Đóng góp tích cực vào việc xây dựng các quan hệ quốc tế
Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đang trong giai đoạn gay cấn, Phong trào Không liên kết (KLK) được thành...
Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đang trong giai đoạn gay cấn, Phong trào Không liên kết (KLK) được thành lập vào năm 1961 với ý nghĩa là một cực trung lập đứng ngoài cuộc chiến tranh này và tăng cường tiếng nói của mỗi nước thành viên. Từ 25 thành viên ban đầu, cho đến nay, Phong trào ngày càng lớn mạnh với 118 thành viên chính thức và 20 quan sát viên đến từ châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, Trung Mỹ, vùng Caribbean và Trung Đông.
Phong trào này đại diện cho gần hai phần ba số thành viên Liên Hiệp Quốc và chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Năm mươi năm đã trôi qua, tinh thần đoàn kết giữa các thành viên Phong trào vẫn luôn được duy trì và phát huy, bất chấp những thay đổi lớn lao của tình hình thế giới.
Đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tham dự Hội nghị Á - Phi ở Bandung (Indonesia) năm 1955, Hội nghị được xem là tiền thân của Phong trào KLK. Tại Hội nghị, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Phong trào KLK. Bằng tấm gương sáng và thắng lợi của sự nghiệp chống ngoại xâm của mình, Việt Nam đã sớm gắn bó và đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành Phong trào KLK. Ngay cả khi chưa là thành viên chính thức của Phong trào, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh của các nước KLK và đang phát triển. Sau khi giành độc lập năm 1945, Việt Nam đã đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa đế quốc.
Phong trào Không liên kết hướng tới thế giới bình đẳng hơn
Năm 1976 tại Hội nghị cấp cao lần thứ 5 (Colombo, Sri Lanka), nước Việt Nam thống nhất gia nhập Phong trào. Từ đó, Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia vào Phong trào KLK, coi đó là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế. Việt Nam đã tham dự tất cả các Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Phong trào, tích cực tăng cường đoàn kết, đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các văn kiện của Hội nghị; đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nâng cao vai trò của Phong trào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, với những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới của mình, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, Việt Nam được bạn bè trong Phong trào đánh giá cao và trông đợi sẽ có thêm những đóng góp thiết thực đối với sự nghiệp chung của Phong trào.
Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thành công tốt đẹp, đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ hết sức quan trọng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước về cơ bản trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó có việc thực hiện đường lối đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đây là những tiền đề thuận lợi để chúng ta phát huy vai trò, đóng góp và tham gia thực chất hơn tại các diễn đàn đa phương nói chung và Phong trào Không liên kết nói riêng.
Trên tinh thần đó, đoàn Việt Nam đã tham dự và có nhiều đóng góp xây dựng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 16 và Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào KLK tại Indonesia từ ngày 24-27/5/2011. Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương; chống các chính sách cường quyền, áp đặt, chủ nghĩa bảo hộ; phấn đấu xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng, lành mạnh và các quan hệ hợp tác bình đẳng. Về phương hướng thời gian tới, chúng ta cho rằng Phong trào cần chủ động, nâng cao tiếng nói trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế lớn như cải tổ Liên hợp quốc, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, thúc đẩy vòng đàm phán Dohar, ứng phó với các cuộc khủng hoảng, thách thức toàn cầu...
P.V