Du học sinh tại Hàn Quốc: Sơ hở là... trốn

Mỹ Hà 30/05/2019 14:34

(Baonghean) - Du học Hàn Quốc đang ngày được nhiều học sinh Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng lựa chọn. Mặc dù vậy, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều du học sinh thay vì đi du học lại lựa chọn trốn ra ngoài làm việc và cố tình phủ nhận mọi trách nhiệm liên quan.

“Thiệt đơn, thiệt kép”

Năm 2018, Thái Thị T là một trong những học sinh được nhận học bổng du học tại Trường Đại học Daegutech của Hàn Quốc thông qua một công ty môi giới. Thời gian đầu mới sang, cũng như nhiều học sinh khác, T thường xuyên trao đổi với nhân viên công ty môi giới ở Việt Nam về công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Vậy nhưng, chỉ một thời gian ngắn, sau kỳ nghỉ đông, Thái Thị T bỗng dưng ngừng liên lạc với công ty, dù rằng các tin nhắn mà công ty gửi đến qua điện thoại di động và trang cá nhân, T vẫn nhận được. Sau sự cố này, công ty cũng đã về gia đình T ở xã Hòa Sơn (Đô Lương) nhiều lần để trao đổi nhưng không có kết quả. Thời điểm T cắt đứt liên lạc, du học sinh này cũng đã gần học xong khóa học ngoại ngữ và chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ trở thành sinh viên chính thức của nhà trường và được nhận học bổng.

Đào tạo tiếng cho học sinh chuẩn bị du học sang Hàn Quốc. Ảnh: Mỹ Hà
Đào tạo tiếng cho học sinh chuẩn bị du học sang Hàn Quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, Nguyễn Xuân H cũng là một du học sinh khiến cho công ty môi giới điêu đứng vì tự ý trốn ra ngoài sau khi đã nhập học ở Trường Đại học Kangwon. Quá trình theo học, H từng có thời gian ngắn xin về nhà để cưới vợ rồi sau đó quay trở lại Hàn Quốc. Tuy nhiên, sang chưa được bao lâu thì H tự ý nghỉ học và cắt đứt liên lạc với công ty, rồi sau đó bị bắt trở về nước khi đang “sống chui” ở nước bạn.

Mặc dù công ty đã điều tra khá kỹ lý lịch của học sinh trước khi đi du học nhưng việc du học sinh bỏ trốn vẫn diễn ra và đa phần sau đó công ty đều không liên lạc được. Về phía công ty, việc du học sinh bỏ trốn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của Công ty như uy tín, tâm lý học sinh ở lại. Hơn thế, phía đối tác là các trường đại học sẽ cắt đứt hợp tác nếu để xảy ra một trường hợp du học sinh bỏ học”

bà Nguyễn Thị Yến - điều hành mảng du học một công ty cổ phần du học sinh

Nói về vấn đề này, bà Trịnh Thị Huyên - Tổng Giám đốc một công ty du học trên địa bàn TP Vinh cho biết: “Hiện nay, xu hướng chính của Nghệ An là học sinh đi du học ở thị trường trung bình và chủ yếu là thị trường Hàn Quốc. Điều này cũng dễ hiểu, vì chính sách của Hàn Quốc tiếp nhận du học sinh Việt Nam khá dễ và hiện nay 80% du học đều đi theo diện visa thẳng (không phải phỏng vấn). Những thuận lợi này lại dẫn đến những khó khăn khác, đó là du học sinh bỏ trốn và đáng buồn là thực trạng này diễn ra ngày càng nhiều.

Riêng ở công ty chúng tôi, trong 3 năm trở lại đây đã có 5 trường hợp bỏ trốn, trong đó có 3 du học sinh đang theo học ở trường “độc quyền” của đơn vị. Rất nhiều trường hợp, dù ở nhà phụ huynh và học sinh đã cam kết nhưng sang đến Hàn Quốc là bỏ trốn. Bản thân công ty, sau khi bỏ trốn, chúng tôi không có phương án nào để xử lý. Trong khi đó, về phía đối tác Hàn Quốc, họ không quan tâm các công ty Việt Nam ràng buộc học sinh bằng cách nào. Tuy nhiên, nếu để xảy ra học sinh bỏ trốn thì các công ty Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và họ sẵn sàng chấm dứt hợp tác với chúng tôi.

Cần có chế tài ràng buộc

Liên quan đến việc du học sinh bỏ trốn, bà Trịnh Thị Huyên cũng cho biết: “Hai năm nay thị trường du học Hàn Quốc đã trở thành thị trường có tiềm năng. Nhưng về lâu dài, thị trường này sẽ ngày một khó khăn do ảnh hưởng của việc du học sinh bỏ trốn. Thực tế, nếu như năm 2018, Việt Nam có 70 trường của Hàn Quốc nhận du học sinh nhưng nay thì chỉ còn 30 trường”.

Tư vấn cho du học sinh trước khi đi du học tại Hàn Quốc. Ảnh: Mỹ Hà
Tư vấn cho du học sinh trước khi đi du học tại Hàn Quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Để quản lý du học sinh bỏ trốn, thời gian qua, các công ty cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉ ra những hậu quả, những rủi ro khi du học sinh bỏ trốn.

Bà Lê Thị Minh - Trưởng đại diện một công ty trên địa bàn Nghệ An chia sẻ: “Khó nhất vẫn là tuyên truyền vận động để các em thấy được những hậu quả khi bỏ học ra ngoài. Chúng tôi cũng khuyên các em, khi đã xác định đi du học thì cần phải quyết tâm vì chính phủ Hàn Quốc có rất nhiều chính sách cho những du học sinh có ngoại ngữ tốt, có bằng tốt nghiệp. Còn nếu các em trốn ra ngoài, sẽ gặp nhiều rủi ro như bị trục xuất về nước, không có nhiều cơ hội việc làm... Hiện, để hạn chế du học sinh bỏ học, công ty cũng yêu cầu trong 6 tháng đầu tiên, học sinh phải ở ký túc xá để dễ quản lý và không bị “lôi kéo” ra ngoài làm thêm quá nhiều”.

“Trước khi học sinh xuất cảnh, chúng tôi đều yêu cầu phụ huynh và học sinh phải cam kết. Nhưng đó cũng chỉ là cam kết trên giấy tờ, còn chế tài xử lý thì đang hạn chế. Nếu yêu cầu gia đình phải để lại giấy tờ để “thế chấp” hay “ký quỹ” thì không đúng quy định của pháp luật...”

Ông Hoàng Hải An - Giám đốc một công ty du học trên địa bàn TP Vinh

Tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho lao động sau thông tin thị trường Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận. Ảnh: Nguyễn Hải
Do gặp khó khăn trong quá trình quản lý nên giải pháp thiết thực nhất mà các công ty du học thực hiện là tìm hiểu kỹ lý lịch đối tượng có nhu cầu du học, đặc biệt là đối với những gia đình có người làm việc ở Hàn Quốc, đề phòng trường hợp du học sinh bị lôi kéo. Ngoài ra, du học sinh cũng cần có kết quả học tập khá tốt để làm căn cứ xác định chính xác mục đích chính của việc du học là để học hay để đi làm. Bên cạnh đó, tư vấn kỹ cho gia đình học sinh và định hướng những ngôi trường phù hợp với điều kiện kinh tế của học sinh, tránh tình trạng, do bị áp lực về kinh tế, về học phí mà học sinh phải đi làm thêm quá nhiều hoặc trốn ra ngoài làm việc.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An mỗi năm có gần 1.300 học sinh đi du học và 80% là ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Tình trạng du học sinh bỏ trốn không chỉ ảnh hưởng đến các công ty có du học sinh mà liên đới đến nhiều học sinh khác đang có ý định đi du học và xa hơn là tác động xấu đến thị trường xuất khẩu lao động.

“Xu hướng du học trên địa bàn tỉnh đang ngày càng nhiều và đây là một cơ hội để nâng cao năng lực, chất lượng nguồn lao động. Tuy nhiên, để du học thực chất, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc định hướng để các em chọn đúng trường, đúng nghề. Song song với đó là tăng cường đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán. Chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị đã được cấp phép hoạt động tư vấn du học trên địa bàn tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm của tổ chức dịch vụ tư vấn du học. Trong trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc, phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính sách của người đi du học và có trách nhiệm phối hợp giải quyết các vướng mắc, rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, khuyến khích các đơn vị triển khai chương trình du học có học bổng để thu hút nhiều hơn nữa những học sinh có năng lực, có trình độ và nâng cao chất lượng du học sinh”.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Mới nhất

x
Du học sinh tại Hàn Quốc: Sơ hở là... trốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO