Du lịch tiên phong trong hội nhập cộng đồng chung ASEAN

28/11/2015 09:05

Cuối năm 2015, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức hình thành với 3 trụ cột chính: Cộng đồng chính trị- an ninh; Cộng đồng kinh tế; Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN sẽ tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trong đó có du lịch.

Du khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe xíchlô. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Du khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe xíchlô. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Cơ hội đan xen thách thức

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Cộng đồng ASEAN hình thành là sự kiện lớn, tác động đến tất cả mọi lĩnh vực, trong đó du lịch là lĩnh vực bị tác động đầu tiên và ngành cũng đã tiên phong trong hội nhập so với các lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Văn Tuấn nêu rõ: Bản thân các nước ASEAN là thị trường lớn, khi tham gia cộng đồng này, chúng ta có thể khai thác lượng khách tiềm năng rất lớn, nhất là khách quốc tế và thu hút đầu tư vào du lịch. Cộng đồng ASEAN tạo cơ hội cho các nước trong khu vực giao lưu, luân chuyển về mặt lao động. Chúng ta vừa có cơ hội đưa lao động của Việt Nam đến làm việc tại các nước trong khu vực, nhưng cũng có thể bị mất một số vị trí việc làm, đặc biệt là các vị trí quản lý cao cấp. Người lao động Việt Nam năng động, sáng tạo, thông minh, nhưng vẫn còn có hạn chế về trình độ, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, nhất là kỷ luật lao động. Chính vì vậy, nếu không nhanh chóng nâng cao năng lực, ngành du lịch cũng có nguy cơ bị thua ngay trên chính sân nhà.

Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập ASEAN đòi hỏi các nước phải tăng cường khả năng cạnh tranh, song cũng tạo ra các cơ hội hợp tác song phương, đa phương để tạo ra điểm đến chung ASEAN ngày càng hấp dẫn du khách quốc tế. Việc hợp tác này nhằm thực hiện các thông điệp như: 5 quốc gia 1 điểm đến, hoặc 3 quốc gia 1 điểm đến giữa Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan. Xu hướng liên kết này ngày càng trở nên mạnh mẽ và du lịch Việt Nam phải tận dụng cơ hội này. Cũng phải khẳng định thêm rằng, giữa 5 quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông nêu trên, đang có hợp tác chặt chẽ không chỉ trên các diễn đàn, mà bằng các hoạt động thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách từ các thị trường xa đến với khu vực ASEAN.

Biển Cửa Lò - một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam (ảnh minh họa)
Biển Cửa Lò - một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam (ảnh minh họa)

Về phía ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định đã chủ động, tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để hội nhập vào Cộng đồng ASEAN về du lịch, thông qua thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong nghề du lịch MRA-TP. Nhiều năm qua, ngành du lịch đã tập trung chuẩn bị các nội dung cần thiết, trong đó khâu quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp, người lao động hiểu được yêu cầu đặt ra, cơ hội và thách thức khi hội nhập; hoàn thiện 8 bộ tiêu chuẩn nghề do Dự án EU-ESRT hỗ trợ (VTOS) để được thừa nhận trong ASEAN; hình thành thể chế nghề lao động trong ngành du lịch, trong đó quan trọng là cho ra đời Hội đồng nghề du lịch quốc gia, Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch quốc gia...

Gấp rút hoàn thiện các tiêu chuẩn nghề du lịch

Năm 2015, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời, các nước trong cộng đồng sẽ thừa nhận lẫn nhau về văn bằng của người lao động, trong đó có nghề du lịch. Do đó, việc đưa ra các tiêu chuẩn chung để các nước áp dụng là hết sức cần thiết. Để tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs - Mutual Recognition Agreement), cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực; trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP).

Cải thiện kỹ năng nghề giúp lao động có chỗ đứng vững hơn trong công việc (ảnh minh họa)
Cải thiện kỹ năng nghề giúp lao động ngành du lịch có chỗ đứng vững hơn (ảnh minh họa)

Trong khu vực hiện đã hoàn thành Bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN cho 6 nghề du lịch thu hút nhiều lao động nhất là: Lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch, đại lí lữ hành. Hiện nay, ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố đảm bảo cho MRA-TP có hiệu lực và chính thức áp dụng vào đầu năm 2016; thành lập Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) để triển khai MRA-TP.

Tham gia vào quá trình hoàn thiện các tiêu chuẩn chung, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của nước thành viên. Ngành du lịch cũng đã lựa chọn và đề cử nhân sự phù hợp tham gia chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để phát triển đội ngũ Đào tạo viên ASEAN và Đánh giá viên ASEAN đối với các nghề: Buồng, chế biến món ăn, lễ tân và phục vụ nhà hàng. Việt Nam cũng tham gia xây dựng và phổ biến các tài liệu hướng dẫn đào tạo và đánh giá lao động du lịch theo các tiêu chuẩn nghề; giáo trình đào tạo du lịch chung trong ASEAN.

Ngành du lịch Việt Nam đang hoàn thiện xây dựng và phát triển hệ thống tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia (đã ban hành 8 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia và đang trong quá trình chuyển đổi 10 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch theo hệ thống VTOS do Liên minh châu Âu hỗ trợ thành các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia) để có đủ các bộ tiêu chuẩn so sánh và công nhận tương đương với các tiêu chuẩn nghề chung trong ASEAN...

Việc triển khai các Thỏa thuận chung này mang lại rất nhiều lợi ích. Các doanh nghiệp và người lao động sẽ có điều kiện phát triển năng lực, được thừa nhận trình độ chuyên môn. Đối với các doanh nghiệp, họ sẽ có bộ tiêu chuẩn để áp dụng đào tạo tại chỗ, người lao động đáp ứng được kỹ năng nghề trong bộ tiêu chuẩn chung ASEAN sẽ đáp ứng hơn tốt nhu cầu của khách du lịch quốc tế và trong nước. Doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tuyển dụng trong ASEAN. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch sẽ tăng lên và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao. Người lao động Việt Nam có tay nghề, trình độ cao, thạo ngoại ngữ, có cơ hội tìm kiếm việc làm, mức thu nhập cao ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á...

Thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) - ảnh minh họa
Thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, khi thực hiện MRA- TP cũng sẽ có nhiều lao động tay nghề cao trong khối ASEAN đến Việt Nam làm việc. Ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch lí giải: Không phải bắt đầu năm 2016 là người làm du lịch nước ngoài tràn vào Việt Nam, nhưng ngành du lịch phải chủ động chuẩn bị tinh thần đón làn sóng này. Thực tế, du lịch là ngành tiên phong chuẩn bị hội nhập ASEAN với chặng đường hình thành Hội đồng nghề du lịch quốc gia, Hội đồng chứng chỉ nghề du lịch quốc gia, áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch VTOS. Các trường đào tạo nghề du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã áp dụng bộ tiêu chuẩn VTOS, tạo thuận lợi cho sự thừa nhận nghề lẫn nhau trong ASEAN.

Theo Tổng cục Du lịch, các nước ASEAN thống nhất chưa đưa nghề hướng dẫn viên du lịch vào danh sách MRA- TP bởi so với 6 nghề nghề như lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch, đại lí lữ hành, thì hướng dẫn viên du lịch có đặc trưng riêng. Hướng dẫn viên ở mỗi nước phải là người bản địa thì mới nắm vững văn hóa, lịch sử của đất nước mình và là đại sứ văn hóa thể hiện bản sắc riêng của mỗi đất nước...

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh: MRA-TP mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ngành du lịch Việt Nam trước nhiều thách thức mới. Để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch và người lao động. Việc này cần thông qua hoạt động tăng cường quản lý phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tự đào tạo, củng cố nội lực, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch. Đồng thời, Việt Nam cũng cần có các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong một môi trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của khu vực ASEAN./.

Theo TTXVN

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Du lịch tiên phong trong hội nhập cộng đồng chung ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO