Dòng họ ở Nghệ An có bốn đời đi sứ nhà Thanh
(Baonghean.vn) - Ở Nghệ An có một dòng họ đặc biệt, cả ba cha con ông cháu nối tiếp nhau đỗ Tiến sĩ. Bốn đời có 5 lần được Vua cử đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc). Ngưỡng mộ tài trí của dòng họ này, Hoàng đế nhà Thanh còn ban tặng hoành phi.
“Tam thế ngũ hoàng hoa”
Dòng họ mà chúng tôi đang muốn đề cập là dòng họ Nguyễn Trọng, ở làng Trung Cần, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Khi tìm hiểu, chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Trọng Nghĩa - một hậu duệ dòng họ hiện đang sinh sống ở thành phố Vinh và được nghe nhiều câu chuyện rất thú vị. Có cả một cuộc hội thảo khoa học về dòng họ Nguyễn Trọng được Viện sử học Việt Nam - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An) và Hội đồng gia tộc tổ chức vào năm 2015. Qua đây, nhiều cứ liệu lịch sử, chi tiết về dòng họ nức tiếng ở Nam Đàn lần đầu được công bố, hoặc chứng minh, khẳng định rõ hơn. Lần hồi quá khứ, ông Nghĩa cho hay, trong lịch sử của dòng họ có hai chi tiết mà con cháu sau này hết sức tự hào là: Cả ba cha con ông cháu đều đậu Tiến sĩ và bốn đời trong họ được nhà Vua và triều đình cử đi sứ sang nhà Thanh 5 lần.
Vẻ uy nghi, cổ kính của đình Trung Cần, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thành Duy |
Cụ thể, đời cha là Nguyễn Trọng Thường đậu Tiến sĩ năm 1712, đời Vua Lê Dụ Tông. Ông học rộng biết nhiều, làm quan đến Lại bộ Thị lang, tước Cần Quận công. Ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Đến đời con là Nguyễn Trọng Đương (Đang) đậu Tiến sĩ năm 1769, thời Vua Lê Hiển Tông, nối nghiệp cha cũng được cử đi sứ sang nhà Thanh, làm Phó sứ, được phong tước Hầu. Mỗi lần đi sứ, triều đình nhà Thanh đều ban cho một bông hoa vàng để cài lên mũ vị sứ thần, là một vinh dự hiếm có.
Đời cháu là Nguyễn Trọng Đường, là cháu đích tôn của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, gọi Nguyễn Trọng Đương bằng chú, đậu Tiến sĩ năm 1779 cũng đời Vua Lê Hiển Tông. Ông được Vua cử đi sứ nhà Thanh. Con của Nguyễn Trọng Đường là Nguyễn Trọng Võ đỗ Hương cống, làm quan đến Hàn lâm viện Thị độc Học sỹ, cũng đi sứ 2 lần vào triều Vua Minh Mệnh, nhà Nguyễn.
Theo các tài liệu nghiên cứu, hiện nay trong nhà thờ họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần đang còn bức hoành phi, tương truyền do Hoàng đế nhà Thanh đề tặng với nội dung: “Tam thế ngũ hoàng hoa”, nghĩa là “Ba đời tiến sĩ và có năm lần được cử đi sứ”. Các ông Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường được khắc tên tuổi, công trạng lên bia đá ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Trọng tại xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn). Ảnh: Thành Duy |
Ở Nghệ An, ba cha con ông cháu đều đậu đại khoa thì trong lịch sử đã có nhưng theo một số nhà nghiên cứu, ba đời cha - con, ông - cháu được triều đình cử đi sứ 5 lần thì chỉ có dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần. Điều đó cũng minh chứng, đây là dòng họ có những vị quan tài đức, thanh liêm, đặc biệt có tài ngoại giao vượt trội. Sự đỗ đạt của dòng họ Nguyễn Trọng nổi tiếng khắp triều đình, làm rạng danh cho quê hương và là niềm tự hào cho dòng họ, làng xóm, lưu danh muôn thuở. Người đời có câu đối dân gian ca ngợi: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba nữa/ Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”.
Giữ đạo Trung Cần
Bao đời nay, làng Trung Cần (nay thuộc xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An) soi bóng bên dòng sông Lam. Có người giải thích, hai chữ “Trung Cần” nghĩa là người dân ở đây rất trung thành với Tổ quốc; giữ gìn thuần phong mỹ tục, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó, lao động miệt mài, đầy tài năng, sáng tạo của cha ông. Ngôi làng nhỏ vừa cận thủy, vừa cận sơn, phía Bắc và phía Đông có dòng sông Lam, phía Tây và một phần phía Nam có núi Thiên Nhẫn hùng vĩ. Trung Cần lại nằm trong vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “giang sơn chung tụ khí” của huyện Nam Đàn nên là mảnh đất lành cư ngụ của nhiều dòng họ khoa bảng. Trai thanh, nữ tú từ xa xưa của làng Trung Cần luôn dùi mài kinh sử để có ngày tân khoa và “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - một hậu duệ dòng họ Nguyễn Trọng trao đổi với phóng viên. Ảnh: Thành Duy |
Học hành đỗ đạt, làm quan lớn triều đình, đóng góp cho mọi miền đất nước song quê hương vẫn luôn thổn thức trong tâm trí mỗi người con Trung Cần. Họ luôn hướng về và có những đóng góp cụ thể cho quê hương. Ngày nay, khi đến làng Trung Cần, chúng ta thấy có ngôi đình cùng tên uy nghi, cổ kính. Bước dưới tán cây cổ thụ, qua từng bậc cửa đình Trung Cần, chúng ta như đi ngược thời gian về quá khứ, đắm mình vào không gian hội làng thật náo nức được tổ chức hàng năm tại đình.
Đây là công trình kỳ vĩ, có giá trị kiến trúc rất đặc biệt. Đình có 5 gian, 6 vì, 24 cột gỗ lim, kết cấu tứ trụ, mỗi cột cao tới 8m. Trên mỗi góc xà đều có một “con rồng ổ”, 8 con rồng ổ là 8 đường gỗ tròn được chạm lộng, đầu rồng, cuộn tròn thu mình trong góc mái. Trên nách bốn bề có 24 bức tranh khắc gỗ, là những kỳ công của điêu khắc cổ Việt Nam. Đó là cảnh: Vua Thuấn đi cày ở núi Lịch Sơn, Vua Nghiêu truyền ngôi cho Vua Thuấn ở Hoàng cung, đây đều là các điển tích Trung Hoa. Các cảnh sinh hoạt dân gian: Tiến sĩ về làng, người đánh đàn, trẻ chăn trâu thổi sáo, mẹ cho con bú, trai gái giã gạo, người đọc sách, đánh cờ, ngâm thơ, phi ngựa…
Đình Trung Cần nức tiếng, một di sản văn hóa tiêu biểu đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, chính do công của dòng họ Nguyễn Trọng đóng góp xây dựng. Cụ thể ở đây là thực hiện di nguyện của ông nội là Nguyễn Trọng Thường, chú ruột là Nguyễn Trọng Đương, ông Nguyễn Trọng Đường đã cùng họ tộc, dân làng bắt tay xây dựng đình Trung Cần vào hai năm Tân Sửu, Nhâm Dần (1781 - 1782). Dân làng Trung Cần có câu ca: “Được ba quan lớn/ Xã mừng hơi hởi/ Xã cất đình lên”.
Khung cảnh thanh bình của xã Trung Phúc Cường bên dòng sông Lam. Ảnh: Thành Duy |
Trải qua 500 năm từ xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên chuyển lên cư trú ở làng Trung Cần, huyện Nam Đàn, dòng họ Nguyễn Trọng đã sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng, “một hiện tượng điển hình trong làng khoa bảng xứ Nghệ”, đóng góp phần quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là lĩnh vực ngoại giao, ghi danh trong lịch sử nước nhà. Tên tuổi của họ không chỉ được sử sách, bia đá ghi chép, lưu danh, mà còn được hậu thế luôn tưởng nhớ, tôn vinh./.