Dù nói cứng, Triều Tiên thực lòng vẫn muốn hiểu Tổng thống Trump
Đằng sau những phát ngôn nảy lửa với Mỹ, Triều Tiên vẫn giữ một “cái đầu lạnh” khi phải đối diện với một Tổng thống khó lường như ông Donald Trump.
Bất chấp cuộc “khẩu chiến” không khoan nhượng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chính quyền Bình Nhưỡng được cho là vẫn đang âm thầm tìm cách thu xếp các cuộc gặp với các nhà phân tích thân phe Cộng hòa Mỹ. Đây được xem là nỗ lực nhằm hiểu hơn về “những thông điệp lẫn lộn” từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: scmp. |
Triều Tiên vốn kiên quyết không đối thoại trực tiếp về chương trình hạt nhân của nước này mặc sức ép trừng phạt từ cộng đồng quốc tế, thậm chí sẵn sàng thách thức lại bằng hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp trong những tháng qua.
Các nhà ngoại giao vẫn khẳng định rằng Mỹ ưu tiên giải pháp ngoại giao để chế ngự “quốc gia bất hảo” này - như cách ông Trump gọi Triều Tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Song đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy đôi bên sẵn sàng tạo bất cứ một nền tảng nào cho những vấn đề chủ chốt có thể mở ra cánh cửa cho cuộc thương thảo chính thức.
Việc thiếu những đối thoại ngoại giao chính thức, theo các chuyên gia, chỉ làm tăng khả năng tính toàn sai lầm. Trong khi những lời đe dọa không thể tiên lượng được của ông Trump, như “hỏa lực và thịnh nộ” hay phương án quân sự “hủy diệt” Triều Tiên, lại đối lập với những khuyến nghị từ các cố vấn hàng đầu của ông, những người luôn hy vọng ông chủ Nhà Trắng phát ngôn cẩn trọng hơn một chút với Bình Nhưỡng.
Giữa “mớ bòng bong” đó, Triều Tiên lại đang nỗ lực tham gia vào cái mà Mỹ gọi là “kênh đối thoại thứ cấp” (track 2 talk) để tạo điều kiện cho các trao đổi ngoài kênh ngoại giao chính thức. Và cũng không quá bất thường cho các nhà trung gian tiếp cận các cựu quan chức và học giả Mỹ khi một chính quyền mới lên nắm quyền.
Khao khát hiểu vị Tổng thống khó lường của nước Mỹ
Theo các chuyên gia, Nhà Trắng biết khi nào những cuộc gặp theo “kênh đối thoại thứ cấp” này xảy ra.
Thực chất, quan chức chính phủ Triều Tiên đã bắt đầu thăm dò chính quyền mới ở Mỹ từ tháng 1, ngay sau lễ nhậm chức của ông Donald Trump, nhằm hiểu hơn xem những chính sách của tân Tổng thống Mỹ có thể khác biết như thế nào so với chính quyền tiền nhiệm – CNN dẫn lời một vài chuyên gia đã được tiếp cận cho biết.
“Họ muốn bắt nhịp với Tổng thống mới nhưng điều đó đã không xảy ra”, ông Douglas Paal, một thành viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia của cựu Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush cho biết. Ông cũng đã được Triều Tiên liên hệ vài lần từ đầu năm đến nay.
Washington Post là tờ báo đầu tiên đưa tin rằng các quan chức Triều Tiên đang tìm đến những nhà phân tích có liên hệ với phe Cộng hòa để hiểu hơn thông điệp của ông Trump.
“Tôi nghĩ họ có thể đã nghĩ rằng việc tìm đến những người diễn giải được dòng tư duy chủ lưu hiện nay và có nhiều tiếp cận với chính quyền của ông Trump nhằm tìm cách tốt hơn để gửi thông điệp và tiếp nhận thông tin”, Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và là chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation), một tổ chức thiên hướng bảo thủ ở Mỹ.
Ông cho rằng: “Họ đang tìm cách ghép nối những mảnh ghép thể hiện chính sách của Mỹ dưới thời chính quyền mới. Nhưng thậm chí chúng tôi ở Washington còn phải bối rối, còn có nhiều câu hỏi về những biến số chính sách hiện nay thì có thể hiểu được [sự bối rối – ND] như thế nào từ Seoul, Tokyo và Bình Nhưỡng”.
Ôn Klingner mới đây từ chối lời mời của phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đến thăm Bình Nhưỡng để tham gia vào một số cuộc gặp nhưng ông đã tham gia nhiều hội thảo có các quan chức Triều Tiên.
“Họ đang cố phân biệt đâu là chính sách có thể phá vỡ lằn ranh đỏ”, ông Klingner chia sẻ với CNN, cho rằng những nỗ lực liên hệ với các nhà phân tích theo đường lối bảo thủ hoặc phe Cộng hòa dường như là kết quả của sự băn khoăn trước những thông điệp của ông Trump trong bối cảnh không có các cuộc đối thoại ngoại giao chính thức nào với chính quyền Mỹ.
Những cuộc đối thoại như thế có thể tạo cơ hội quý báu cho cả 2 bên thu thập thông tin, ông Klingner nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Triều Tiên nên sử dụng các kênh chính thức để truyền tải bất cứ thông điệp nào chứng tỏ họ nghiêm túc đàm phán trực tiếp với Mỹ.
Phía Mỹ từng liên lạc trực tiếp với Triều Tiên vài lần thông qua phái bộ ở Liên Hợp Quốc, được biết đến với tên gọi “Kênh New York” (New York Channel). Tuy nhiên, trao đổi qua kênh này đã bị cắt đứt từ tháng 7/2016 và chỉ được mở lại nhằm tạo điều kiện cho việc đưa sinh viên Mỹ Otto Warmbier trở về nước sau khi ngồi tù ở Triều Tiên. Ông Klingner cho biết những nỗ lực tham gia vào các kênh đối thoại thứ cấp không chỉ bắt đầu với chính quyền của ông Trump hay vào thời điểm kênh chủ lực đã bị đóng.
Hiểu hơn để cứng rắn hơn với Mỹ
Phái bộ của Triều Tiên không bình luận gì về thông tin mà báo chí Mỹ đưa ra. Song có một thực tế là cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un leo thang đồng thời với động thái Triều Tiên tăng cường tiếp cận các nhà trung gian nhằm tìm kiếm kênh liên lạc thay thế.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng đã có sự thay đổi trong giọng điệu của Triều Tiên trong những tháng gần đây so với các cuộc gặp hồi đầu năm.
“Triều Tiên dường như tự tin hơn nhiều so với các cuộc gặp trước”, ông Klingner, người vừa gặp các quan chức từ Bình Nhưỡng hồi tháng 6 vừa qua ở Thụy Điển, cho biết. Theo ông, thông điệp đưa ra dường như là “phi hạt nhân hóa phải hoàn toàn được gạt ra khỏi bàn đàm phán và không có gì mà Mỹ hay Hàn Quốc có thể đề xuất nhằm thay đổi điều đó”.
“Quan điểm đó chỉ được nhấn mạnh khi quan chức Triều Tiên bị chọc giận, khi chuyên gia Mỹ bắt đầu đưa ra ý tưởng về sự thỏa hiệp, ông Klinger cho biết.
Chuyên gia Douglas Paal cũng chia sẻ quan điểm rằng Triều Tiên “vẫn chưa nghiêm túc đối thoại”, cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không dừng lại cho đến khi họ thực sự cứng cáp hơn về năng lực hạt nhân, bằng chứng là các vụ thử tên lửa và hạt nhân diễn ra dày đặc trong những tháng qua.
Nhưng nhìn từ bên ngoài, một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang tiếp tục tiếp cận các nhà phân tích Mỹ bởi vì Tổng thống Donald Trump vẫn có khả năng làm nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ bằng những phát ngôn của mình và thực sự đang có một mối quan ngại sâu sắc về những gì có thể xảy ra tiếp theo trên bán đảo Triều Tiên.
Bruce Bennett, nhà nghiên cứu kỳ cựu chuyên về Triều Tiên tại tổ chức RAND Corporation, chỉ ra rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có nói bóng gió về việc những phát ngôn của Tổng thống Doanld Trump không nằm ngoài dự đoán của ông.
“Tôi tin rằng Triều Tiên sẽ tìm cách ‘ngăn chặn bằng hăm dọa’ hoặc ‘gây sức ép bằng hăm dọa’ trong nhiều năm tới”, ông Bennett nhận định, đồng thời cho rằng chiến thuật “ngoa dụ” của Bình Nhưỡng phần nào cho thấy họ không sẵn sàng biến đe dọa thành hành động.
Ông Bennett cũng cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn đứng trước sức ép phải duy trì thế thượng phong trong cả cuộc khẩu chiến lẫn nỗ lực hiểu rõ hơn ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nước này.
Ông Bennett nói: “Ông Kim Jong-un có vẻ thực sự lo lắng về việc ông Trump có thể làm gì. Nhưng tôi đồ rằng ông ấy thậm chí còn lo ngại hơn về việc những gì ông Trump nói và làm sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ông ấy [Kim Jong-un – ND] ở trong nước, đặc biệt là với tầng lớp tinh hoa của Triều Tiên”./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|