"Đột phá" từ giáo dục
(Baonghean) - Sau khi chia tách, huyện Nghĩa Đàn được coi là vùng “lõm” về mọi mặt. Trong điều kiện khó khăn chung đó, lĩnh vực giáo dục - đào được xác định là khâu “đột phá”. Với sự nỗ lực vượt khó vươn lên, nay giáo dục Nghĩa Đàn đã có bước chuyển trong phong trào dạy và học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...
Nâng cao chất lượng mũi nhọn
Trường THCS Phú Thọ được sáp nhập từ Trường THCS Nghĩa Phú và Trường THCS Nghĩa Thọ thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Nghĩa Đàn cũ; việc chăm lo cho con em học tập hạn chế; chất lượng giáo dục của trường nằm trong tốp cuối của huyện. Năm học 2012 – 2013, chất lượng đầu vào lớp 10 của trường đứng thứ 15/17 trường THCS. Thầy Ngô Văn Hoạt, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, cho biết: Chất lượng dạy và học của trường sẽ không khá lên được nếu không có cuộc làm việc của Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn với lãnh đạo địa phương và 3 trường học trên địa bàn. Nhận trách nhiệm trước Thường trực Huyện ủy, nhà trường tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, như đổi mới phương pháp dạy học; phân loại đối tượng học sinh, tăng phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi; thay đổi cách xếp loại, thi đua,... Nhờ đó, năm học 2013 – 2014, điểm thi đầu vào lớp 10 của trường vươn lên xếp thứ 6/17 trường trong toàn huyện; chất lượng mũi nhọn xếp thứ 8 và chất lượng đại trà xếp thứ 7. Theo thầy Ngô Văn Hoạt, điều quan trọng là thông qua chất lượng dạy học và cải thiện điều kiện học tập của học sinh, nhà trường từng bước khẳng định thương hiệu của mình, do đó, 2 năm qua không có học sinh trên địa bàn xã ra thị trấn học.
Buổi học theo công nghệ VNEN tại Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn. |
Không riêng Trường THCS Phú Thọ, nhiều trường học trên địa bàn huyện cũng đã chăm lo và có bước cải thiện đáng kể về chất lượng dạy và học. Đồng chí Phan Tiến Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, chia sẻ: Thời điểm mới chia tách, chất lượng giáo dục – đào tạo của Nghĩa Đàn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, đứng thứ 17/20 huyện, thành, thị. Nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trên cơ sở nắm chắc và “bắt mạch” đúng hạn chế, yếu kém của từng trường để giao cho Phòng GD – ĐT chỉ đạo về chất lượng. Đặc biệt, Thường trực Huyện ủy luôn ủng hộ những cách làm mới, sự quyết liệt của Hiệu trưởng các nhà trường, sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng làm “cuộc cách mạng” để nâng cao chất lượng giáo dục. Quan tâm đưa vào quy hoạch để đề bạt, bổ nhiệm những giáo viên có thành tích dạy giỏi, có học sinh giỏi các cấp... Nhờ đó, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, cải thiện được vị thế, kể cả phong trào dạy - học chung và chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn. Nếu như năm học 2010 – 2011, điểm thi vào lớp 10 chỉ đạt điểm bình quân 16,26 điểm thì năm học 2013 – 2014 đã đạt 26,35 điểm, tăng 10,9 điểm. Số học sinh giỏi tỉnh năm sau cao hơn năm trước và cải thiện 2 bậc so với bảng xếp hạng toàn tỉnh..
Phát triển toàn diện giáo dục
Song song với chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Nghĩa Đàn cũng đã tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tạo sự phát triển toàn diện của giáo dục, đồng thời để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 có 60 – 65% trường đạt chuẩn quốc gia mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra. Điều đáng ghi nhận ở Nghĩa Đàn, quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia trong điều kiện nguồn lực của huyện khó khăn; công tác xã hội hóa còn hạn chế; ảnh hưởng của thời kỳ dài nông, lâm trường, nhà trẻ đang còn bao cấp nên ỷ lại, nhưng các địa phương đã nỗ lực vươn lên, tranh thủ để lồng ghép các nguồn lực ưu tiên xây dựng trường chuẩn. Nghĩa Thọ là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; có 85% dân số là đồng bào dân tộc Thổ, Thái, Thanh sinh sống; tỷ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ 2010 – 2015 là 31,5%. Đồng chí Trương Công Cánh, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Cách làm của Nghĩa Thọ là tập trung ưu tiên nguồn đầu tư từ Chương trình 135 và các nguồn hỗ trợ khác để xây dựng trường học khang trang, mua sắm các thiết bị phục vụ dạy học, hệ thống bàn ghế, bảng đen đạt chuẩn.... Đối với các công trình phụ trợ khác, từ sân trường, bãi tập, mái che, tường rào, nhà để xe, nhà vệ sinh; bồn hoa, thảm cỏ, cây xanh, tạo khuôn viên các nhà trường xanh – sạch – đẹp đều từ sức đóng góp bằng tiền, vật liệu và ngày công của người dân. Riêng về các điều kiện về tổ chức, quản lý nhà trường, về đội ngũ, về chất lượng giáo dục được giao cho các nhà trường chịu trách nhiệm để đạt chuẩn. Bằng cách làm đó, đến nay cả 2 trường học tiểu học và mầm non của Nghĩa Thọ đều đạt chuẩn (bậc THCS được sáp nhập vào xã Nghĩa Phú). Cô Chu Thị Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Thọ, cho biết: “Các điều kiện, yếu tố cần có của trường chuẩn quốc gia đều đã được đáp ứng, đảm bảo yêu cầu hoạt động toàn diện của nhà trường, tạo cơ hội cho con em nông thôn được hưởng thụ môi trường giáo dục tốt, đồng thời tạo động lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường gắn bó và trách nhiệm với trường lớp hơn. Đó là cái được của việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở Trường Tiểu học Nghĩa Thọ”.
Cũng thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, nhưng Trường Mầm non Nghĩa Lợi hiện cũng đang sở hữu một cơ ngơi vật chất khá đàng hoàng nhờ lồng ghép các nguồn lực; có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, theo đó đội ngũ nhà trường hiện cũng có trên 80% đạt trình độ trên chuẩn; đồng thời đổi mới phương pháp dạy và chăm sóc nuôi dưỡng các cháu để thực hiện ước mơ của chính quyền địa phương và người dân xây dựng trường đạt chuẩn. Có thể nói, từ chính nỗ lực của từng địa phương, từng trường học, đến nay toàn huyện Nghĩa Đàn đã có 39/69 trường được công nhận đạt chuẩn, chiếm 56,52%. Và nếu đến hết năm 2015 này có thêm 3 trường đạt chuẩn theo kế hoạch thì Nghĩa Đàn sẽ hoàn thành mốc đầu mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra là có 60% số trường đạt chuẩn. Đồng chí Võ Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: “Con số này so với mặt bằng chung toàn tỉnh thì chưa phải là tốp đầu nhưng nó cũng đã phản ánh được sự nỗ lực lớn của Nghĩa Đàn, bởi trường đạt chuẩn quốc gia với yêu cầu đảm bảo 5 tiêu chí, đó là sự phản ánh toàn diện nhất của giáo dục Nghĩa Đàn”.
Mai Hoa