Đóng góp của Nghệ An trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Từ cuối năm 1953, ngoài việc chốt giữ các nơi trọng yếu, tướng Nava, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương...
Từ cuối năm 1953, ngoài việc chốt giữ các nơi trọng yếu, tướng Nava, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương cho xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với hệ thống phòng ngự gồm 49 cứ điểm, quân số lúc tập trung đông nhất là 17 sư đoàn, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly và 1 đại đội pháo 120 ly. Máy bay thì có 7 khu trục, 6 liên lạc trinh sát và 1 lên thẳng.
Khi xây dựng xong, quân Pháp tuyên bố đó là "pháo đài không thể công phá". Đờ Cattri được thăng hàm thiếu tướng để chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Để cô lập Điện Biên Phủ, ta chủ trương tấn công địch ở nhiều nơi. Đó là các chiến dịch ở Trung Bộ, Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia. Cùng với Điện Biên Phủ, tất cả nằm trong chiến cục Đông Xuân (10-12-1953--7-5-1954) của ta.
Để phục vụ kế hoạch nói trên, ngoài số thanh niên địa phương đi bộ đội cùng số chiến sỹ hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ đông nhất so với các tỉnh thì Nghệ An còn đảm nhận hai phần việc quan trọng.
Việc thứ nhất là mở đường ra trận. Nghệ An đã huy động 6.600 dân công làm mới và sửa chữa 320 km đường (có 150 km rải đá), bắc 3 cầu lớn, 32 cầu nhỏ, đặt 53 cống. Tính tổng số là 1.574.152 ngày công.
Để bộ đội ở ngoài mặt trận không chỉ no cơm, ấm áo mà còn an tâm với hậu phương để đánh thắng quân thù, từ tháng 6-1953 đến tháng 7-1954, Nghệ An đã tiến hành 5 đợt phát động giảm tô, thực hiện giảm tức tại 120 xã trong số 155 xã ở đồng bằng và trung du. Nhiều gia đình nông dân nghèo được xóa nợ, chia ruộng, chia trâu.
Đến tháng 2-1954, Nghệ An đã có 1.496 tấn thóc nộp thuế phơi khô quạt sạch nhập kho, bằng 80% tổng số thuế do Liên khu IV giao cho tỉnh nhà trong vụ 1 của năm đó.
Để có được chừng ấy sản phẩm là điều không phải dễ lúc bấy giờ, để chặn nguồn tiếp tế cho cuộc kháng chiến của ta, giặc Pháp điên cuồng đánh phá vùng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, sát hại dân lành, ném bom các kho tàng, bến bãi, phá hủy các đập nước và hệ thống nông giang lớn nhỏ. Nhưng quân dân Nghệ An quyết một lòng vì "Tất cả cho cuộc tấn công chiến lược Đông -Xuân 1953-1954", "Tất cả cho Điện Biên Phủ".
Phần việc thứ hai là đi dân công hỏa tuyến. Để phục vụ chiến dịch Trung Lào, giữa tháng 12-1953, Nghệ An đã có 20.000 dân công bộ và thuyền, gần 1.500 dân công xe đạp thồ. Mỗi xe thường chất nặng từ 100 đến 130 kg quân lương, quân trang, khí giới. Và khi vì nhu cầu khẩn cấp, người dân công có thể chất lên đó gấp đôi. Tiếp đến, dịp sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (1954), 30.000 dân công gánh bộ và 2.000 dân công xe đạp thồ lại lên đường phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.
Nhân dân Nghệ An, ngoài việc gửi con em ra trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường thì đã góp vào Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 nói chung và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng ít nhiều những công sức như vậy.
Chu Trọng Huyến