Du lịch cộng đồng là hướng đi tiềm năng ở tỉnh Nghệ An
Phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới, đầy tiềm năng trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân bản địa ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An.
Dân tộc Đan Lai hiện chỉ còn hơn 3.000 người, sống rải rác ở 6 xã miền núi huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Đến bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, du khách có thể dừng chân và tận hưởng cảm giác trở về với một bản làng nguyên sơ đúng nghĩa. Du khách có thể tham quan làng bản, thăm cây đa cổ thụ 400 tuổi, đi bộ trên núi Bà Hoàng, ngắm khung cảnh nên thơ hùng vĩ của huyện miền núi Con Cuông; tham quan thác Khe Kèm, tắm suối và thư giãn; thả bộ ngắm các đồi chè mênh mông bạt ngàn...
Hơn hết, du khách cũng có thể ngủ qua đêm ở nhà sàn, được ăn tối với những món ăn mang đậm chất địa phương do dân bản phục vụ, xem biểu diễn văn nghệ với các tiết mục truyền thống của dân tộc Thái.
Chị Lô Thị Hoa, một trong những gia đình được chọn là điểm dừng chân lưu trú của du khách tham quan cho biết tháng 7/2011 khi một đoàn khách du lịch về tham quan tại bản Nưa, nhiều du khách muốn tìm một gia đình để thuê nhà ngủ, để cùng thưởng thức các món ăn của địa phương và tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái
Với tinh thần hiếu khách, thân thiện chị và chồng là anh Vi Văn Thụ đã đồng ý cho đoàn khách đó nghỉ tại nhà mình. Tối hôm đó gia đình chị và các du khách đã cùng nhau ăn cơm tối, uống rượu cần và chuyện trò rất vui vẻ với nhau. Khi đoàn khách ra về họ cũng không quên chụp hình chung với gia đình chị. Sau buổi hôm đó các du khách rất cảm ơn gia đình chị đã giúp họ được hòa mình vào cuộc sống của các người dân đồng bào dân tộc Thái.
Chính vì vậy, sau khi được anh Lê Thành Đô, Phó Phòng Giáo dục Môi trường và Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát gợi ý tham gia hoạt động du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan, chị Hoa đã nhận lời. Để phục vụ khách tham quan một cách tốt nhất, gia đình chị đã xây dựng công trình vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Chị cũng đã tham gia lớp tập huấn ngay tại địa phương do Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát tổ chức, đi tham quan giao lưu học hỏi kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại Bản Lác, tỉnh Hòa Bình
Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát cũng đã phối hợp với Hội phụ nữ tỉnh Nghệ An tổ chức lớp dạy nấu ăn cho trên 30 học viên với thời gian 3 tháng ngay tại bản Nưa để có thể phục vụ các món ăn địa phương của dân tộc Thái cho du khách tham quan như canh bon, canh khầu khiều, cơm lam, canh ọt, Chúp, lạp cá, canh nấm thơm…
Các tổ văn nghệ ngay tại bản Nưa cũng được hình thành với các tiết mục văn nghệ đặc sắc, đậm nét của đồng bào dân tộc Thái như các giai điệu dân ca, các điệu múa xòe, múa quạt, múa lăm vông.
Và cứ như thế khi du khách tới tham quan có nhu cầu, các món ăn truyền thống tại địa phương, các tiết mục văn nghệ sẽ được mang đến để phục vụ các du khách. Từ đó những nét đẹp văn hóa sẽ được quảng bá rộng rãi tới du khách tham quan; mặt khác thu nhập của người dân bản địa tham gia phục vụ khách tham quan cũng được nâng lên đáng kể, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Từ năm 2011 đến nay, gia đình chị Lô Thị Hoa cùng với gia đình anh Lô Đình Nhượng là hai điểm lưu trú đã tiếp đón trên 30 đoàn du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến tham quan tại bản Nưa. Có những đoàn với số lượng khách khá đông với tổng số trên 48 người
Chị Lô Thị Hoa chia sẻ thêm: các du khách tới tham quan tỏ ra khá thích thú với việc ngủ trên nhà sàn bằng đệm bông lau chứ không phải là ngủ trên giường giống như ở nhà nghỉ, khách sạn.
Một số du khách còn cho biết là khi được sống cuộc sống của người dân bản địa, họ không chỉ được tận hưởng cảm giác sống ở một miền quê hoang sơ đúng nghĩa mà an ninh trật tự trong các thôn bản cũng được đảm bảo.
Một số du khách khác lại ấn tương khi được xem các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái, họ hào hứng khi được diện những bộ váy của đồng bào Thái và còn muốn được tự tay dệt vải thổ cẩm và sau khi ra về họ cũng không quên mua các sản phẩm làm bằng thổ cẩm để làm quà cho người thân.
Con Cuông là huyện nằm trong khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn có những cảnh đẹp kỳ thú được thiên nhiên ban tặng, có Vườn Quốc gia Pù Mát. Mặt khác, ở đây còn có nhiều tộc người cùng sinh sống như Kinh, Thái , H'Mông, Ơ đu, Poọng, Đan Lai trong đó cộng đồng dân tộc Thái chiếm số lượng đông nhất với 74%, điều này tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa giữa các tộc người.
Vì vậy, một trong những giải pháp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc là đưa các giá trị văn hóa đó vào làm du lịch cộng đồng, thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng người dân địa phương có được những nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách tham quan. Tiếp đến là việc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện giao lưu văn hóa và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hóa được nâng cao.
Từ ý nghĩa thiết thực đó, tháng 6/2011, Vườn quốc gia Pù Mát đã ký Thỏa thuận đối tác thực hiện giữa Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Việt Nam và Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát về vai trò và nhiệm vụ của đối tác thực hiện dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê-Yên Khê-Lục Dạ-Môn Sơn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An,” với mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Sau gần 3 năm thực hiện dự án đã mang lại hiệu quả khá rõ nét. Tuy nhiên, theo ông Lê Thành Đô, Phó Phòng Giáo dục Môi trường và Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát: Lượng du khách tham gia loại hình du lịch cộng đồng là vẫn chưa lớn, đặc biệt là khách quốc tế, hoạt động triển khai mô hình du lịch cộng đồng còn gặp một số khó khăn nhất định nhất là việc làm thủ tục cấp giấy thông hành vào khu vực cấm.
Vì các điểm du lịch cộng đồng cũng như các điểm du khách tới tham quan thường nằm ở khu vực sát biên giới, phải có giấy thông hành mới đi vào được. Trong khi đó thủ tục để làm giấy thông hành hiện nay mất khá nhiều thời gian, rất khó khăn cho các đoàn khách tham quan cũng như Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát mỗi khi liên hệ tham quan.
Ở một số bản có những gia đình được chọn là điểm dừng chân lưu trú của du khách tham quan, hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ sinh hoạt của khách tham quan còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Thanh Mãi, Trưởng bản Xiềng, xã Môn Sơn cho biết bản Xiềng có 5 gia đình được chọn là điểm để khách lưu trú gồm: gia đình anh Lô Văn Thạch, Ngân Văn Yên, Vy Văn Kỷ, Vy Đình Diện và Lô Văn Thưởng. Tuy nhiên ở các gia đình này đều chưa có công trình vệ sinh khép kín, công trình vệ sinh chỉ được thiết kê thô sơ chưa đúng tiêu chuẩn hợp vệ sinh, chưa có hệ thống tự hoại; vệ sinh chuồng trại ở một số hộ gia đình trong bản vẫn còn chưa được xử lý và quy hoạch. Việc này khiến khách tới tham quan có nhu cầu lưu trú tại bản gặp rất nhiều bất tiện.
Trong thời gian tới, để loại hình du lịch này được khai thác hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Trong đó cần tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông vào các làng bản nằm trên các tour, tuyến du lịch.
Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ phiên dịch có kinh nghiệm tiếp khách, ngoại ngữ giao tiếp và đội ngũ nhân viên dịch vụ tại các thôn bản; hoàn thiện chiến lược tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch sinh thái cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách khám phá bản sắc văn hóa phong phú của các bản làng dân tộc./.
Theo Vietnam+