Đọng hàng, khát vốn!

26/07/2012 16:40

(Baonghean) Dịp này về Quỳnh Lưu, T.X Cửa Lò, nhiều hộ chế biến cá khô, cá cấp đông đang than thở bởi giá cả không những xuống thấp mà còn không thấy khách hàng đến mua. Nhiều hộ ế hàng chục tấn cá trong kho, ngổn ngang tâm trạng “đọng hàng, khát vốn”.

“Đầu ra” bấp bênh

Về Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu) tìm hiểu thị trường cá khô, cá cấp đông, anh Đạt – chủ một cơ sở chế biến cá buồn bã cho biết: “Nhà tôi đang tồn đọng hơn 20 tấn cá khô. Giá cá cơm trắng trước đây 50.000 đồng/kg, nay không hiểu sao xuống giá đến 30.000 đồng/kg mà vẫn không thấy ai đến mua. Rẻ quá, không muốn bán, cứ chờ giá lên, song ngày càng xuống thấp”. Ở Quỳnh Dị, nhiều hộ còn tồn kho hàng chục tấn, như nhà chị Yến Hậu còn 40 tấn. Chị Nguyễn Thị Mai - Giám đốc doanh nghiệp Phương Mai (Quỳnh Dị) - một doanh nghiệp có mối làm ăn lâu năm với người Trung Quốc thì lý giải rằng: Sở dĩ dịp này cá khô tồn đọng ở các cơ sở nhiều là do nguồn hàng những dịp trước khách hàng Trung Quốc mua đang bị ứ bên đó, chưa bán hết.

Còn ở xã Sơn Hải - Quỳnh Lưu, nơi nghề biển xa bờ đang chiếm ưu thế với nghề câu mực và câu cá hố thì cả hai loại đặc sản này cũng đang bán chủ yếu cho Trung Quốc. Theo ông Trần Văn Thấy - Chủ tịch Hội Nghề cá Sơn Hải thì: Sản lượng mực của Sơn Hải 1 năm được khoảng 1.000 tấn, mực câu xong và phơi luôn ngoài biển nên rất thơm ngon. Song, do thị trường nội địa tiêu thụ chủ yếu mực tươi, chỉ khoảng 25%, nên mực khô lâu nay chủ yếu bán sang Trung Quốc. Các tiểu thương Trung Quốc vẫn thường qua lại xã để xem hàng, đặt hàng. Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, ông Trần Văn Hùng cho biết: “Ở Sơn Hải thường xuyên có 4 tiểu thương Trung Quốc sang mua hàng. Họ có giấy tờ đầy đủ và cũng may nhờ họ mà hải sản của Sơn Hải và các xã khác được tiêu thụ tốt hơn. Bà con ngư dân cũng chưa tìm được khách hàng nội địa nào tiêu thụ cho bà con nhiều như vậy. Tuy nhiên, mua bán đang dựa vào chữ tín là chính, chứ mình không biết họ ở đâu”.

Ông Nguyễn Đức Xân- Trưởng làng nghề Phú Lợi- Quỳnh Dị cũng băn khoăn: “Làng có hơn 400 hộ chuyên sản xuất mắm, ruốc và hấp, sấy cá khô. Trong đó, nghề chế biến nước mắm và hấp sấy có 320 hộ, còn nghề hấp sấy cá có khoảng 80 hộ, trong đó có 3 doanh nghiệp, 8 cơ sở chế biến quy mô. Hiện nay nước mắm, ruốc đang tiêu thụ được ở thị trường nội địa, còn cá cơm, cá nục hấp sấy đang tiêu thụ chủ yếu nhờ thương lái Trung Quốc. Họ thường sang tận nơi, đánh hàng cả xe, có thời điểm khát hàng, họ đứng canh từng nong cá, thế nhưng thời điểm này chẳng thấy họ sang, chính vì vậy hàng trăm tấn cá khô của Quỳnh Dị, Quỳnh Phương đang bị ứ đọng.

