Dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc

20/05/2014 14:13

(Baonghean) - Căng thẳng tại khu vực Biển Đông chưa thể hạ nhiệt do Trung Quốc vẫn không ngừng các hành động đe dọa các tàu chấp pháp của Việt nam tại khu vực mà nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Trong bối cảnh này, dư luận quốc tế tiếp tục lên án mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc:

(Baonghean) - Căng thẳng tại khu vực Biển Đông chưa thể hạ nhiệt do Trung Quốc vẫn không ngừng các hành động đe dọa các tàu chấp pháp của Việt nam tại khu vực mà nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Trong bối cảnh này, dư luận quốc tế tiếp tục lên án mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc:

Chính giới Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ hơn về việc Trung Quốc đưa giàn khoan hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hạ nghị sỹ Giây-sơn Cha-phét, một trong những chính khách có ảnh hưởng lớn tại Quốc hội Mỹ, hôm nay đã ra tuyên bố lên án hành động gây gia tăng căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ, việc Trung Quốc đơn phương triển khai giàn khoan ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông là hành động gây quan ngại sâu sắc. Hạ nghị sỹ Cha-phét nhấn mạnh, người dân Việt Nam mong muốn được sống trong hoà bình và thịnh vượng với sự tôn trọng của các nước láng giềng, và Mỹ cần nỗ lực chứng tỏ vai trò của một quốc gia lãnh đạo có trách nhiệm trong khu vực để đảm bảo cuộc sống hoà bình và thịnh vượng cho người dân Mỹ cũng như người dân châu Á - Thái Bình Dương.

Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc

Tại Pháp, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp - Việt, cựu Chủ tịch Thượng viện Pháp, Thượng nghị sỹ Christian Poncelet, trong bức thư gửi Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đã lên án hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Còn Thị trưởng Thành phố Choisy-le-Roi, phía Nam Paris, Didier Guillaume, cũng viết thư bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ảnh hưởng đến an ninh và an toàn hàng hải của cộng đồng quốc tế tại vùng biển này. Ông Didier Guillaume cũng đánh giá cao quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh vì hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia của Việt Nam.

Các nghị sỹ Italia cũng đã lên tiếng thể hiện quan điểm về những căng thẳng trên Biển Đông. Hạ nghị sỹ Enzo Amendola, lãnh tụ Phe đa số thuộc đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Matteo Renzi tại Ủy ban đối ngoại Hạ viện Italy, đã ra tuyên bố liên quan đến căng thẳng tại Biển Đông do hành động trái phép đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc. Theo ông Enzo, mọi hành động đơn phương sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực, một trong những trung tâm phát triển kinh tế thế giới. Ông Enzo cũng cho rằng, "Italia và châu Âu cần bày tỏ quan ngại hơn nữa đối với tình hình hiện tại tại Biển Đông, “khi những căng thẳng đang xảy ra "có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của cả khu vực, và sẽ tác động đến cả khu vực châu Âu”.

Tuy ở xa hàng nghìn cây số, song những thông tin và hình ảnh về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận Thụy Sỹ. Bà Anjuska Weil, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Lao động Thụy Sĩ, khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông hoàn toàn trái luật pháp quốc tế. Bà Weil cũng cho rằng, việc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển Việt Nam thể hiện thái độ lạm quyền của Trung Quốc vì thế, cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ hơn để Trung Quốc chấm dứt ngay hành động bất hợp pháp và hợp tác với tất cả các quốc gia láng giềng, vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Bên cạnh tuyên bố của các chính trị gia nhiều nước trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam thì tiếng nói của các chuyên gia nghiên cứu quốc tế cũng góp phần quan trọng vào việc chỉ rõ hành động sai trái của Trung Quốc và nhấn mạnh những nỗ lực cần thiết để giải quyết vấn đề căng thẳng này.

Trung Quốc sẽ không ngừng sử dụng sức mạnh để thay đổi từng bước hiện trạng nhằm biến thành việc đã rồi. Để đối phó lại, các nước cần xây dựng cơ chế để Trung Quốc hiểu rằng mình sẽ chịu thiệt hại khi hành xử vô trách nhiệm. Đó là nhận định của Giáo sư Na-rư-si-ghê Mi-chi-si-ta, Trưởng nhóm nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản. Ông Mi-chi-si-ta khẳng định: “Cách tiếp cận của Trung Quốc mang tính dài hạn với việc mở rộng từng bước vùng ảnh hưởng của mình. Để đối phó với cách tiếp cận đó của Trung Quốc, chúng ta cần từng bước nâng cao năng lực bảo vệ của bản thân, bao gồm năng lực quân sự, năng lực phòng thủ, năng lực của cảnh sát, năng lực chấp pháp trên biển, đồng thời mở rộng cơ chế hợp tác trên toàn khu vực bao gồm trên cả lĩnh vực an ninh lẫn ngoại giao. Chìa khóa ở đây chính là việc chúng ta phải xây dựng được một cơ chế hợp tác bao gồm cả hợp tác an ninh để dựa vào đó Trung Quốc sẽ phải chịu thiệt hại khi có các hành động vô trách nhiệm.

Theo ông Đa-vit Cam-ru, Tiến sỹ Lịch sử chính trị tại Đại học Pa-ri Xoc-bon, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á của Pháp, thì chiến lược bá quyền của Trung Quốc đã có từ lâu và hành động lần này là nhằm từng bước hiện thực hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Tiến sỹ Cam-ru nói: “Trung Quốc bất chấp đã phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 nhưng không tuân thủ luật pháp quốc tế vì họ cho rằng các vùng tranh chấp đều nằm trong “đường lưỡi bò” của họ. Trung Quốc luôn không muốn có một phán quyết của Tòa án quốc tế về những tranh chấp này. Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề một cách đa phương mà muốn giải quyết với riêng từng nước ASEAN. Vì thế, ASEAN càng cần phải đoàn kết và liên kết chặt với các đối tác lớn như Mỹ để bảo đảm ổn định, hòa bình trong khu vực”.

Cùng quan điểm này, ông Richar Javad Heydarian, một chuyên gia người Philipin, quốc gia cũng đang có tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc nhận định: “Những gì mà Trung Quốc đã làm với Việt Nam thể hiện là Trung Quốc chỉ quan tâm tới lợi ích quốc gia của họ mà thôi. Các hành động của Trung quốc sẽ khiến Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với Philipin, Mỹ và Nhật Bản. Đồng thời, theo quan điểm của tôi, hành động của Trung Quốc cũng sẽ khiến Việt Nam cân nhắc tới khả năng tiến hành các hoạt động pháp lý để bảo vệ chủ quyền, điều mà sẽ tạo thêm nhiều áp lực đối với Trung Quốc trong thời gian tới. Hành động vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 của Trung Quốc qua vụ việc này cũng khiến cho Philipin và Việt Nam quyết tâm thúc đẩy ASEAN đưa ra các thông điệp mạnh mẽ đối với Trung Quốc”.

Ông Alexay Fenenko – Phó Giáo sư Học viện Ngoại giao Nga, chuyên viên Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cũng chia sẻ quan điểm rất đáng chú ý: với láng giềng nào, Trung Quốc cũng có xung đột lãnh thổ. Vòng từ trái qua phải chúng ta có thể thấy Trung Quốc tranh chấp lần lượt với Ấn Độ, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Nga, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Rõ ràng khi Trung Quốc có vấn đề với tất cả các quốc gia láng giềng thì Bắc Kinh cần phải xem xét lại chính sách của mình. Vấn đề Biển Đông không phải quá khó để giải quyết mà vướng mắc cơ bản là ở lập trường của Bắc Kinh cho rằng tất cả thuộc về Trung Quốc, các nước xung quanh không có gì. Nếu vẫn giữ lập trường như vậy thì đương nhiên rất khó đối thoại.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 sẽ diễn ra tại Philippines từ 21 - 22/5, được dự đoán là sẽ “nóng” bởi tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Trung Quốc sẽ không tham dự Diễn đàn lần này vì phải chủ trì Diễn đàn kinh tế Đa-vốt mùa hè tại Thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng, lý do vắng mặt thật sự của Trung Quốc chính là né tránh phải đối mặt với sự phản đối của khu vực và quốc tế liên quan đến vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển của Việt Nam.

Thu Hà (Tổng hợp)

Mới nhất
x
Dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO