Du lịch và bước chuyển về cách làm du lịch
Để tận dụng các tiềm năng sẵn có về cảnh quan, tài nguyên văn hóa đặc sắc, ngành du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ và tích cực.
Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn, vượt trội so với nhiều nước trong khu vực về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đặc sắc... nhưng du lịch vẫn chưa tận dụng khai thác được tiềm năng sẵn có.
Khai thác những giá trị văn hóa truyền thống đang là hướng đi tích cực cho ngành du lịch VN. |
Đó là nhận xét của khá nhiều chuyên gia về du lịch Việt Nam. Nhận thức được điều này nên vài năm gần đây, ngành du lịch đã có một sự chuyển hướng mạnh mẽ ở các địa phương hoặc các doanh nghiệp lữ hành trong nước.
Những hoạt động xúc tiến du lịch khá quy mô của ngành du lịch Việt Nam giờ không còn lạ lẫm và hiếm hoi. Chỉ khác một điều là thay vì trước kia phụ thuộc vào ngân sách nhà nước thì nay, từng địa phương, từng doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư vào xúc tiến du lịch cho cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Hiệu quả thể hiện khá rõ ở tốc độ phát triển cũng như sự gia tăng nguồn khách lẫn doanh thu từ du lịch, ngay cả trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Chị Nguyễn Châu Uyên - Công ty du lịch Hồ Gươm, Hà Nội cho biết: “Sản phẩm du lịch của Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo từng phân khúc thị trường, mục đích du lịch và đã thu hút được nhiều khách.
Ông Trịnh Bằng Có - Giám đốc Công ty cổ phần Khách sạn Phương Đông, TP Đà Nẵng chia sẻ: “Ngày xưa khách cần đến dịch vụ, nhưng bây giờ dịch vụ luôn phải tìm cách khai thác khách, thể hiện rõ là chúng ta phải xúc tiến, tiếp thị cả trong nước lẫn nước ngoài, phải làm dịch vụ cho thật kỹ để giữ khách, để khách đến lại lần thứ hai”.
Tuy nhiên, không dễ để biến những lợi thế “ai cũng biết” thành sản phẩm du lịch có sức hút. Ví dụ như các địa phương miền Trung trong một thời gian dài đã từng khai thác du lịch dựa vào giá trị di tích văn hóa vốn phong phú và đặc trưng của mình, nhưng nếu chỉ có vậy thì không mấy du khách còn thích đến lần thứ hai. Vì vậy, việc mở ra những sản phẩm du lịch mới, những môi trường khám phá mới luôn là yêu cầu bức thiết để duy trì sự hấp dẫn với du khách.
Theo chị Nguyễn Trang Thư - Công ty du lịch dịch vụ Đông Dương, TP.HCM thì muốn duy trì được nhịp phát triển tiếp theo, chúng ta nên chú trọng nhiều hơn đến văn hóa, không nên xây dựng nhà theo kiểu tây, làm những món ăn tây, với họ điều đó không lạ và họ cũng không đến đây vì điều đó…
Trước đây, không ít tiền của đã được bỏ ra để đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch, còn bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã biết đưa sản phẩm du lịch của mình hướng đến những giá trị văn hóa đặc trưng, tạo nên tính bền vững trong phát triển, dù có thể chưa theo kịp các nước lân cận.
Ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng nhận định: “Đầu tư, cách làm của chúng ta vẫn còn cách xa các nước. Chúng ta chạy thì họ cũng chạy, thậm chí chạy nhanh hơn chúng ta. Vấn đề là chúng ta phải rút ngắn khoảng cách lại”.
Chưa bao giờ du lịch Việt Nam phải đứng trước yêu cầu hội nhập như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ du lịch lại đứng trước những thách thức về tính bền vững như thời điểm hiện tại. Do đó, sự chuyển hướng hay làm mới mình của du lịch đều cần sự cẩn trọng.
Theo VTV