Đọng hàng, khát vốn

Không chỉ ở Quỳnh Lưu, hải sản qua chế biến cũng đang đọng tại các kho đông ở Nghi Tân (T.X Cửa Lò). Ông Trần Văn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Tân cho hay: Đến thời điểm này, có khoảng gần 1/2 chủ kho đông ế hàng, tương đương khoảng 2.000 tấn hàng tồn từ năm 2011 đến nay chưa giải phóng được. Không như ở Quỳnh Lưu, hàng cấp đông ở Nghi Tân chủ yếu tiêu thụ trong nước và mọi năm cứ đến khoảng cuối tháng Giêng là kho hết hàng, nhưng năm vừa rồi khủng hoảng kinh tế không bán được. Nhiều hộ dân chấp nhận lỗ, giảm giá tới hơn một nửa nhưng vẫn không "đẩy" được hàng (từ 15.000 đồng/kg giảm còn 6-7.000 đồng/kg).



Đóng gói cá xuất khẩu tại doanh nghiệp Phương Mai (Quỳnh Dị, Quỳnh Lưu).
Ảnh: Hồ Lan

Tại kho đông gia đình anh chị Hợi Thóa, hàng trăm tấn cá đang chất đống trong kho. Chị Thóa cho biết: “Để giải quyết việc làm cho con em, duy trì nghề, chúng tôi vẫn cố vay mượn để chạy hàng dù kho vẫn còn 100 tấn chưa "giải" được. Hàng đọng, trong khi lãi vay Quỹ tín dụng nhân dân T.Ư từ năm 2011 chưa thanh toán được với lãi suất cao ngất ngưởng 24-25%/năm. Lãi suất cao mà ngân hàng cũng chỉ cho vay 9 tháng thay vì 1 năm như trước đây khiến chúng tôi không đủ thời gian, vốn liếng để quay vòng. Đã thế, mới đây Chi nhánh Điện Nghi Lộc gửi thông báo về việc áp dụng giá điện từ sản xuất sang kinh doanh đối với khách hàng có kho đông. Không có điện thì cá thối, mà với giá mới, với khó khăn chồng chất hiện nay, e rằng chúng tôi không còn cách nào khác là đóng cửa".

Cách đó không xa là kho đông của gia đình anh Chu Văn Dương, đồng thời là khối trưởng khối 6. Anh Dương cho hay, khối 6 có 31 kho đông (một số kho do nhiều hộ hùn vốn đầu tư), chiếm 70% tổng số kho đông trên địa bàn phường Nghi Tân, là hội viên làng nghề chế biến hải sản đông lạnh. May mắn hơn, anh chị Hợi Thóa, anh Dương đã bán hết hàng nhưng phải chịu lỗ trên 100 triệu đồng.

Nghi Tân đất chật, người đông nhưng người dân nơi đây năng động, dám nghĩ, dám làm, đa dạng ngành nghề, đặc biệt là nghề chế biến hải sản đông lạnh có truyền thống nổi tiếng cả nước. Hiện phường có 49 kho cấp đông, 62 kho bảo quản, trữ lượng hàng năm lên tới 7.500 tấn. Riêng tài sản cố định giá trị mỗi kho từ 1,5 - 3 tỷ đồng, chưa kể vốn lưu động kho thấp nhất 3 tỷ đồng, cao thì lên tới 7 tỷ đồng. Vì vậy, dư nợ của hội viên hội nông dân vay tại các TCTD hiện lên tới trên 90 tỷ đồng, trong đó, vay đầu tư kho đông trên 70%. Thế nhưng hiện nay, việc sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn khiến nhiều hộ dân đang gồng mình trước bài toán hàng tồn kho, lãi suất ngân hàng.

Các xã vùng biển và làng nghề ở tỉnh ta mặc dù đã nỗ lực vươn lên để chế biến hải sản, cấp đông, hấp sấy, tẩm ướp cá để nâng cao giá trị, mong tìm được đường đi ổn định cho nghề biển mà hàng ngàn ngư dân đang bám trụ và trông đợi. Nhưng do đầu ra bấp bênh, cơ bản vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên xem ra câu chuyện đầu ra cho hải sản ở Nghệ An vẫn còn khó nhọc.


Châu Lan - Thu Huyền

Mới nhất
x
Đọng hàng, khát vốn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO