Ông Nguyễn Ngọc Hợi, 78 tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm xã Nghĩa Hội cho biết: “Dân ca ví, dặm xứ Nghệ đã trở thành di sản văn hóa quý báu của cha ông ta từ ngàn xưa, đã trở thành máu thịt, món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Việc làm của chúng tôi từ trước đến nay đều vì mục đích là gìn giữ cho đời sau những tinh hoa của ông cha để lại. Lớp người già chúng tôi sẽ cố gắng phát hiện, đào tạo thêm nhiều người yêu thích dân ca ví, dặm như cháu Thu”.

Mạch nguồn câu hát quê hương đã và đang được tiếp nối, âm thầm chảy nơi vùng đất này. Trong hình ảnh trao truyền từ lớp người già như ông Hợi sang lớp trẻ như cháu Thu lại thấy thấp thoáng hình bóng những thân cò trong câu ca dao tần tảo, lặng thầm; như rặng tre già chở che măng non phát triển. Dân ca, ví, dăm cứ thế lan tỏa một cách tự nhiên và bền vững...


Bài, ảnh: Thiên Sơn

Mới nhất
x
Đong đầy câu ví dặm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO