Dự án di dời dân vùng sạt lở 'đắp chiếu' 7 năm

28/09/2017 06:37

(Baonghean) - Dự án di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, lũ quét sạt lở ở bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Qùy Hợp đã được triển khai từ năm 2010. Tuy nhiên, sau 7 năm, dự án mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 là san nền tạo mặt bằng. Vì chưa có điện lưới và nước sinh hoạt nên 31 hộ dân vùng tái định cư chưa thể di dời lên nơi ở mới an toàn.

Từ thị trấn Quỳ Hợp vào xã Liên Hợp chỉ khoảng 15 km nhưng con đường bị hư hỏng trầm trọng, do xe ô tô trọng tải lớn chuyên chở nguyên vật liệu ngày đêm phá nát. Đây cũng là địa bàn thuộc diện khó khăn nhất của huyện miền núi Quỳ Hợp. Đời sống của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Giao thông đi lại khó khăn càng làm cho cuộc sống của người dân của xã vất vả hơn.

Những ngôi nhà xập xệ của bà con bản Quắn, xã Liên Hợp (Quỳ Hợp) dưới chân núi. Ảnh: Ngô An
Những ngôi nhà xập xệ của bà con bản Quắn, xã Liên Hợp (Quỳ Hợp) dưới chân núi. Ảnh: Ngô An

Theo chân cán bộ xã Liên Hợp, vượt qua nhiều con dốc cao, chúng tôi đến với bản Quắn. Đây là một trong những bản đồng bào Thái khó khăn nhất trên địa bàn huyện Qùy Hợp. Con đường vào bản lầy lội, gồ ghề khiến cho việc giao thương, buôn bán của bà con vùng cao nơi đây hết sức vất vả. Theo cán bộ địa phương cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc “nghèo vẫn hoàn nghèo” của người dân đó là luôn phải sống chung với mưa lũ và sạt lở đất hàng năm.

Anh Vi Văn Phong ở bản Quắn, thở dài: “Nhà tôi ở mép bờ sông, mỗi mùa mưa lũ về là ai cũng nơm nớp lo sợ. Còn nhớ cách đây 8 năm, khi trận lũ quét lịch sử vào tháng 9/2009 tràn qua, nước ngập đến mái nhà, các hộ dân sống hai bên bờ sông, suối vùng vẫy trong mưa lũ để tìm nơi tránh trú. Sau đó, tôi có nghe Nhà nước có chính sách di dân ra khỏi vùng lũ khẩn cấp nên mừng lắm. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn phải ở nhà cũ với những lo lắng khi mưa to, gió lớn”.

Còn bà Vi Thị Xuân ở bản Quắn chia sẻ: “Biết được gia đình mình nằm trong diện di dời thì mừng lắm, nhưng cứ đợi mãi hàng mấy năm trời cũng chưa thấy chuyển. Mỗi khi có mưa to kéo dài là nước sông ngập hết nhà. Ngược lại, về mùa nắng nóng thì không có nước để dùng sinh hoạt”.

Ông Lô Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Liên Hợp cho biết thêm: Xã đã đề cập vấn đề chậm trễ trong di dân cùng sạt lở rất nhiều lần trong những cuộc họp hội đồng, tiếp xúc cử tri, đồng thời đã gửi văn bản báo cáo cho các cấp chính quyền. Mong muốn lớn nhất của địa phương là dự án sẽ tiếp tục được thi công giai đoạn 2. Sau khi người dân có nơi ở mới an toàn, xã sẽ khai hoang những khu đất gần đó để trồng lúa nước cho bà con ổn định cuộc sống.

Lầy lội trên tuyến đường lên điểm tái định cư bản Quắn. Ảnh: Ngô An
Lầy lội trên tuyến đường lên điểm tái định cư bản Quắn. Ảnh: Ngô An

Ông Trương Văn Nam - Trưởng ban Quản lý dự án huyện Qùy Hợp cho biết: Dự án di dời dân khẩn cấp tại vùng thiên tai, sạt lở trên địa bàn huyện được triển khai từ năm 2010 với tổng kinh phí là 31 tỷ đồng ở 2 xã Liên Hợp và Châu Tiến. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 san nền đã được đầu tư trên 17 tỷ đồng; còn giai đoạn 2 kéo điện lưới và hệ thống nước sạch hiện vẫn chưa triển khai. Trong quá trình thực hiện, do công tác quyết toán hồ sơ của công trình chậm, cùng với chưa có vốn nên giai đoạn 2 chưa thể thực hiện. Do đó, hàng chục hộ dân vùng ảnh hưởng vẫn phải chờ đợi.

Hiện tại, điểm tái định cư bản Quắn chỉ là 2 bãi đất trống với đầy cỏ cây, làm nơi chăn thả trâu bò của đồng bào, chưa hề có điện lưới và nước sinh hoạt. Trước thực trạng đó, 31 hộ dân là đồng bào Thái vùng tái định cư ở bản Quắn vẫn phải ở trong những ngôi nhà liêu xiêu bên sông suối, không điện, không nước, chập chờn sóng điện thoại và có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào khi mưa lũ về.

Ngô An

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Dự án di dời dân vùng sạt lở 'đắp chiếu' 7 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO