Du lịch Việt cần những Đại sứ...dân gian
Năm 2013 sắp qua với sự thiếu vắng danh hiệu Đại sứ du lịch, sau khi Lý Nhã Kỳ mãn nhiệm, một danh hiệu đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí.
Biết bao nhiêu cuộc họp đã được tổ chức để thảo luận về tiêu chí, qui chế cho danh hiệu Đại sứ du lịch tương lai. Biết bao cuộc họp thông báo ý kiến của Bộ VHTT&DL về vấn đề này để rồi….cuộc họp sau lại bác bỏ và ra…thông báo mới.(!)
Những ứng cử viên đợt đầu của công cuộc tìm kiếm Đại sứ Du lịch 2013
Rồi thì hết người đẹp này tuyên bố đăng ký, người đẹp kia lại đăng đàn xin rút cứ như Danh hiệu này là nơi đánh bóng tên tuổi cho làng giải trí Việt vốn nhiều tai tiếng. Và thế là Bộ lại hoãn lên hoãn xuống thời hạn chốt danh sách người ứng cử để rồi thời hạn chót là 31/10 đã qua từ lâu và từ đó đến giờ còn vài ngày nữa bước sang năm mới mà Bộ thì…im hơi lặng tiếng.
Có cảm tưởng như chọn gương mặt đại diện cho du lịch Việt đang là một “nhiệm vụ bất khả thi”!
Loay hoay như … "tìm" đại sứ du lịch
Chả bù lúc tháng 9/2011 khi cô Lý Nhã Kỳ bất ngờ được bổ nhiệm vào chức danh Đại sứ du lịch mà không qua một cuộc tuyển chọn nào.
Trong nhiệm kỳ của mình, ngoài tham gia đóng góp tích cực vận động mọi người đổ tiền cho việc nhắn tin bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, cô Lý Nhã Kỳ được biết đến chủ yếu là các màn PR lố khoe quần áo, nữ trang hàng hiệu được cho là không phù hợp với cương vị Đại sứ Du lịch. Giờ nhẩn nha ngồi ngẫm mới thấy Lý Nhã Kỳ sao mà “hợp” với ngành du lịch Việt Nam đến thế.
Lý Nhã Kỳ nhận bằng khen của Bộ VHTT&DL vì thành tích làm Đại sứ du lịch
(ảnh: Việt Hòa)
Một năm đương nhiệm của Lý Nhã Kỳ trôi qua thật nhanh. Thế rồi, Bộ VHTT&DL chợt nhớ ra là phải ban hành Quy chế Bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam.
Về tiêu chuẩn của người được chọn làm Đại sứ du lịch, ngoài những yếu tố như nhân thân, phẩm chất đạo đức, hoạt động nghề nghiệp…, Bộ VHTT&DL nhấn mạnh tới tiêu chí “có khả năng vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam” - tiêu chí mà dư luận cho rằng được “đo ni đóng giày” cho Đại sứ Du lịch vừa mãn nhiệm để tái đắc cử.
Thế rồi trước sức ép của dư luận Bộ quyết định không đặt nặng tiêu chí “tài chính” nữa nhưng lại cho biết có thể sẽ có nhiều đại sứ du lịch ở nhiều vị trí và địa bàn khác nhau.
Tuy nhiên, việc Lý Nhã Kỳ đột ngột xin rút đơn khỏi cuộc đua vào lúc chiến thắng cận kề đã khiến cuộc tìm kiếm gương mặt Đại sứ Du lịch nhiệm kỳ mới… bị hạ nhiệt.
Bộ hoãn lên hoãn xuống thời hạn bầu chọn và dù đã có Quy chế cho Đại sứ Du lịch nhưng Bộ bất ngờ ra mắt một Hội đồng để thực hiện một Quy trình tiến hành bầu chọn Đại sứ “thật chặt chẽ”. Theo đó, nếu cả 5 ứng cứ viên chức danh Đại sứ không đáp ứng được các tiêu chí Hội đồng đặt ra, rất có thể Việt Nam sẽ không có Đại sứ Du lịch cho hai năm 2013 và 2014. Tuy nhiên, tiêu chí lựa chọn Đại sứ Du lịch của Hội đồng đánh giá hồ sơ lại chưa được Bộ VHTT&DL công bố…(!?)
Môi trường du lịch lao đao vì…không có đại sứ?
Trong năm 2013, trong khó khăn chung nhưng ngành du lịch vẫn đạt tăng trưởng và dự kiến sẽ đạt mốc 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu sẽ đạt 195.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, môi trường du lịch cũng để lại không ít vấn đề bởi một loạt sự kiện không đẹp như những ám ảnh mang tên chặt chém, tệ ăn xin, đeo bám, giá cả niêm yết không công khai…
Điển hình phải kể đến vụ một người đạp xích lô đã đòi du khách nước ngoài trả 1,5 triệu đồng cho quãng đường từ Lăng Bác về phố Hàng Trống khiến Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã phải trực tiếp tìm gặp để xin lỗi.
Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn xin lỗi du khách nước ngoài bị "chặt chém"
Rồi một loạt vụ việc các công ty du lịch “đua nhau” bỏ rơi, trốn nợ, xù tiền khách hàng...là nỗi kinh hoàng của du khách và cả “sự cố” gian hàng trưng bày du lịch Việt Nam tại một Hội chợ du lịch quốc tế còn quảng bá không công di tích của nước ngoài… góp phần vào lý giải cho thống kê hơn 80% du khách nước ngoài không quay lại VN du lịch lần thứ hai.
Việt Nam có cần đại sứ du lịch?
“Đại sứ du lịch có thật cần thiết?” là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong năm qua.
Cần chứ, cần lắm!
Vì năm qua không có đại sứ du lịch nên ngành du lịch mới còn nhiều tồn tại đến thế. Nhưng không phải là vì thiếu Lý Nhã Kỳ hay những gương mặt mỹ nhân cười duyên trên những tấm pa nô áp phích, hoặc những mỹ từ tô vẽ về một môi trường du lịch mang slogan “vẻ đẹp bất tận”.
Bởi vì số đo ba vòng của mỹ nữ không thể mang đến một thay đổi đột phá cho du lịch Việt.
Bởi vì những thanh âm thánh thót của những mỹ từ khi quảng bá du lịch không thể làm cho tình trạng xuống cấp văn hóa ứng xử trong nước và tình trạng ăn xổi ở thì của các doanh nghiệp du lịch được cải thiện.
Điều ước cho ngành du lịch năm mới của tôi xin dành cho những đại sứ du lịch dân gian.
Ước gì một ngày đẹp trời tất cả mọi người, từ quan đến dân, đều ý thức rằng trong mình mang trọng trách đại sứ văn hóa, du lịch. Đó sẽ là ngày chủ nhân đích thực của những di sản như làng cổ Đường Lâm, phố cổ Đồng Văn được hưởng lợi từ di sản cha ông và họ không còn nhìn du khách như những túi tiền di động để “chặt chém” mà coi đó như một cơ hội giao lưu để tự hào “khoe” văn hóa …
Đó sẽ là lúc du lịch Việt thực sự cất cánh và bất cứ ai “dù có đi bốn phương trời” cũng có thể tự hào vì mình là người Việt Nam.
Xin đừng đánh thuế giấc mơ của tôi. Bởi trong khi chấn hưng du lịch Việt còn đang là nhiệm vụ bất khả thi thì ngồi mơ là việc làm khả dĩ./.
Theo VOV