Du học sinh Việt Nam có nên về nước khởi nghiệp?

02/12/2014 15:42

Nơi nào có nhiều khó khăn thì cũng có nhiều cơ hội cho những người có tài, có tâm muốn đóng góp tạo nên thay đổi cho đất nước.

Du học sinh Việt Nam
Du học sinh Việt Nam

Du học sinh - nguồn nhân lực quan trọng của nước nhà

Đây là đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu trong một chương trình dành cho các cựu du học sinh diễn ra ở Hà Nội vào chiều tối ngày 29/11.

Hiện Việt Nam đang có một lượng du học sinh khá lớn. Những du học sinh này đã có điều kiện tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và họ chính là lực lượng nhân sự quan trọng trong quản trị nhà nước, doanh nghiệp cũng như nghiên cứu khoa học…

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Bà Lan cho phóng viên VOV biết, nếu thu hút được du học sinh về nước thì sẽ góp phần cải thiện được nguồn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ưu điểm của những người học ở nước ngoài là họ được đào tạo những kỹ năng tương ứng ở những nước mà họ học. Ưu điểm thứ hai là họ có kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa ở bên ngoài, họ hiểu được các nhà đầu tư nước ngoài cần gì. Ưu điểm thứ ba là bản thân họ là người Việt Nam tràn đầy tinh thần yêu nước, với mong muốn đất nước sẽ phát triển hơn nữa. "Các du học sinh có đủ điều kiện để kết nối nhu cầu trong nước với nhu cầu của các nhà đầu tư, từ đó có thể làm cho hai bên hiểu nhau hơn một cách thuận lợi nhất", bà Phạm Chi Lan phân tích.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Bà Lan cho biết thêm, thực tế cho thấy, những người đầu tư thành công ở Việt Nam đều sử dụng tỷ lệ cao các du học sinh có năng lực, bản thân các du học sinh này cũng được nắm giữ những vị trí trách nhiệm cao.

Tập đoàn Unilever ở Việt Nam là một ví dụ. Các phó chủ tịch trong bộ máy của tập đoàn này là người Việt Nam như chị Trần Vũ Hoài, chị Đào Tuyết Mai và nhiều nhân vật khác đang làm việc nắm giữ những vị trí quan trọng về kinh doanh, nhân sự, cộng đồng. Tập đoàn Unilever thành công ở Việt Nam vì họ có nguồn nhân lực giỏi, có trách nhiệm. Những người này có khả năng kết nối tập đoàn với mạng lưới các công ty vừa và nhỏ ở Việt Nam, bà Lan nói.

Bản thân là một người từng đi tu nghiệp ở Thụy Sỹ về, anh Chu Hồng Minh, sáng lập viên của Mạng Du lịch Khách sạn Việt Nam (Hospitality.vn) nhận định với phóng viên VOV, du học sinh Việt Nam thường là những người có xu hướng hướng ngoại, có tư duy mở, sẵn sàng kết nối, hợp tác và dám nghĩ lớn.

Mặt khác các du học sinh cũng có những điều kiện thuận lợi khi được học ngôn ngữ ngay tại chính quốc gia sở tại. Hơn thế nữa du học sinh có thể học hỏi được rất nhiều những mô hình tiên tiến ở nước ngoài, từ đó áp dụng và mang về Việt Nam với những điều chỉnh phù hợp, anh Minh nhận xét.

Đường về nước khởi nghiệp còn lắm gian nan

Những du học sinh khi về nước đều có những khát khao cống hiến. Nhưng nhiều khi về nước các bạn du học sinh lại bị "dội gáo nước lạnh" khi phải đối mặt với những mâu thuẫn của môi trường làm việc ở Việt Nam. Chính điều này đã làm triệt tiêu hết động lực của các bạn trẻ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết, trong dân gian vẫn tương truyền câu nói “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” đã làm hạn chế khả năng tìm được việc làm của các du học sinh. Vấn đề then chốt nhất là phải làm sao cải thiện được môi trường làm việc, đặc biệt là môi trường làm việc nhà nước. Cải thiện môi trường làm việc ở đây không chỉ là cải thiện về lương bổng đãi ngộ mà trước hết phải tạo nên những điều kiện làm việc thuận lợi cho các du học sinh để giảm bớt tình trạng chảy máu chất xám.

Cựu du học sinh Chu Hồng Minh thì lại cho rằng, khó khăn đầu tiên là kỳ vọng của các bạn du học sinh đang hơi lớn và chưa sát thực tế. Ví dụ như các du học sinh về nước đều mong muốn ở một vị trí quản lý với mức lương khởi điểm khoảng 1000 USD, nhưng với chính sách đãi ngộ như ở Việt Nam, điều này chưa thể làm được. Thứ hai những kiến thức mà các bạn du học sinh học được ở châu Âu hay Mỹ có độ vênh lớn đối với môi trường Việt Nam. Khi các du học sinh muốn áp dụng một mô hình nào đó cho Việt Nam thì cần một vài năm kinh nghiệm.

Cựu du học sinh Chu Hồng Minh, sáng lập viên của Mạng Du lịch Khách sạn Việt Nam

Cựu du học sinh Chu Hồng Minh, sáng lập viên của Mạng Du lịch Khách sạn Việt Nam.

Các du học sinh về nước đều mong muốn đóng góp nhiều cho Việt Nam, nhưng đóng góp như thế nào, và được tạo điều kiện đến đâu cho những đóng góp của họ đều là những trăn trở chưa có lời giải đáp.

Vẫn còn nhiều bạn du học sinh có thực tài vẫn còn nhiều băn khoăn khi về nước bởi các bạn biết con đường về Việt Nam khởi nghiệp có rất nhiều gian nan sắp tới phải đối mặt.

Muốn khởi nghiệp ở Việt Nam, phải biết “lãng mạn”

Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Consulting Group, cựu du học sinh Mỹ chia sẻ: “Thiếu lãng mạn thì làm kinh doanh trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam sao được. Bởi hệ số an toàn kinh doanh ở Việt Nam là rất thấp, vậy nên cứ lạc quan mà hướng về phía trước. Tôi đã phải đặt sổ đỏ đến lần thứ 3 mới ‘sống’ được như hiện nay”.

“Tôi không có sáng tạo gì nhiều chỉ biết bắt chước, thấy ở nước ngoài có gì mà về Việt Nam chưa có thì tôi làm theo. Lời khuyên của tôi là các bạn phải luôn giữ tinh thần lạc quan không sợ thất bại”, ông Đức nói.

Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ hợp Công nghệ và Giáo dục TOPICA, cựu du học sinh Mỹ 10 năm về trước, cũng thú nhận mình là một người khá “lỳ” khi khởi nghiệp. Trong 5 năm đầu, ông Tuấn đã thất bại tới 3,4 lần trong các lĩnh vực cung cấp thẻ ngân hàng, đấu thầu kênh truyền hình kỹ thuật số, kinh doanh mạng xã hội…

Từ phải sang

Nhưng đối với ông Phạm Minh Tuấn, nếu không “lỳ” sẽ không làm gì được. Bởi thế ông đã quyết tâm đứng dậy và làm tiếp, quyết không “chết” để có thể “tồn tại” và 5 năm trở lại đây, những nỗ lực của ông Tuấn đã đạt được nhiều kết quả như ý.

Ông Tuấn cũng đưa ra con số rất thú vị trong lĩnh vực thương mại điện tử là 20 công ty Internet thành công nhất ở Việt Nam thì các sáng lập viên thường ở độ tuổi 29, và phải khởi nghiệp đến lần thứ 3 thì mới có thể thành công được.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, môi trường Việt Nam hiện nay có nhiều khó khăn thì cũng có rất nhiều cơ hội cho những người có thực tài, đặc biệt là những người có tâm với mong muốn đóng góp tạo nên thay đổi cho đất nước.

“Thay vì ngồi một chỗ than thở, phê phán thì các bạn phải hành động. Những người khởi nghiệp đừng nên chấp nhận theo những lối mòn đã định sẵn mà hãy có tinh thần đóng góp để tạo sự thay đổi. Mỗi người đóng góp một chút mới có thể tạo nên được những thay đổi lớn lao”, bà Lan nói

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, chân thành chia sẻ: “Điều tôi học được, đầu tiên nếu chúng ta muốn làm gì thì cũng phải nắm rõ được bản chất của vấn đề, của sự vật. Thứ hai nếu đã quyết định ở lại, chúng ta phải dám sống với đất nước này, với thể chế này và với tất cả những điều còn chưa tốt lành ở đây. Chúng ta sống trong đó, song chúng ta vẫn là chúng ta, vẫn là những con người cá thể, như thế không lâu sau bạn sẽ có thể thành công”.

Theo VOV

Mới nhất

x
Du học sinh Việt Nam có nên về nước khởi nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO