Dòng họ Nguyễn Trọng đón nhận Bằng xác lập kỷ lục dòng họ đầu tiên có 4 đời liên tiếp được triều đình cử 5 lần đi sứ
Chiều 4/1, tại thành phố Vinh, Hội đồng Gia tộc dòng họ Nguyễn Trọng – Trung Cần tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xác lập kỷ lục dòng họ đầu tiên tại Việt Nam có 4 đời liên tiếp được triều đình cử 5 lần đi sứ nhà Thanh để thiết lập bang giao. Đồng thời, có 3 đời liên tiếp đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân dưới triều đại Hậu Lê - Lê trung hưng (1533 - 1789).
Tham dự buổi lễ có các ông, bà: Ngô Quang Xuân - nguyên Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam; Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc - Phó Tổng Thư ký Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Cùng dự có đồng chí Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; lãnh đạo huyện Nam Đàn; Hội đồng Gia tộc và đông đảo con, cháu dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần.
Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần (Nam Đàn) có bề dày lịch sử 500 năm, gắn liền với truyền thống văn hóa - khoa bảng - ngoại giao. Có thể nói, các cụ Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường, Nguyễn Trọng Võ đã kế thừa, hội tụ và phát huy tinh hoa của dòng họ.
Các cụ đã tiếp nối làm quan phù trợ triều đình, trấn giữ biên cương, đi sứ, thực hiện sứ mệnh bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước, làm vẻ vang quốc thể, rạng rỡ gia phong; được triều đình phong kiến Việt Nam và Trung Quốc ngợi khen, được lòng dân 2 nước ca tụng, ban tặng những mỹ từ và danh hiệu cao quý: “Tinh trung, vị quốc, danh quán Nam - Bắc triều”; “Danh văn Bắc Đẩu, Đức trứ Nam bang, cái Trung châu bút dã”; “Lưỡng quốc hàn lâm”; “Tứ thế ngũ hoàng hoa”; “Tiến sĩ đại danh năng bất tử; Trung thần kiệt tiết lẫm như sinh”…
Lễ đón nhận Bằng xác lập kỷ lục Việt Nam do Hội đồng Gia tộc dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần và Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tri ân công đức của tổ tiên; hội tụ, đoàn kết con cháu, giao lưu, kết nối yêu thương, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc; tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống, nề nếp gia phong tốt đẹp của cha ông, xây dựng dòng họ ngày càng lớn mạnh, trường tồn và phát triển.
Đồng thời, lan tỏa những giá trị tốt đẹp về lịch sử của dòng tộc trong cộng đồng, góp phần giáo dục ý thức dân tộc, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Các nhân vật lịch sử được vinh danh:
Sứ thần, Quận công, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường (1681- 1738): Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712); làm quan trải nhiều chức đến Đông các Đại Học sĩ, gia tặng Công bộ Thượng thư, tước Cần Quận công. Với vai trò Chánh sứ của triều đình Đại Việt vào thời Lê trung hưng, ông đã làm trọn việc “toàn quân mệnh”, không làm “nhục mệnh vua” của một Sứ thần trong giai đoạn vương triều có nhiều biến chuyển, mở đầu cho truyền thống ngoại giao xuất sắc, lừng lẫy của dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần.
Sứ thần Nguyễn Trọng Đương (1723-1786): Ông là con trai thứ của Sứ thần, Quận công, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769) đời Vua Lê Hiển Tông; làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý, Phó sứ sang nhà Thanh (1761). Trở về được phong Đốc trấn Lạng Sơn, có công trùng tu và biên soạn Văn bia đài Ngưỡng Đức trên ải Nam Quan, là một văn bia có giá trị về mặt lịch sử, văn học, về ranh giới địa lý, cửa khẩu biên giới cùng với sự bang giao giữa hai nước Việt - Trung, thể hiện lòng tự tôn dân tộc, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…
Sứ thần Nguyễn Trọng Đường (1746-1811), cháu đích tôn của sứ thần Nguyễn Trọng Thường và cháu gọi sứ thần Nguyễn Trọng Đương bằng chú ruột; Năm 34 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Hợi - Cảnh Hưng 40 (1779) đời Vua Lê Hiển Tông; làm quan tới chức Đông các Đại Học sĩ, tước Chi Phong bá. Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) ông làm Phó sứ sang nhà Thanh, được Hoàng đế nhà Thanh khen ngợi ban chức “Lưỡng quốc Hàn lâm” và bức đại tự “Tam thế sứ hoa” thêu trên lá cờ bằng gấm đặc biệt nổi danh đất Trung Châu.
Sứ thần Nguyễn Trọng Võ, con trai của Sứ thần Nguyễn Trọng Đường. Ông là Hàn lâm viện Thị độc sĩ, thăng đến Binh bộ Hữu Thị lang, Thự Hữu Tham tri bộ Binh, hàm Tòng nhị phẩm; Phó sứ sang nhà Thanh năm Giáp Thân (1824), khi trở về, đem theo sách “Đài quy” dâng lên Vua Minh Mệnh. Với sách này, triều đình Huế đã tham khảo và hoàn thiện hệ thống Lục khoa (6 khoa, tương ứng với sáu bộ: Lại, Lễ, Binh, Hộ, Hình, Công) và chức quan Giám sát Ngự sử, góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan ở Trung ương với các thành, doanh, trấn. Năm Mậu Tý (1828) ông lại được tiến cử Chánh sứ sang nhà Thanh, có thứ phu nhân là Nguyễn Thị Sách cùng đi.