Đồng Thành: Phát triển nghề nuôi ong
(Baonghean) - Xã miền núi Đồng Thành, huyện Yên Thành được thiên nhiên ưu đãi với nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Hiện toàn xã có khoảng 150 hộ theo nghề và đã mang lại nguồn thu nhập cao.
Gia đình anh Phạm Văn Lợi ở xóm Đồng Trung (xã Đồng Thành) là một trong những hộ có “thâm niên” nhiều năm với nghề “chăn ong, vắt mật”. Anh được xem là người nắm được nhiều “bí quyết” trong nghề nuôi ong ở địa phương. Để theo đuổi được nghề này, trước đây anh đã cất công đi tìm người có nhiều kinh nghiệm trong nghề và tham khảo kiến thức qua sách báo, tài liệu để nghiên cứu tập tính sinh sống của loài ong và kỹ thuật nuôi ong mật. Nếu như cách đây 12 năm anh mới nuôi thí điểm 2 tổ, thì nay đã nhân lên trên 100 tổ.
Cùng với đó, toàn bộ diện tích vườn nhà, anh trồng trên 100 cây nhãn lồng, vải thiều, vừa có thêm thu nhập và cũng là nguồn nguyên liệu để ong cho mật. Nhờ đúc rút được kinh nghiệm, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, mỗi năm đàn ong của gia đình anh cho sản lượng mật gần 500 lít. Với giá bán hiện nay từ 270 - 300 nghìn đồng/1 lít mật, thì mỗi năm gia đình anh cũng thu lãi cả trăm triệu đồng. Anh Phạm Văn Lợi chia sẻ: Theo đúc kết kinh nghiệm, muốn ong phát triển, khoẻ, về mùa đông phải thường xuyên kiểm tra ong, mỗi tuần một lần. Nếu phát hiện ong bệnh thì phải xử lý kịp thời, đặc biệt là bệnh thối ấu trùng. Bắt đầu bước sang mùa xuân thì phải thay con chúa mới, khoẻ và trẻ để ong sinh sản nhanh, tăng năng suất, chất lượng mật.
Anh Phạm Văn Lợi, xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành) hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong mật. |
Cũng theo kinh nghiệm của bà con ở đây, đặc thù của loài ong là tự nhân đàn, bởi ong sinh sản rất nhanh, 2 đến 3 tháng là có một số lượng ong thợ khá lớn. Vào mùa xuân tiết trời ấm áp, có nhiều hoa và đây là vụ mật chính trong năm, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch (thời gian còn lại do lượng hoa ít, nên lượng mật sản xuất ra chỉ đủ cho việc nuôi dưỡng ong). Nếu chăm sóc tốt, sau một năm, một đàn có thể tách ra thành 5 đến 6 đàn. Nuôi ong, công sức và thời gian chỉ bằng nửa làm ruộng và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi người nuôi phải có sự khéo léo, cần mẫn. Theo thống kê, hiện nay ở xã Đồng Thành đã có trên 1000 tổ ong lấy mật, với 150 hộ tham gia, tập trung nhiều nhất ở 8 xóm vùng đồi. Ông Lê Thạc Phú ở xóm Đồng Phú, xã Đồng Thành cho hay: Về thu nhập thì nuôi ong không mất nhiều chi phí, chỉ đầu tư về khâu kỹ thuật và thời gian. Tuy mới tham gia nghề này nhưng thấy hiệu quả cao hơn rất nhiều so với chăn nuôi gà, lợn, trâu bò. Đặc biệt sản phẩm không kịp đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Là vùng đồi, bán sơn địa có nhiều tiềm năng lợi thế với 1.731 ha đất rừng và vườn rừng, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Đảng uỷ, chính quyền xã Đồng Thành đã xem nghề nuôi ong lấy mật là một trong những nghề phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người nông dân. Được sự giúp đỡ của Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật miền Tây và Công ty ong Nghệ An, năm 2013, Hội Nông dân xã đã phối hợp tổ chức lớp đào tạo nghề ngắn hạn về kỹ thuật nuôi ong mật với 100 hội viên nông dân tham gia. Sau khi kết thúc khoá học, tất cả hội viên đã thực hiện mô hình ngay tại gia đình, bước đầu đã đưa lại hiệu quả khá rõ nét. Ông Lương Văn Hoàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Thành cho biết: Trong thời gian tới xã sẽ tiến hành sơ kết 6 tháng đầu năm, qua đó tập hợp nắm lại từng chi hội, từng gia đình để tổng kết sau khi kết thúc lớp học. Sau khi có số liệu cụ thể, căn cứ vào lợi thế của từng vùng, từng khu vực, trong đó tập trung ưu tiên phát triển nghề nuôi ong ở 8 xóm vùng đồi. Đồng thời tham mưu cho đảng uỷ, UBND xã tìm nguồn vốn để hỗ trợ cho những hộ có nhu cầu nuôi ong, nhưng đang còn hạn chế về kinh tế.
Có thể nói, nghề nuôi ong mật ở xã Đồng Thành đã và đang mở ra một hướng làm giàu bền vững cho nhiều hộ dân. Song để các hộ nuôi ong mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho quê hương thì các ngành chức năng cần có sự quan tâm về nhiều mặt, cũng như áp dụng chính sách hỗ trợ phù hợp để tiến tới xã thành lập Hội nuôi ong mật. Đây được coi là tiền đề quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Bài, ảnh: T.Dương - H.Nhung