Dòng đời của một vị tướng
(Baonghean) - Anh Ân – xin gọi vị tướng già Trần Văn Ân bằng lời mộc mạc với tất cả lòng mình như thế, người anh 90 tuổi đời, hơn 73 năm tuổi đảng, gần 4 năm trong lao tù giặc, hơn 40 năm làm bộ đội Cụ Hồ, 20 năm nghỉ lãnh đạo chỉ huy...
Trên 300 trang viết của anh Ân trong cuốn hồi ký Theo tiếng gọi (do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành, tháng 10/2011) làm sống dậy cả quãng đời hoạt động sôi nổi qua nhiều giai đoạn “trong dòng chảy của lịch sử quê hương, đất nước, của quân đội nhân dân và lực lượng vũ trang”, mà ở đó hiện thân cuộc đời một thanh niên sớm biết cầm cày, kéo lưới và biết chọn đường cách mạng ở xóm Gạo Tiền Song – Thịnh Mỹ.
Từ những bi thảm của ngàn xưa và trong đen tối kiếp nô lệ giữa thế kỷ XX, chính quê hương ấy lại là vùng đất màu mỡ nảy mầm cách mạng, sớm đến với Cần Vương cứu quốc, với nhiệt huyết yêu nước dậy sóng của Phan Bội Châu và rất nhanh với “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc.
Bằng tuyên truyền vận động bà con nhân dân lập Hội Ái hữu, Hội Cứu tế, Hội Lợp nhà... Trần Văn Ân, 16-17 tuổi đã giác ngộ, trưởng thành, trở thành đảng viên năm 1938 và là một nòng cốt phong trào cách mạng bí mật ở thôn xóm. Bị giặc bắt ở tuổi 20, chuyển từ nhà lao Phủ Diễn vào nhà lao Vinh với lời đe dọa: “Mày là cơn cỏ gấu cuối cùng, mày vào khai cho thật với cụ chánh mật thám”. Anh giám lì đòn vọt, không gục ngã mà lại lớn lên về ý chí và bản lĩnh, học được cả lí luận, phương pháp, phương châm đấu tranh với kẻ thù, học cả văn hóa, chữ nghĩa, đúng nhà lao là trường học. Có thể nói, đôi chân theo tiếng gọi của Đảng trong anh sớm đặt nền móng vững chãi từ cơ sở xóm, làng và tù ngục, tiếp tục đi vào cuộc chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc đổi mới.
Tháng 7/1950, đang là Bí thư Đảng ủy xã, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, anh náo nức đón lệnh Tổng động viên, được vào bộ đội, làm chiến sỹ, học viên đại đội đào tạo cán bộ chính trị Trường Quân chính LK4. Nhưng khi vào học thật bất ngờ, Liên khu ủy và Hiệu ủy trường giao chức vụ chính trị viên – bí thư chi bộ đại đội, tham gia Hiệu ủy trường. Anh viết : “Từ bí thư trong dân sang bí thư trong quân cũng là một thách thức lớn về bản lĩnh, khả năng nhập cuộc, có thêm nhiều điều quý giá khi qua các cương vị chính ủy trung đoàn, sư đoàn, Bộ CHQS tỉnh, chủ nhiệm chính trị, phó chính ủy, phó tư lệnh QK Trị Thiên và QK4, chiến đấu ở các chiến trường A, B, C, từng đánh Mỹ và thắng Mỹ trận đầu tiên trên chiến trường Quảng Trị”. Điều lôi cuốn là nhiều sự kiện sống động, thách thức ngặt nghèo trong chiến đấu, xây dựng được nêu chân thực, làm hiện lên một con người luôn gắn bó với dân, đồng chí, đồng đội, làm việc công tâm, nắm vững công tác chính trị tư tưởng và tổ chức, kiên định nguyên tắc, quan điểm, chăm lo đoàn kết thống nhất, có bản lĩnh vững vàng và năng lực tổ chức vận động quần chúng...
Từ chiến tranh sang xây dựng, đổi mới và phát triển, anh Trần Văn Ân dành cả tâm huyết chỉ đạo 2 nhiệm vụ lớn là công tác quân sự địa phương và tổng kết lịch sử chiến tranh, biên soạn lịch sử quân sự - những nội dung có giá trị cả thực tiễn và lý luận trên địa bàn chiến lược QK4, và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào, Căm Pu Chia.
Trở về địa bàn dân cư ở khối 17, phường Trường Thi, TP.Vinh, anh lại cùng đồng hành, chân thành, gần gũi với bà con nhân dân, đồng đội, cán bộ đảng viên, góp những ý kiến đầy trách nhiệm với cơ sở về những vấn đề: Đánh giá thực trạng tình hình; nguy cơ – quốc nạn; đối tượng – đối tác; quốc phòng, an ninh - kinh tế; công tác tư tưởng tổ chức cán bộ; xây dựng Đảng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Tất cả, đều là những dòng đời đầy tâm huyết của một vị tướng già nhiều gửi gắm!
Doãn Yến